09:00 26/03/2023

Đổi mới giáo dục cần phải thực hiện cho được mục tiêu khởi nghiệp

Đỗ Như

Năm nay, cuộc thi được phát động từ tháng 11/2022. Ban Tổ chức đã nhận được 508 dự án thuộc 5 lĩnh vực: Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; Y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; Kinh doanh tạo tác động xã hội.

Thủ tướng cùng các đại biểu, các bạn đoàn viên, thanh niên chụp ảnh lưu niệm tại ngày hội khởi nghiệp
Thủ tướng cùng các đại biểu, các bạn đoàn viên, thanh niên chụp ảnh lưu niệm tại ngày hội khởi nghiệp

Sáng 25/3, tại thành phố Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ khai mạc “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023” (SV_STARTUP 2023).

Báo cáo kết quả triển khai Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, Thứ trưởng Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, Trưởng Ban chỉ đạo Ngày hội cho biết, tỉ lệ các cơ sở giáo dục đại học đưa hoạt động khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% vào cuối năm 2020 lên 48% vào cuối năm 2022 với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp.

100% các cơ sở đào tạo đã xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa; hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trong cả nước.

Đến nay, có 60% các cơ sở đào tạo đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của mình, 90 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên, 45 cơ sở đào tạo đã thành lập các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó có 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.

Về hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT ngày 17/9/2021 về nghiên cứu khoa học sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có quy định các hoạt động khởi nghiệp là các hoạt động nghiên cứu khoa học được sử dụng nguồn kinh phí của nghiên cứu khoa học;

Phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư 126/2018/TT-BTC ngày 26/12/2018 về hướng dẫn nguồn kinh phí sự nghiệp triển khai Đề án 1665.

Một số cơ sở giáo dục, đào tạo đã nghiên cứu vận dụng và xây dựng các Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại các nhà trường.

Tại buổi khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, phong trào khởi nghiệp của học sinh, sinh viên tính đến nay dẫu kết quả các hoạt động vẫn còn có phần khiêm tốn nhưng có thể nói nó đã thành một tinh thần, thành một khí thế, thành một xu hướng lớn cho học sinh, sinh viên. Hai tiếng “khởi nghiệp” đã trở nên quen thuộc và thôi thúc đối với thế hệ trẻ.

“Chúng tôi coi rằng việc rèn luyện những phẩm chất, những năng lực và những kỹ năng cho học sinh, sinh viên, trong đó cần ưu tiên những năng lực, những phẩm chất có liên quan đến hoạt động khởi nghiệp. Coi việc khởi nghiệp là một trong những vấn đề chất lượng của ngành Giáo dục cần phải tạo ra.

Coi việc đổi mới giáo dục và đào tạo mà ngành Giáo dục đang triển khai cần phải thực hiện cho được mục tiêu khởi nghiệp, trong đó những việc như nuôi dưỡng khát vọng, rèn luyện ý chí, cung cấp các kỹ năng không gì khác thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo”, Bộ trưởng phát biểu.

Sau 4 lần tổ chức, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên (SV_STARTUP) đã thu hút hơn 20.000 người tham dự với hơn 2500 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đến từ học sinh, sinh viên, 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Ngoài ra, còn có hơn 40 hội thảo, tọa đàm, diễn đàn truyền cảm hứng đã đươc tổ chức.

Ngày hội nhận được sự hưởng ứng của 63/63 Sở GDĐT, hơn 400 trường đại học, 150 đơn vị thông tấn báo chí, hơn 50 doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ đồng hành. Đặc biệt, tỉ lệ sinh viên tham gia khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp 5 năm qua được duy trì ở mức cao.

 

Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V được tổ chức với mục đích tiếp tục thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; tuyển chọn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao và kết nối các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục nhằm thúc đẩy phát triển khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.

Năm nay, cuộc thi được phát động từ tháng 11/2022. Ban Tổ chức đã nhận được 508 dự án thuộc 5 lĩnh vực: Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; Y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; Kinh doanh tạo tác động xã hội.

Từ 508 dự án, Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 80 dự án xuất sắc nhất vào vòng bình chọn và vòng chung kết của cuộc thi. Mỗi lĩnh vực sẽ có 3 dự án tiêu biểu được tham gia thuyết trình tại Ngày hội khởi nghiệp. Sau khi cuộc thi kết thúc, các dự án tiềm năng của khối sinh viên có thể được các cơ sở giáo dục đại học hỗ trợ chuyển giao cho cộng đồng.