07:32 07/04/2022

Doanh nghiệp Việt mất lợi thế vì chi phí xuất nhập khẩu tăng mạnh

Mộc Minh

Hiện chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20-25% GDP, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Cần tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu là yêu cầu cấp thiết để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

PHÍ LOGISTICS “ĐỘI” GIÁ CHỤC LẦN

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của cả nước, trong đó, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Cùng với đó, xung đột quân sự Nga- Ukraine đã tác động đến giá dầu thế giới biến động mạnh mẽ, dẫn đến chi phí vận tải, logistics tăng cao càng làm chi phí xuất nhập khẩu gia tăng.

Gần đây, phí chuyên chở container tiếp tục được nhiều hãng tàu thông báo điều chỉnh tăng đến 20%, dù mức giá đã rất cao, tăng vài lần so với trước khi có dịch.

Tại tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp” do Báo Hải quan tổ chức ngày  06/4/2022, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn IPPG, cho biết chi phí logistics của Việt Nam cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới.

Theo số liệu năm 2020 của Ngân hàng thế giới, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20-25% GDP. Trong khi đó, tại Thái Lan chỉ là 19%, Malaysia là 13%, Singapore 8% và Mỹ chỉ 7,7%.

Hiện giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt 3-4 lần, thậm chí có thời điểm, giá cước tăng 5-6 lần so với trước dịch. Trước đây, giá cước vận chuyển hàng hóa từ châu Á đi Hoa Kỳ là khoảng 1-1,8 USD/kg, nhưng hiện nay đã lên mức 17 - 18 USD/kg, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam.

“Chi phí logistics tăng cao khiến cho chi phí hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng theo đã làm mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực châu Á. Cần tìm giải pháp kéo giảm chi phí này là yêu cầu cấp thiết để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.

Khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) mới đây về mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp ngành logistics cho thấy, trong quý 1/2020, có 15% doanh nghiệp bị giảm 50% doanh thu so với năm 2019; hơn 50% doanh nghiệp giảm số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế từ 10% - 30% so với cùng kỳ năm trước. Khoảng 97% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics là vừa và nhỏ bị tác động nặng nề.

Từ tháng 5/2020, hoạt động logistics được phục hồi theo nền kinh tế, nhưng đến nay vẫn còn 20% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics suy giảm về hoạt động. So với trước đại dịch, lượng hàng hóa vận tải qua biên giới, đặc biệt với Trung Quốc vẫn bị tắc nghẽn…

Ông Trần Việt Huy, Trưởng ban Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại thuộc VLA, cho biết chi phí logistics của Việt Nam tăng rất cao do các tuyến hàng container đều nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu doanh nghiệp trong nước lấy được một phần nhỏ thị phần này thì giá sẽ khó loạn như hiện nay.

"Chi phí logistics đội giá lên nhiều lần do sự đứt gãy chuỗi cung ứng vì dịch bệnh cũng như xu hướng thương mại toàn cầu đang thay đổi. Trong đó, thủ tục hành chính là một trong nhiều yếu tố làm chi phí tăng lên", ông Huy nhấn mạnh. 

CẦN GIẢM CHI PHÍ TỪ “RỪNG LUẬT”

Liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngành rất lớn với trên 50 Luật, trên 200 Nghị định và Thông tư.

Theo ông Đào Duy Tám, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, để thông quan một lô hàng liên quan đến nhiều đơn vị như kiểm tra chuyên ngành, việc cắt giảm chi phí phải có sự chung sức của tất cả các cơ quan liên quan.

Hiện tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS ở mức độ rất cao tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc với hơn 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,6% tờ khai và thời gian thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây.

Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan đang chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: CL.
Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan đang chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: CL.

Tổng cục Hải quan cũng đã chính thức cung cấp miễn phí phần mềm khai hải quan cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu kể từ ngày 29/12/2021.

Theo tính toán của cơ quan Hải quan, với khoảng 92.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang hoạt động, việc cung cấp phần mềm miễn phí sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 432 tỷ đồng.

Tại TP.HCM, Cảng Cát Lái thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn có sản lượng hàng hóa khai thác chiếm 50% sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu cả nước, hơn 80% sản lượng hàng hóa tại cảng biển TP.HCM, tốc độ tăng trưởng hàng năm 10%.

Tuy nhiên, kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp với tốc độ tăng trưởng của sản lượng hàng hóa thông qua cảng, dẫn đến nguy cơ ùn tắc tại cảng Cát Lái và ảnh hưởng giao thông các khu vực lân cận cảng.

Ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TP.HCM, cho biết để giảm 70% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan cũng như giảm 70% thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa, Cục Hải quan TP.HCM đã ban hành Quyết định 2318; ban hành “Đề án Tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động Logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái” với 03 giải pháp, gồm: xây dựng mô hình làm việc tập trung, khép kín; thực hiện thủ tục hải quan 24/7 trên cơ sở thiết lập kênh trao đổi thông tin riêng giữa cơ quan hải quan - Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn – doanh nghiệp để thực hiện thủ tục hải quan; thủ tục giao nhận hàng hoá cho các doanh nghiệp tham gia đề án.

Dù vậy, ông Đào Duy Tám cũng nhìn nhận, vấn đề hiện nay là vẫn còn một số thủ tục hành chính làm thủ công, nhiều quy định ban hành ra chưa theo kịp thực tiễn, trong quản lý chuyên ngành còn chồng chéo. Do đó, việc giảm chi phí logistics đòi hỏi sự chuẩn hóa từ phía hải quan cũng như từ phía doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục.