14:22 29/12/2008

Đối phó 2008, lo toan 2009

Năm 2008 đầy khó khăn, cả kinh tế trong nước lẫn thế giới đều quay cuồng trong cơn bão tài chính

Trong khó khăn, càng cần có tay lái vững - Minh họa: Khều.
Trong khó khăn, càng cần có tay lái vững - Minh họa: Khều.
Năm 2008 đầy khó khăn, cả kinh tế trong nước lẫn thế giới đều quay cuồng trong cơn bão tài chính. Đây thực sự là một năm mà các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải chống chọi và bươn chải để tồn tại.

Xin giới thiệu với bạn đọc chia sẻ của chính những người trong cuộc - các doanh nhân.

Tìm mọi cách để giảm sự lệ thuộc vào vốn vay

(Ông Mai Hữu Tín, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư U&I)

Công ty cổ phần Đầu tư U&I có trên 10 công ty con hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, vận tải, kho vận, kiểm toán, sản xuất hàng xuất khẩu…  Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, các công ty con của U&I cũng bị tác động bởi những khoản chi phí tăng đột biến trong năm 2008. Việc mở rộng nguồn vốn, dù là đi vay hoặc liên kết, cũng rất khó khăn.

Dù đã tiên liệu trước một số vấn đề từ cuối năm 2007, nhưng chúng tôi đã không lường hết được sự giảm cầu quá lớn và quá nhanh đã xảy ra trên các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu. Chúng tôi cũng không hình dung hết tác động cũng như mức độ khủng hoảng tài chính của Mỹ dù đã đọc rất nhiều cảnh báo trước đó. Do vậy, việc đối phó cũng khá bị động.

Các công ty con của U&I phải cắt giảm mọi khoản đầu tư không cần thiết. Giảm mọi chi phí có thể giảm được, trừ chi phí cho người lao động trực tiếp. Chúng tôi cũng đã bán nhiều tài sản chưa được khai thác hết hoặc có hiệu quả không cao để giảm sự lệ thuộc vào vốn vay.

Chúng tôi điều chỉnh chiến lược, triển khai cho các công ty con mở rộng bán hàng, quan tâm đến các khách hàng nhỏ, đơn đặt hàng nhỏ, và những thị trường khó tính mà trước đây chúng tôi không quan tâm lắm!

Theo tôi, tình hình chỉ có thể khởi sắc hơn vào cuối năm 2009 hoặc đầu 2010, khi người tiêu dùng đã bớt lo sợ hơn và những doanh nghiệp yếu nhất đã biến mất.

Từ đây đến đó, U&I vẫn tiếp tục thắt lưng buộc bụng trong khi vẫn cố gắng khai thác thêm thị trường mới. Dù U&I hoạt động đa ngành, doanh thu khoảng 1.000 tỉ đồng, nhưng ở cấp độ quản lý cao nhất chúng tôi chỉ coi mình là một công ty quản lý vốn nên sẽ cân nhắc tăng hoặc giảm đầu tư của mình vào một lĩnh vực cụ thể nào đó theo tình hình chung.

Riêng năm 2009, chúng tôi cho rằng Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn bằng cách xem xét lại việc tăng đồng thời rất nhiều khoản chi phí và thuế khác nhau.         

Resort chờ khách

(Bà Phùng Kim Vy, Phó tổng giám đốc điều hành Seahorse Resort, Mũi Né, Phan Thiết)

Năm nay, tổng số du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Bình Thuận đạt khoảng 2,2 triệu lượt, trong đó có trên 200.000 khách nước ngoài. Doanh thu toàn ngành đạt trên 1.400 tỉ đồng. Đây là thuận lợi lớn của Bình Thuận trong một năm đầy khó khăn, biến động.

Mọi năm, khoảng tháng 9, tháng 10 khách đến Mũi Né rất đông, nhưng nay trên các trục đường chính ở Mũi Né thưa thớt khách. Tại các resort dưới 3 sao ở Mũi Né, lượng khách giảm 20-50% so với cùng kỳ, có resort mỗi ngày chỉ cho thuê được 3-4 phòng.

Nhìn chung, tình hình kinh doanh cả năm của Seahorse Resort giảm 5-8%. Năm 2009 không phải là thời điểm cần quảng bá thương hiệu Seahorse như trước đây nữa. Chúng tôi sẽ giảm chi phí dành cho quảng cáo từ 5% xuống 3%, số dư ra sẽ dùng để chăm lo cho trên 200 lao động đang làm việc tại đây. Thông thường đến tháng 12 là chúng tôi biết được số lượng khách đặt phòng trong quí 1 năm sau từ các công ty du lịch trong nước và quốc tế. Còn bây giờ chúng tôi vẫn còn chờ khách hàng nước ngoài gút lại số lượng phòng.

Năm 2009 có thể lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Mũi Né không bằng năm nay, nhiều người lao động trong ngành du lịch có nguy cơ mất việc. Khó khăn vẫn đang ở phía trước. Tôi nghĩ ngành du lịch tỉnh Bình Thuận nói chung và các đơn vị kinh doanh du lịch cần liên kết, hợp tác quảng bá hình ảnh Mũi Né sang các thị trường mới như Nga, các nước Bắc Âu. Ở trong nước, chúng ta có thể quảng bá Mũi Né ra thị trường phía Bắc hoặc tiến tới xây dựng mô hình ngôi nhà chung của khu du lịch này.

Dự báo hàng tuần, cập nhật thông tin liên tục

(Ông Lê Bá Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại TTT)

Giá vật tư biến động liên tục tác động rất lớn đến đại đa số công ty xây dựng và đối tác. Bất ngờ nhất là nhiều khách hàng đề nghị tạm ngưng một phần các hợp đồng đã ký hoặc giảm chủ trương đầu tư so với kế hoạch đề ra ban đầu trong khi mọi việc đã được chuẩn bị xong.

Nhiều công trình đã hoàn tất, thay vì thanh toán cho nhà thầu theo cam kết, chủ đầu tư do kẹt vốn đề nghị… chậm chi trả mà không được tính lãi. Nhìn chung mọi diễn biến trên thị trường có nhiều thay đổi. Chẳng hạn, không như thông lệ mọi năm, nhiều doanh nghiệp đã không đầu tư mở rộng, nâng cấp văn phòng theo chu kỳ mỗi ba năm hoặc năm năm.

Sáu tháng đầu năm 2008, doanh thu của TTT là 91 tỉ đồng, trong khi doanh thu sáu tháng còn lại chỉ được trên 49 tỉ đồng (đạt 40% so với cùng kỳ năm 2007). Đối diện với tình hình khó khăn, cũng như nhiều doanh nghiệp, chúng tôi phải tăng năng suất, tiết kiệm chi phí. Kế đến là tập trung giải quyết công nợ khó đòi, dự trữ tài chính đề phòng trường hợp nếu ít việc trong thời gian tới. Thay vì đầu tư xưởng sản xuất vật liệu xây dựng, xây cao ốc, chúng tôi đã kịp dừng tất cả. Khoản tiền chưa sử dụng cho việc đầu tư này sẽ được công ty sử dụng trong năm 2009.

Trước đây các doanh nghiệp thường làm dự báo cho mỗi sáu tháng hoặc một năm. Cũng có nhiều trường hợp doanh nghiệp chọn cách làm dự báo hàng tháng. Phương pháp chúng tôi đang áp dụng hiện nay là dự báo hàng tuần, cập nhật thông tin liên tục. Chẳng hạn, mỗi tuần công ty đưa ra dự báo cho ba tháng tới và cứ thế nối tiếp nhau, tuần sau lại làm dự báo cho ba tháng tới. Cách dự báo đó hy vọng sẽ giúp công ty dễ vận dụng những giải pháp linh hoạt về việc quản lý chất lượng, dự báo tài chính, quản lý năng suất lao động…

Tôi cho rằng trong tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn như thế này, doanh nghiệp nào đưa ra những chỉ tiêu quá cứng nhắc, họ sẽ đối diện với muôn vàn khó khăn.

Tiết kiệm cả… lễ lạt

(Bà Nguyễn Khánh Linh, Giám đốc Truyền thông và Tiếp thị Công ty Tín Nghĩa)

Khi chuẩn bị khởi công xây một trường mẫu giáo để tặng cho huyện Long Thành, lẽ ra, nếu kinh tế chưa gặp khó khăn, công ty sẽ tổ chức một buổi lễ khởi công “hoành tráng”, như một cách quảng bá tên tuổi của mình.

Cuối cùng chúng tôi đã thay vào đó động thổ một cách lặng lẽ. Tôi nghĩ: “Đây là cách tiết kiệm cho công ty, nếu làm lễ động thổ, xây xong lại làm lễ khánh thành và bàn giao sẽ tốn kém. Thôi thì để dành khi bàn giao làm một buổi lễ nhỏ”.

Liên tiếp trong bản tin nội bộ của công ty ra hàng tháng trong ba tháng gần đây luôn có nhiều bài viết kêu gọi tiết kiệm của ban lãnh đạo công ty. Có bản tin nêu cụ thể nhà máy trực thuộc tiết kiệm được bao nhiêu tiền trong một tháng, một phòng ban tiết kiệm được 50 triệu đồng trong hoạt động, như một cách biểu dương hành vi tiết kiệm.

Nhìn thấy cơ hội trong khó khăn

(Bà Nguyễn Thị Hạnh, Ủy viên Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Saigon Co.op)

Từ tháng 5 đến tháng 9/2008, giai đoạn cao điểm của suy giảm kinh tế tại Việt Nam, chúng tôi vận động các doanh nghiệp sản xuất cùng chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, hoặc tìm đối tác mới nếu có mức giá đầu vào thích hợp.

Hệ thống phân phối Saigon Co.op xác định đối tượng khách hàng trọng tâm chính là người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình, khá. Những mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, các loại thực phẩm…  thì sức mua không giảm. Trong khi đó các mặt hàng quần áo, mỹ phẩm thì sức tiêu thụ chậm lại.

Tôi cho rằng giai đoạn khó khăn vừa qua là cơ hội của Saigon Co.op. Trong khi nhiều doanh nghiệp e dè trong đầu tư bất động sản, chúng tôi vẫn đầu tư mở rộng mạng lưới siêu thị trên cả nước. Giá vật liệu xây dựng giảm, lãi suất ngân hàng giảm sẽ góp phần mang lại hiệu quả đầu tư cho doanh nghiệp.

Ngày 18/12 vừa qua, siêu thị Lotte Mart với 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc đã đi vào hoạt động tại quận 7, Tp.HCM. Thêm một áp lực cạnh tranh mới trong ngành siêu thị Việt Nam, và chắc chắn từ sau Tết Dương lịch, áp lực này sẽ còn mạnh hơn khi thị trường bán lẻ Việt Nam mở cửa hoàn toàn.

Chúng tôi cũng hình dung ra, khó khăn trong tương lai đối với ngành kinh doanh siêu thị là tìm ra những vị trí đẹp, diện tích từ 500 mét vuông trở lên tùy theo mô hình, để mở siêu thị. Không chỉ cạnh tranh về vị trí đẹp của từng siêu thị, chúng tôi còn phải cạnh tranh với nhau về nguồn nhân lực, cạnh tranh về uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng.

Để làm được điều đó, Saigon Co.op đang liên kết với các nhà sản xuất đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ các nhà sản xuất, nông dân trong việc đóng gói bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trung bình mỗi năm Saigon Co.op đầu tư vài trăm triệu đồng để thực hiện các cuộc kiểm tra mẫu hàng về tính năng hóa, lý, có sử dụng hàn the, nhiễm thuốc trừ sâu hay không...

Ngoài ra, chúng tôi cũng có thêm một hướng kinh doanh khác là xây dựng chuỗi cửa hàng thực phẩm chế biến sẵn hoặc tươi sống phục vụ cho các bà nội trợ bận rộn bên cạnh hệ thống 35 siêu thị trên cả nước. Ngày 27-12 này, cửa hàng Co.op Food đầu tiên sẽ đi vào hoạt động. Theo kế hoạch năm 2009, chúng tôi sẽ hình thành 20 cửa hàng Co.op Food có tổng vốn đầu tư khoảng 150 tỉ đồng.

Hy vọng thị trường sẽ phục hồi từ quí 3/2009

(Ông Dietmar Kielnhofer, Tổng giám đốc Khách sạn Sheraton Tp.HCM)

Thời kinh tế khó khăn, khi đến lưu trú tại các khách sạn 5 sao, khách du lịch thường đề nghị mức giá thấp hơn khoảng 15-20% so với giá thực tế. Nếu khách sạn không đồng ý, họ sẽ bỏ sang nơi khác tìm phòng. Đó là điều trước đây chưa bao giờ có tiền lệ.

Có thể nói 2007 là một năm mọi lĩnh vực kinh doanh đều thành công. Đây là một năm rất đặc biệt, người bán có quyền định giá vì trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, cung không đáp ứng đủ cầu, hệ thống khách sạn cũng vậy. Khách lưu trú của khách sạn đa số đến từ khu vực châu Âu và Mỹ và chúng tôi từng nghĩ tình hình khả quan này sẽ còn tiếp diễn.

Mọi việc bất ngờ thay đổi trong năm 2008, người tiêu dùng trên toàn cầu đều thắt chặt chi tiêu, lượng khách du lịch đến Việt Nam giảm hẳn. Trước đây giới kinh doanh du lịch từng gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính khu vực châu Á, rồi dịch cúm gia cầm nhưng rồi mọi việc đều qua đi, môi trường kinh doanh lại sáng sủa.

Năm 2007, Sheraton có 304 phòng với 900 nhân viên. Sang năm 2008, số phòng của khách sạn là trên 500 phòng, trong khi đó số nhân viên giảm xuống còn 700 người. Điều đó cho thấy chúng tôi phải nỗ lực làm việc nhiều hơn mới đạt được chỉ tiêu công ty mẹ ở nước ngoài đặt ra.

Năm 2008, nhiều khả năng kết quả kinh doanh của Sheraton chỉ đạt 80% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng được như vậy cũng đã là thành công.

Trong năm 2009, chúng tôi tiếp tục theo dõi sát diễn tiến của thị trường để định vị mình, giữ vững những gì đang có. Ai cũng hỏi bao giờ “giông bão” qua, thị trường sẽ hồi phục trở lại? Tôi nghĩ phải đến đầu quí 3/2009.

Nhiều người vẫn băn khoăn về chỉ số GDP của Việt Nam đang giảm trong hai năm gần đây. Trong năm 2009, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu GDP đạt 6,5%. So với tình hình kinh tế, chính trị giữa các nước trong khu vực châu Á, Đông Nam Á, Việt Nam vẫn là điểm đến tốt nhất. Các bạn hãy lạc quan, niềm tự hào của các bạn đôi khi là sự ganh tị của các nước khác trên thế giới.

Ngành gỗ vẫn có lối ra!

(Ông Đào Kế Nho, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Khải Vy)

Theo tôi, đơn hàng mua đồ gỗ sẽ giảm 10-20% trong năm tới, trong đó hàng đồ gỗ trong nhà giảm nhiều, hàng đồ gỗ ngoài trời giảm ít hơn.

Thế nhưng, điểm thuận lợi của ngành kinh doanh đồ gỗ là đặt hàng theo mùa, theo thời điểm. Chẳng hạn hàng đồ gỗ ngoài trời cho năm tới thì hiện nay đã ký hợp đồng, đã có đơn đặt hàng, còn mùa đặt hàng gỗ ngoài trời trong năm 2009 thì cuối năm mới bắt đầu, giao hàng vào năm 2010, hy vọng lúc đó khủng hoảng tài chính-kinh tế sẽ kết thúc.

Đơn hàng đồ gỗ trong nhà thì có quanh năm nên bị ảnh hưởng nhiều. Theo tôi, trong khó khăn cũng có thuận lợi trong khi người tiêu dùng thế giới thắt chặt chi tiêu, bớt đi du lịch, họ ở nhà nhiều hơn, có nghĩa sẽ dùng đồ gỗ trong nhà và đồ gỗ sân vườn nhiều hơn.

(Ông Nguyễn Minh Tân, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Tân Thành, Bình Dương)

Để vượt qua khó khăn, chúng tôi phải dứt khoát cắt bỏ những khoản lỗ mà ngày trước có thể tạm chấp nhận. Những sản phẩm chế biến có sản lượng lớn nhưng giá bán thấp, tỷ lệ lợi nhuận thấp cũng được cắt giảm. Những mặt hàng giá thấp trước đây xuất sang EU, Mỹ với sản lượng lớn, nay giảm 10-20% sản lượng để tập trung vào các sản phẩm hút khách hàng, có giá bán cao để thu hồi vốn nhanh.

Kế đến là dừng các khoản đầu tư chưa cần thiết. Chỉ đầu tư các thiết bị, máy móc có thể mang lại hiệu quả cho sản xuất ngay tức thì, thay vì đầu tư lâu dài như trước kia. Đặc thù của doanh nghiệp chế biến gỗ là phải trữ nguyên liệu dài ngày, đồng nghĩa với việc phải “chôn” một lượng vốn không nhỏ. Nay công ty mua gỗ nguyên liệu theo từng lô nhỏ, đưa vào sản xuất ngay, tránh lưu kho bãi dài ngày.

Công ty này đang đầu tư trồng hàng trăm héc ta tràm bông vàng ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Trồng rừng trong nước để chủ động nguyên liệu gỗ là hướng đi lâu dài, dù hiện nay việc tìm kiếm nguồn vốn để thực hiện việc này là không dễ.

Nghiên cứu thị trường tiềm năng còn lớn

(Ông Tường Tuấn Thông, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường FTA)

Ngành nghiên cứu thị trường ở Việt Nam đang tăng trưởng hơn 10% mỗi năm, trong khi mức trung bình của thế giới là 6,5%. Doanh thu của ngành này được dự báo sẽ đạt khoảng 50 triệu đô la Mỹ vào năm 2012.

Điều này cho thấy tiềm năng của nghiên cứu thị trường ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ngành này vẫn còn khá non trẻ với mức tổng chi cho nghiên cứu thị trường ở Việt Nam chỉ khoảng 22 triệu đô la Mỹ, được đánh giá là khá thấp so với các nước trong khu vực như Hàn Quốc (392 triệu đô la), Thái Lan (80 triệu đô la) và Malaysia (57 triệu đô la). Nghiên cứu thị trường ở Việt Nam được xếp hạng 49/74 quốc gia, xét về quy mô thị trường.

Cho đến lúc này, chỉ có khoảng 30% các nhãn hàng ở Việt Nam, phần lớn là các nhãn hàng nước ngoài, thường xuyên làm nghiên cứu thị trường. 72% doanh số của ngành này đến từ các khách hàng quốc tế đang muốn thăm dò thị trường Việt Nam. Các công ty Việt Nam thường dành khoảng 3% ngân sách tiếp thị cho nghiên cứu thị trường, trong khi tỷ lệ này ở các công ty nước ngoài là 10%.

Xét về ngành nghề, phần lớn khách hàng tìm đến nghiên cứu thị trường ở Việt Nam là các công ty trong lĩnh vực sản xuất, chiếm 50%. Kế đến là các công ty trong ngành dịch vụ doanh nghiệp, tài chính với 10%. Nước giải khát, thực phẩm và mỹ phẩm là ba ngành hàng đứng đầu về làm nghiên cứu thị trường trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh năm vừa qua.

Tôi cho rằng năm sau ngành nghiên cứu thị trường vẫn tiếp tục tăng trưởng, do những đổi thay nhanh chóng về xu hướng tiêu dùng dẫn đến thị trường sản phẩm bị phân mảnh mạnh. Thị trường cũng sẽ đòi hỏi những phương pháp nghiên cứu thị trường mới với kỹ thuật thu thập, tổng hợp thông tin giúp tạo ra cơ hội giải quyết những vấn đề trong kinh doanh.  

“Quán phở” thay vì “nhà hàng phở”

(Ông Lý Quý Trung, Tổng giám đốc điều hành Nam An Group)

Năm 2009 sẽ là một năm khó khăn hơn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi không quá bi quan trong việc kinh doanh của mình vì đã tìm thấy lối ra.

Thời buổi suy thoái kinh tế toàn cầu không có nghĩa là bế tắc hoàn toàn. Tôi cho rằng bây giờ không phải là lúc bán hàng xa xỉ mà phải bán những gì hợp với túi tiền của khách hàng. Đã có lúc chúng tôi lúng túng không biết phải đi hướng nào ở thị trường nước ngoài với một bên là “nhà hàng phở” sang trọng và một bên là “quán phở” có tính chất “fast-food” (thức ăn nhanh) bình dân hơn. Nhưng nay thì câu trả lời đã rõ ràng.

Phở 24 đã có 10 địa điểm ở nước ngoài, trong số đó Indonesia chiếm đến phân nửa. Kinh nghiệm tại Indonesia đã  giúp chúng tôi có lời giải đáp cho bài toán mình sẽ kinh doanh như thế nào trong năm 2009. Doanh nhân nhận nhượng quyền Phở 24 ở Indonesia đã nhanh chóng nhân rộng chuỗi nhà hàng phở của ông ở năm địa điểm chỉ trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, Phở 24 phải chấm dứt hợp đồng nhượng quyền dành cho một đối tác tại Singapore.

Khác với trường hợp Singapore, các nhà hàng Phở 24 ở Indonesia đã giải được bài toán chi phí trong việc thiết kế nội thất. Họ thiết kế với chi phí thấp trong khi vẫn đáp ứng được các điều khoản trong hợp đồng nhượng quyền. Nhờ vậy, nhà doanh nghiệp Indonesia đã mở rộng chuỗi cửa hàng và bán phở với giá rất phải chăng phù hợp với túi tiền của khách. Cho đến giờ, việc kinh doanh của họ diễn ra rất khả quan.

Từ kinh nghiệm này, tôi đã thấy được hướng đi mới cho mảng kinh doanh ở nước ngoài từ năm 2009. Đó là tập trung vào đối tượng khách hàng đông đảo với thu nhập trung bình thay vì khách hàng có thu nhập cao.

Chiến lược mới này sẽ giúp chúng tôi mạnh dạn hơn trong việc tìm đối tác nhượng quyền ở nước ngoài, thay vì ngồi đợi đối tác tìm đến mình như những năm trước.

Quý 1/2009: khởi đầu cho giai đoạn khó khăn nhất!

(Ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Fiditour)

Năm 2008 là lần khó khăn thứ ba của ngành du lịch trong 10 năm trở lại đây. Hai lần trước là ứng phó với khủng hoảng tài chính khu vực châu Á (1997) và dịch cúm gia cầm (2003).

Giữa năm 2008, thời kỳ cao điểm của lạm phát, ngành kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành bị tác động khá lớn. Phản ứng đầu tiên của người tiêu dùng là không đi du lịch nhiều như trước. Để xoay xở trước tình hình biến động của trị trường, chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận trên tất cả các tour. Trước đây Fiditour làm kế hoạch cho cả tháng, nay hàng tuần chúng tôi lên kế hoạch tổng thể của thị trường du lịch, theo dõi sự phản hồi của khách hàng để có những phản ứng nhanh về chính sách khuyến mãi, mở tour mới...

Chưa biết tình hình suy thoái toàn cầu sẽ kéo dài tới đâu, nhưng tôi hy vọng nó sẽ dừng lại vào cuối năm 2009. Trước mắt quý 1 sẽ là thời điểm khởi đầu cho sự khó khăn nhất mà ngành du lịch phải đối diện!

Dịch vụ tư vấn vẫn còn cơ hội

(Ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Masso Group)

Tôi tạm chia ngành tư vấn theo ba phân khúc: tư vấn theo luật, tư vấn tự nguyện và tư vấn khủng hoảng. Ở dạng thứ nhất, do ngày càng có nhiều luật mới ra đời nên các công ty cần được tư vấn để hoạt động đúng luật. Tiêu biểu cho loại hình tư vấn này gồm có tư vấn thuế, tài chính, cổ phần, mua bán sáp nhập… Theo tôi, nhu cầu về loại hình tư vấn này ngày càng nhiều, không bị ảnh hưởng nhiều lắm bởi tình hình kinh tế chung.

Tư vấn tự nguyện gồm có các dạng như tái cấu trúc doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, tư vấn chiến lược… Đây là dạng tư vấn quản trị, giúp nâng cao năng lực, nâng tầm hoạt động, chuyển đổi công ty sang dạng cổ phần… Loại này năm 2007 phát triển khá tốt, khi các công ty đua nhau lập tập đoàn, ra làm ăn ở thị trường nước ngoài… Vì là tư vấn tự nguyện nên loại này thường bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường.

Mô hình tư vấn khủng hoảng có thể có nhu cầu nhiều hay ít tùy theo tình hình khủng hoảng xảy ra tại mỗi doanh nghiệp.

Giữa năm 2008, khi khó khăn xảy ra, bức tranh kinh tế có nhiều màu sắc. Giới lạc quan cho rằng cần phải thay đổi mô hình kinh doanh để tìm lợi thế mới. Đây là những công ty gặp thời trước đây nhưng họ lại không có nền tảng thật sự mạnh, thiếu tính cạnh tranh trên thương trường. Vì thế, họ tìm đến tư vấn để tái cấu trúc, bớt đầu tư dàn trải… Như vậy, khó khăn xảy ra đã làm tăng nhu cầu tư vấn tự nguyện từ những công ty còn đủ lực để thay đổi. Nhưng bên cạnh đó, giới bi quan - những doanh nghiệp thật sự suy yếu - lại tìm cách cắt giảm ngân sách. Vì thế, họ chỉ dám dùng ngân sách cho tư vấn theo luật. Điều này hiển nhiên đã khiến cho loại hình tư vấn tự nguyện bị ảnh hưởng.

Năm 2009 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh. Nhưng tôi cho rằng ngày càng có nhiều doanh nghiệp chấp nhận trả phí tư vấn, vì họ xem đây là chi phí giúp doanh nghiệp “cất cánh” khi kinh tế khởi sắc trở lại. Bên cạnh đó, khi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, doanh nghiệp cũng sẽ có thời gian để rà soát lại nền tảng hoạt động. Điều này có thể tạo ra nhiều cơ hội hơn cho giới tư vấn.

Đất hoạt động cho giới tư vấn năm sau có thể “thênh thang” hơn nhưng điều đó không có nghĩa chất lượng tư vấn sẽ bị thả nổi. Các công ty tư vấn không chỉ bán dịch vụ mà cần chú trọng tới việc làm tăng giá trị của doanh nghiệp. Thay vì chỉ tư vấn chuyên biệt ở một vài lĩnh vực thì công ty tư vấn nên rà soát lại toàn bộ chuỗi giá trị của doanh nghiệp, để giúp họ gia tăng các giá trị hữu hình và vô hình.

Uyên Viễn - Văn Hóa - Hồng Văn (TBKTSG)