Doanh thu từ những vườn trái cây thành địa điểm du lịch
Phát huy tiềm năng, lợi thế về môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên… nông dân nhiều địa phương đã phát triển mô hình vườn cây ăn trái kết hợp dịch vụ du lịch. Doanh thu bước đầu khả quan là tín hiệu phấn khởi cho các hộ gia đình theo đuôi mô hình kinh tế này…
Thời gian gần đây, vườn nho của gia đình anh Đào Văn Phương, tọa lạc trên núi Dài (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), trở thành địa chỉ “hot” của người đam mê khám phá. Địa điểm này nằm ở vị trí khá cao, muốn đến được vườn, phải băng qua những con dốc cao, quanh co.
Anh Phương cho biết vườn nho được trồng thử nghiệm từ năm 2021, với các giống chủ yếu: Nho móng tay, nho kẹo, nho mẫu đơn, nho hạ đen… vừa để bán, vừa phục vụ người dân đến tham quan. Do vườn không thu phí tham quan, có thể thưởng thức tại chỗ, nên mỗi khi trái chín là du khách đến tham quan, chụp ảnh, mua nho rất đông.
Tại xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), gia đình anh Nguyễn Văn Út và chị Nguyễn Thị Diễm Trang cũng chọn hướng phát triển du lịch dựa trên mô hình nông nghiệp. Vườn Út Trang của vợ chồng họ chỉ trồng các loại cây ăn trái mới, chưa được trồng tại địa phương.
Trên diện tích khoảng 6.000m2, anh Út trồng hơn 10 loại cây ăn trái: Nho thân gỗ, cherry Surinam, dâu tằm Đài Loan, bơ đậu phộng, hồng socola; vú sữa bơ… Nhờ không gian rộng rãi, thiết kế phù hợp, sản phẩm trái cây sạch, an toàn, nên du khách trong và ngoài tỉnh tìm đến tham quan ngày càng nhiều, hầu như ngày nào cũng có khách.
Trong khi đó, TP. Cần Thơ có hơn 24.500ha cây ăn trái các loại, trong đó có nhiều loại trái cây đặc sản, như dâu Hạ Châu, sầu riêng, măng cụt... cũng là điều kiện thuận lợi để các nhà vườn kết hợp làm du lịch. Kể từ tháng 5, mùa trái cây cũng bắt đầu vào vụ và dần chín rộ, các vườn trái cây trở thành những điểm đến được du khách ưa thích.
Ông Nguyễn Thành Tâm, chủ vườn Thành Tâm (cồn Sơn, quận Bình Thủy), cho biết: “Chỗ tôi có biểu diễn cá lóc bay, cá trê gà, bên cạnh đó thì có vườn ổi, vườn nhãn. Ổi có trái quanh năm, khách đến tham quan sẽ được thưởng thức trái cây tại chỗ. Còn nhãn thì có 2 vụ trong năm, vụ chính là từ tháng 5 đến tháng 7. Vào mùa hè là trái cây trong vườn không đủ phục vụ khách vì khách mua về rất nhiều”.
Chị Năm Phước (Phan Thị Kim Phước), chủ vườn Song Khánh, cho biết: “Ở đây chúng tôi phối hợp với nhau. Ví dụ như chôm chôm chín rộ chỉ trong khoảng 2 - 3 tuần là kết thúc, do đó các hộ có vườn chôm chôm như nhà tôi hay nhà anh Tám, chú Ba Bình thì sẽ điều chỉnh sao cho trái chín trải dài hơn. Vườn chú Ba Bình thường trái chín rộ sớm vào tháng 5 tháng 6 nên đón khách trước, sau đó đến vườn nhà anh Tám rồi đến vườn nhà tôi”.
Tương tự, với vườn nhãn, vườn mận, vườn dâu… các hộ cũng luân phiên như thế. Khai thác theo hướng này, du khách có thể tham quan vườn đúng vụ, thưởng thức được trái cây tươi ngon, còn các nhà vườn cũng không phải lo về nguồn khách.
Tương tự, Đồng Nai là địa phương có diện tích trồng chôm chôm thuộc tốp đầu cả nước, trong đó thành phố Long Khánh có diện tích chôm chôm lớn nhất tỉnh. Trái chôm chôm Long Khánh được biết tiếng trên thị trường và là một trong số ít loại đặc sản trái cây được cấp chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, thời gian qua, diện tích cây chôm chôm này giảm nhiều về diện tích do ngày càng kém hiệu quả so với các loại cây ăn trái khác. Nhưng những vườn chôm chôm lại là điểm đến ấn tượng để phát triển du lịch vườn.
Bà Nòng Quay Phóng, chủ vườn chôm chôm tại ấp Cây Da, xã Bình Lộc, chia sẻ gia đình bà có 0,7 hécta chôm chôm. Vài năm trở lại đây, gia đình bà liên kết với một cơ sở chuyên tổ chức du lịch vườn, trở thành điểm tham quan của du khách. Nhờ đó, bà không còn lo về đầu ra cho loại trái cây này, lợi nhuận thu được từ vườn chôm chôm cũng tăng hơn nhiều so với trước.
Ông Huỳnh Vũ Bảo Giang, chủ Cơ sở Du lịch vườn Dì Hai tại xã Bình Lộc, cho biết thêm, Long Khánh rộn ràng nhất vào mùa du lịch hè nhờ các đặc sản trái cây. Cơ sở đã liên kết với nhiều nhà vườn trồng chôm chôm, cải tạo vườn cây cho phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Cụ thể, với đối tượng đoàn khách học sinh, các em thích vào vườn chôm chôm có tán xòe rộng, tàn cây thấp để thuận lợi hái trái, chụp ảnh. Khách là sinh viên và các bạn trẻ lớn hơn sẽ chuộng các nhà vườn cây chôm chôm lâu năm, có tán nhánh lớn để trải nghiệm việc leo trèo, hái trái…
Ông Lâm Phi Hùng, chủ Nhà vườn Sáu Hùng (ở xã Bình Lộc), cho biết thành phố Long Khánh đã triển khai Đề án Giải pháp lưu trữ, phát triển giống cây ăn quả có chỉ dẫn địa lý với cây chôm chôm. Mã QR này bao gồm đầy đủ thông tin của chủ vườn, năm trồng, chủng loại giống, năng suất bình quân và tọa độ vị trí địa lý để định vị cây trên bản đồ Google Map. Người tiêu dùng ở Đồng Nai và ở khắp nơi có thể đặt mua chôm chôm nhờ nền tảng công nghệ thông tin.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lộc Ngô Thị Kim Oanh cho hay, địa phương khuyến khích nông dân phát triển du lịch vườn, giúp tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Từ nhiều năm trước, UBND xã Bình Lộc đã hình thành Tổ hợp tác du lịch sinh thái vườn với mục tiêu khai thác du lịch vườn mang tính chuyên nghiệp hơn.
Đến nay, tổ hợp tác này đã kết nối với khoảng 90 nhà vườn trên địa bàn xã để tạo thành các điểm du lịch vườn. Địa phương tiếp tục hỗ trợ mở rộng quy mô hoạt động của tổ hợp tác, cũng như mô hình du lịch vườn để phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế của mô hình này trong tương lai.
Sắp tới đây, Lễ hội Trái cây Long Khánh năm 2024 sẽ diễn ra xuyên suốt trong tháng 6/2024 tại các điểm tham quan, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các mô hình du lịch sinh thái vườn và du lịch cộng đồng trên địa bàn TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Tại Lễ hội sẽ có 60 gian hàng trưng bày trái cây, nông sản tiêu biểu của các hộ nông dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, các HTX, tổ hợp tác, các nhà vườn.
Từ ngày 1/6 đến ngày 31/8, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị TP.HCM và công ty Cổ phần Du lịch Văn hóa Suối Tiên sẽ phối hợp cùng tổ chức Lễ hội Trái cây Nam Bộ - Suối Tiên Farm Festival lần thứ 20. Theo bà Bùi Thị Tố Trinh, Phó tổng giám đốc Khu du lịch Suối Tiên, để kích cầu người dân, du khách đến lễ hội, ban tổ chức sẽ hỗ trợ nông dân mở các gian hàng miễn phí. Ngược lại, nông dân cũng phải cam kết bán đúng giá niêm yết theo quy định. Các loại trái cây bán tại lễ hội sẽ cố gắng bằng giá mà thương lái thu mua tại vườn, rẻ hơn giá thị trường.