11:22 24/08/2015

Lương tối thiểu tăng 20%, năng suất lao động tăng 3%/năm

Anh Minh

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vừa chính thức bày tỏ quan điểm về việc tăng tương tối thiểu

Hài hòa giữa tăng lương và giải quyết việc làm là bài toán khó, đòi hỏi cách giải phù hợp.<br>
Hài hòa giữa tăng lương và giải quyết việc làm là bài toán khó, đòi hỏi cách giải phù hợp.<br>
Hiện tại, đang có những tranh luận gay gắt xung quanh cuộc đàm phán tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.

Trong khi Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng là 16%, thì phần lớn các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước lại cho rằng, mức tăng chỉ khoảng 6 - 7% mới là hợp lý.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc vừa chính thức bày tỏ quan điểm về việc tăng tương tối thiểu, theo đó ông ủng hộ một giải pháp dung hòa lợi ích các bên.

Làm sao hài hòa?

Ông Lộc cho rằng, trên quan điểm của VCCI, với tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay khoảng 3%, tốc độ trượt giá của đồng tiền khoảng 1-3%, thì một mức tăng lương tối thiểu vùng khoảng 9 -10% là hài hoà.

Nếu lương tối thiểu năm 2016 tăng quá mức này, sẽ không có lợi cho việc tạo thêm việc làm mới cho người lao động và thất nghiệp sẽ gia tăng.

Vị đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, trên thực tế, tốc độ tăng lương tối thiểu tại Việt Nam trong thời gian qua là “rất cao”.

Các số liệu cho thấy, tiền lương tối thiểu đã tăng từ mức 350.000 đồng/tháng vào năm 2005 lên mức 2.150.000 đồng/tháng vào năm 2015 (đối với vùng 4). Tổng mức tăng chung trong cả giai đoạn là 6,14 lần, tương đương mức tăng trung bình khoảng 20%/năm.

Trong khi, mức tăng năng suất lao động kể từ năm 2005 đến nay trung bình chỉ khoảng 3%/năm.

Kể cả nếu cộng thêm mức độ trượt giá của tiền đồng trong giai đoạn 2005-2015 ở mức gần 10%/năm, khoảng cách giữa tốc độ tăng lương và tốc độ tăng năng suất lao động vẫn là một con số rất lớn.

“Chắc chắn là các doanh nghiệp Việt Nam không thể chịu đựng được một mức tăng lương cao và kéo dài như vậy. Các số liệu về việc làm tại Việt Nam gần đây cho thấy, các tác động tiêu cực của việc tăng lương cao và kéo dài ngày càng lớn”, ông Lộc nói.

Lo bài toán thất nghiệp

Ngày 20/7/2015, Viện Lao động và Xã hội công bố bản tin cập nhật thị trường lao động quý 1/2015 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm trong nền kinh tế đang gia tăng.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước là 2,43%, tăng 0,22% so với cùng kỳ năm 2014.

Bản tin cũng cho hay cả nước hiện có hàng triệu người thất nghiệp và thiếu việc làm. Riêng tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn đã tăng 0,42% so với cùng kỳ năm trước, và gấp đôi tỷ lệ tăng thất nghiệp chung.

VCCI cho rằng việc tạo thêm nhiều việc làm mới cho nền kinh tế, đặc biệt cho người lao động ở nông thôn, đã trở nên cấp bách, và thậm chí là vấn đề cần quan tâm bậc nhất ở Việt Nam hiện tại.

Do đó, việc tăng lương tối thiểu ở mức quá cao sẽ không có lợi cho việc đạt được mục tiêu này, vì một mặt, sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mới, tạo việc làm.

Mặt khác, đối với các doanh nghiệp còn đang hoạt động, thì có đến gần 70% không có lãi, việc tăng lương tối thiểu không hợp lý sẽ làm gia tăng tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp, buộc họ phải thu hẹp sản xuất, đẩy người lao động đang có việc làm ở thành thị trở lại nông thôn, làm tiếp tục tăng tình trạng thất nghiệp và gây bất ổn xã hội.

Đáng chú ý là, tình hình việc làm của người lao động ở nông thôn được dự báo sẽ còn trầm trọng hơn khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu TPP được ký kết, ngành chăn nuôi - khu vực có đến 10 triệu lao động đang làm việc - sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất do cạnh tranh từ bên ngoài.

Bởi vậy, nếu các khu vực sản xuất khác như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, thủy sản…, những ngành thâm dụng lao động và được hưởng lợi từ TPP, không thể tạo thêm nhiều việc làm mới do chi phí nhân công cao, tăng trưởng đầu tư thấp, thất nghiệp sẽ trở thành vấn đề nhức nhối đối với nền kinh tế, chính trị và xã hội Việt Nam trong thời gian tới.

Vẫn theo ông Vũ Tiến Lộc, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào mức tăng chi phí sản xuất. Tại các ngành sử dụng nhiều lao động, chi phí tiền lương là một phần đáng kể, thậm chí là phần mang tính quyết định, tạo nên sức cạnh tranh của hàng hóa.

Đối với các doanh nghiệp mà chi phí lao động chiếm trên 30% tổng chi phí, việc tăng lương thêm 16% sẽ khiến cho giá thành tăng thêm ít nhất 5%, và đây sẽ là một cú sốc lớn.

“Bởi vậy, những người có trách nhiệm trong đàm phán tiền lương cần có cái nhìn duy lý, dựa trên các cơ sở khoa học, tuân theo các quy luật khách quan, hướng tới mục tiêu chung và dài hạn là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như tạo việc làm cho người lao động, và nhất định phải ngăn chặn tình trạng thất nghiệp đang gia tăng hiện nay”, ông Lộc nhấn mạnh.