14:15 15/08/2023

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó: Quay về sân nhà cũng không dễ

Lưu Hà

Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng kiến sự "về lại sân nhà" của rất nhiều doanh nghiệpchuyên xuất khẩu các lĩnh vực đồ gỗ, may mặc, thực phẩm… Các doanh nghiệp sản xuất cho biết đã đẩy mạnh cung ứng cho thị trường nội địa để bù đắp phần nào doanh thu xuất khẩu...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khai thác thị trường mới hoặc mở rộng thị trường trong nước được xem là hướng đi chiến lược của các doanh nghiệp xuất khẩu giữa bối cảnh thị trường các nước nhập khẩu chính bị thu hẹp. Việt Nam là thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển, với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng, tạo nên một “thiên đường tiêu thụ” mà các doanh nghiệp nên khai thác triệt để. Tuy nhiên, con đường chinh phục "sân nhà" cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức.

BÀI TOÁN KHÔNG DỄ TÌM LỜI GIẢI

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra giảm sút nên nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội đã quay về khai thác thị trường nội địa. Tuy nhiên, việc tiêu thụ mặt hàng này không tăng trưởng như mong muốn. Tổng thư ký VASEP dẫn ra một trường hợp thực tế, vừa qua Công ty CP Nam Việt ký kết hợp đồng tiêu thụ 300 tấn cá tra trong 3 tháng với một hệ thống bán lẻ lớn và chỉ chiếm 1,7% sản lượng cá tra phi lê của doanh nghiệp này trong 1 quý.

Bổ sung thêm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) Doãn Tới cho hay nửa đầu năm, xuất khẩu sản phẩm thủy sản của công ty giảm 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Để có hướng đi mới, công ty đang tìm cách chinh phục lại thị trường nội địa, dù bài toán này cũng không dễ dàng. “Trước đây, chúng tôi chỉ bán sỉ nên hàng xuất cảng là hết trách nhiệm. Nhưng khi bán lẻ, mọi khâu phải chặt chẽ từ đầu cho tới khi người tiêu dùng chế biến sản phẩm mới an tâm”, Tổng giám đốc Navico cho biết.

Thực tế, không chỉ mặt hàng nông sản mới gặp khó trong quá trình khai thác thị trường nội địa, một số mặt hàng khác như đồ gỗ, thời trang cũng trong tình trạng tương tự. Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), việc sử dụng hàng hóa xuất đi Mỹ hoặc châu Âu để bán ở thị trường nội địa là không hề dễ dàng. Bởi lẽ thị hiếu tiêu dùng ở thị trường châu Âu và Mỹ khác với người tiêu dùng Việt. “Để mở một cửa hàng quần áo với thương hiệu riêng phù hợp với người Việt, doanh nghiệp phải mất 3 - 5 năm mới có thể hoàn vốn. Không phải đơn vị thuần sản xuất nào cũng đủ lực đi một con đường dài”, ông Việt chia sẻ.

Mở rộng thị trường trong nước được xem là hướng đi chiến lược của các doanh nghiệp xuất khẩu giữa bối cảnh thị trường các nước nhập khẩu chính bị thu hẹp. 
Mở rộng thị trường trong nước được xem là hướng đi chiến lược của các doanh nghiệp xuất khẩu giữa bối cảnh thị trường các nước nhập khẩu chính bị thu hẹp. 

“Với thị trường nội địa không có quy chuẩn thiết kế, mạng lưới phân phối của doanh nghiệp gỗ chưa có nên việc sản xuất, tiêu thụ không dễ dàng. Thêm vào đó, hầu hết các linh phụ kiện sản xuất đồ gỗ nội thất đều được nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến doanh nghiệp Việt mất lợi thế ngay trên sân nhà”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), bày tỏ. Đó là chưa kể, thị trường trong nước cũng khó có thể bù đắp cho thị trường xuất khẩu, bởi lẽ tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu tại nhiều doanh nghiệp đồ gỗ hiện chiếm đến 80%. 

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Meet More Coffee, cho hay dù cà phê Meet More đã chinh phục được hơn 15 thị trường, trong đó có cả những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như Mỹ, châu Âu,…Nhưng cũng không thể thuyết phục được các chủ cửa hàng và chuỗi siêu thị lớn trong nước bày bán, vì thương hiệu còn mới với người tiêu dùng trong nước.

“Một trong những khó khăn của những doanh nghiệp tìm về sân nhà là phải tổ chức bộ máy phân phối rộng khắp, phải đối mặt với bài toán chi phí cho việc phân phối hàng hóa, cho quảng bá, hậu mãi, khuyến mại… Trên thực tế, sức mua trong nước cũng đang bị suy giảm mạnh”, ông Luận nhấn mạnh.

Về phía các nhà phân phối, nhìn lại 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp bán lẻ tại TP.HCM cho biết vẫn đang trong vòng xoáy khó khăn do vừa xoay xở để có thể trụ vững, vừa chia sẻ khó khăn với đối tác, người tiêu dùng. “Một bộ phận người dân bị giãn giờ làm hoặc mất việc làm do xuất khẩu sụt giảm, cùng với xu hướng người dân thắt chặt chi tiêu, chủ yếu mua hàng hóa thiết yếu khiến sức mua thị trường dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp”, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận định...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 33-2023 phát hành ngày 14-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây.

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó: Quay về sân nhà cũng không dễ - Ảnh 1