Doanh nhân "ATM gạo" lập tiếp các trạm đổi bình oxy miễn phí
Dự án "ATM Oxy" lập các trạm đổi bình oxy miễn phí tại nhà cho các bệnh nhân, đã triển khai được 6 trạm ở quận 7, 8, 10, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh, từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày...
Trạm đổi bình oxy hay còn gọi là "ATM Oxy" hoạt động từ ngày 2/8 tại TP.HCM với thông điệp “Trao oxy – nối dài sự sống”, là dự án kết hợp của Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc công ty PHGSmarthome với Thành Đoàn và Hội doanh nhân trẻ TP.HCM. Anh Hoàng Tuấn Anh cũng là người đầu tiên đã lập "ATM gạo" để hỗ trợ người dân TP.HCM trong đợt dịch lần đầu bùng phát vào đầu năm ngoái.
Bệnh nhân cần đổi bình oxy có thể liên hệ đường dây nóng (+84) 796 55 5564. Các tình nguyện viên quận Đoàn sẽ chở oxy bằng xe máy đến tận nhà. Với người chưa có bình và hoàn cảnh khó khăn, "ATM Oxy" sẽ cho mượn miễn phí.
Sau hai ngày triển khai, nhóm của Hoàng Tuấn Anh đã nhận được vài trăm cuộc gọi của các F0, F1 muốn đổi và mượn bình oxy. Với số lượng lớn như trên, Tuấn Anh thừa nhận hệ thống đang quá tải. Tuy nhiên, dự án đã nhận được sự hỗ trợ từ Hội doanh nhân trẻ TP.HCM và đã kêu gọi được số tiền lên đến cả tỷ đồng. Nhờ vậy, nhóm sẽ triển khai nhanh thêm nhiều trạm khác để khắc phục tình trạng quá tải này. Dự kiến, các trạm tiếp theo sẽ triển khai ở 11 quận, huyện và TP. Thủ Đức.
Tại các hệ thống bệnh viện và cơ sở y tế, số lượng bình oxy y tế hiện giờ không nhỏ. Thông thường, các đơn vị 5 - 7 ngày mới thay vỏ bình oxy một lần nên sẽ có 5 - 6 bình để không (một bình 40 lít dùng được từ 4 - 24 giờ). Theo đó, “ATM oxy” sẽ tăng cường đội xe đổi oxy hàng ngày cho các bệnh viện để nâng công suất sử dụng các bình lên 3 - 4 lần.
Ngoài việc hỗ trợ các bệnh nhân, F0 tại nhà, trong giai đoạn 2 “ATM oxy” sẽ hỗ trợ đổi bình oxy miễn phí cho các bệnh viện với số lượng dự kiến là 5.000 tới 10.000 bình. Giai đoạn 3, “ATM oxy” sẽ cho các bệnh viện mượn để sau này TP.HCM giảm dịch thì có thể hỗ trợ các tỉnh, thành khác trên cả nước. Giai đoạn tiếp theo sẽ cần bổ sung đến bình nhập khẩu.
Không giống với dự án "ATM gạo" từng làm và rất thành công, lần này Tuấn Anh thừa nhận việc triển khai "rất khác". Gạo hay thực phẩm dễ tiến hành và sử dụng nhưng với oxy, nguồn cung không nhiều trong khi thu, nạp và vận hành nó cũng cần theo đúng quy chuẩn. Sắp tới, để người dùng dễ dàng sử dụng, công ty và Thành đoàn TP.HCM sẽ kết hợp với Sở Y Tế để hướng dẫn trực tuyến cách sử dụng cho các F0, F1.
Anh Hoàng Tuấn Anh, anh cho biết "nảy" ra ý tưởng trên khi thấy tình trạng, các F0, F1 phải cách ly tại nhà nên không thể đem bình oxy đi đổi. Số lượng tài xế giao hàng công nghệ cũng hạn chế vì phải gánh đơn giao hàng cho toàn thành phố. Xe của các trung tâm sang chiết oxy thì đã quá tải trong khi nguồn cung hiếm.
"Trước tới nay rất hiếm việc mang bình oxy đến nhà cho người dân. Trong giai đoạn dịch bệnh cao điểm, tôi đã nhận được nhiều cầu cứu về việc thiếu bình oxy. Tôi muốn giúp các F0 và người dân ở nhà vẫn có sự chăm sóc y tế cơ bản khi các bệnh viện, các cơ sở điều trị quá tải nên đã kết nối tạo ra mô hình này," anh Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, phía ban tổ chức chương trình “Trao oxy – nối dài sự sống” cũng khuyến cáo, hiện tại mô hình “ATM oxy” chỉ đang giúp hai đối tượng chính:
Thứ nhất là những người có bệnh mãn tính cần dùng tới bình oxy, họ đã có hệ thống thở được lắp đặt đáp ứng yêu cầu chuyên môn y khoa, phía chương trình giúp họ đổi bình cũ lấy bình mới trong giai đoạn hạn chế đi lại.
Thứ 2 là những trường hợp F0 đã được các cơ quan y tế nắm thông tin nhưng chưa đưa đi điều trị được. Những người này sẽ cần thở oxy trong lúc đợi đưa đi điều trị và đội ngũ đoàn viên, tình nguyện viên sẽ làm nhiệm vụ cung cấp bình oxy. Còn việc lắp đặt, cho thở sẽ được đội ngũ y tế thực hiện. Người dân không nên tự mua bình oxy về dự trữ và sử dụng vì việc này cần có những hướng dẫn y khoa nhất định.
"Tương lai chúng tôi sẽ triển khai trên 24 trạm. Riêng với Bình Chánh và TP Thủ Đức sẽ có nhiều trạm hơn các nơi còn lại", Hoàng Tuấn Anh nói. Vị doanh nhân là "cha đẻ" của “ATM gạo” này cũng nói thêm, dự án vẫn rất cần các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các nhà cung cấp chung tay ủng hộ và giành lại sự sống cho những bệnh nhân đang thiếu oxy.