12:51 13/10/2010

Doanh nghiệp vẫn “ngại” lạm phát, lãi suất, tỷ giá

Anh Quân

Lạm phát tăng kéo theo lãi suất chưa thể giảm nhanh, tỷ giá điều chỉnh là những lo ngại của giới chủ

67,56% số doanh nghiệp được hỏi cho biết doanh nghiệp của họ chịu tác động từ biến động tỷ giá ngoại tệ.
67,56% số doanh nghiệp được hỏi cho biết doanh nghiệp của họ chịu tác động từ biến động tỷ giá ngoại tệ.
Lạc quan về triển vọng kinh tế và doanh thu, lợi nhuân, doanh nghiệp tính chuyện tăng đầu tư, tuyển thêm lao động. Nhưng lạm phát tăng kéo theo lãi suất chưa thể giảm nhanh, tỷ giá điều chỉnh là những lo ngại của giới chủ.

Kết quả trên được ghi nhận từ cuộc khảo sát do Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn tài chính Dầu khí cùng Công ty Dịch vụ thông tin tài chính WVB Việt Nam tiến hành từ ngày 15/9 đến đầu tháng 10, tại 262 doanh nghiệp thuộc 11 lĩnh vực ngành nghề chủ chốt của Việt Nam (hơn 70% là doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Việc tăng trưởng GDP quý 3 đạt 7,16%, cao nhất kể từ quý 3/2008; kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm tăng 23,2% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,8%... có thể đã ảnh hưởng đến cách nhìn lạc quan hơn của doanh nghiệp. Theo kết quả điều tra, chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý 3/2010 đã tăng 3 điểm so với quý 2, nhưng vẫn thấp hơn 1 điểm so với quý 1 năm nay.

“Sự phục hồi của chỉ số niềm tin kinh doanh trong quý này phản ánh sự cải thiện về niềm tin của các chủ doanh nghiệp nói riêng và giới kinh doanh trong nước nói chung”, thông cáo báo chí phát đi từ cơ quan thực hiện cuộc khảo sát cho biết.

Cụ thể, có 70,23% doanh nghiệp tham gia trả lời phỏng vấn cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã tốt hơn so với 12 tháng trước; chỉ có 25,57% doanh nghiệp cảm nhận hiện trạng nền kinh tế không có sự thay đổi.
 
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam 12 tháng tới, các doanh nghiệp còn tỏ ra lạc quan hơn khi có tới 84,35% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng tình hình kinh tế Việt Nam sẽ tốt lên trong vòng 12 tháng tới; chỉ có 15,65% số doanh nghiệp nghi ngại nền kinh tế trong nước sẽ không thay đổi.

Niềm tin vào tăng trưởng doanh thu trong vòng 12 tháng tới cũng được cải thiện trong xu thế lạc quan chung. 74,05% số doanh nghiệp được phỏng vấn tin vào điều này (tăng 1,82% so với quý 1/2010); 24,05% các doanh nghiệp cho rằng doanh thu của doanh nghiệp sẽ giữ nguyên; và chỉ có 1,91% các doanh nghiệp cho rằng doanh thu sẽ giảm.

Kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế và triển vọng kinh doanh đã dẫn đến những nhận định tích cực về lợi nhuận dự kiến trong tương lai. 72,52% số doanh nghiệp được phỏng vấn tin rằng lợi nhuận sẽ tăng trong 12 tháng tới, tăng 10,79% so với kết quả chỉ số niềm tin kinh doanh quý 1/2010.

Trong khi đó, số doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận sẽ giữ nguyên đã giảm tương ứng 12,76% về mức 23,66%; và, chỉ có 3,82% số doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận sẽ giảm trong vòng 12 tháng tới.

Nhưng đáng chú, các doanh nghiệp vẫn tỏ ra lo ngại trước các vấn đề lạm phát, lãi suất và tỷ giá. Đặc biệt trong thời gian cuộc khảo sát tiến hành, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 được công bố tăng đột biến lên mức 1,31% so với tháng 8, làm dấy lên những quan ngại về lạm phát vượt mục tiêu đặt ra.

Kết quả thăm dò ý kiến doanh nghiệp trong quá trình khảo sát chỉ ra rằng, có tới 85,88% số doanh nghiệp tin việc CPI tăng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến khả năng tăng lãi suất cơ bản.

Ngoài ra, việc VND mất giá cũng góp phần dẫn tới điều chỉnh tỷ giá VND/USD liên ngân hàng vào tháng 8. Kết quả là, có đến 67,56% số doanh nghiệp được hỏi cho biết doanh nghiệp của họ chịu tác động từ biến động tỷ giá ngoại tệ.

Qua tham khảo ý kiến doanh nghiệp, cuộc khảo sát cũng đi đến kết luận, giá của nguyên vật liệu đầu vào tăng dẫn đến tăng chi phí vốn hàng hóa. Thêm vào đó, trở ngại trong việc tiếp cận vốn và thủ tục hành chính cũng dẫn đến những lo ngại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay.

Với kết quả này, kế hoạch mở rộng kinh doanh đã kém lạc quan hơn so với các chỉ tiêu đề cập ở trên. Có 59,16% số doanh nghiệp được phỏng vấn cho biết họ đang có kế hoạch tăng số lượng nhân viên của mình trong 12 tháng tới; 37,79% đề cập đến khả năng giữ nguyên số lượng nhân viên của mình trong tương lai, và 3,05% cho biết sẽ giảm.

Về kế hoạch đầu tư cho tài sản cố định, cũng có 59,16% số doanh nghiệp cho biết sẽ tăng chi phí đầu tư vào tài sản cố định của công ty trong 12 tháng tới; 34,35% số doanh nghiệp dự kiến giữ nguyên và 6,49% số doanh nghiệp có thể sẽ giảm chi phí đầu tư cho tài sản cố định của công ty.