08:35 13/04/2011

“Đời sống thực” cho tỷ giá điều hành

Minh Đức

Gần hai tháng nay, cơ cấu truy cập báo Nhân dân Điện tử có một điểm thay đổi rõ rệt. Thay đổi này gắn với thực tế của đời sống

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã có cuộc sống mới, sống thực hơn so với trước.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã có cuộc sống mới, sống thực hơn so với trước.
Gần hai tháng nay, báo Nhân dân Điện tử có một mục tin vắn đều đặn 42 chữ: thông tin tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam với đồng Đô la Mỹ áp dụng cho ngày Ngân hàng Nhà nước công bố.

Và trong nhiều ngày, tin vắn này của lần cập nhật gần nhất (ngày 4/4/2011) vẫn chiếm vị trí danh dự, đứng thứ hai trong nhóm 10 tin - bài “Đọc nhiều nhất”.

Một quan sát khác cũng cho thấy sự trùng hợp thú vị: trên một trang tổng hợp tin tức của các báo điện tử, dạng tin về tỷ giá đó thường xuyên có mặt, thậm chí nhiều lần dẫn đầu, trong nhóm tin - bài thuộc lĩnh vực kinh tế được đọc nhiều nhất trong ngày.

Kết quả truy xuất hoàn toàn tự động. Giá trị của nó là sự thật của đời sống - mối quan tâm của bạn đọc. Và, đó là thay đổi có lẽ ít ai để ý bên lề chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Khoảng hai tháng trước đây, trước thời điểm ngày 11/2/2011 một thời gian dài, không cần đọc báo, không cần truy cập dạng tin trên, người quan tâm cũng dễ dàng đoán rằng tỷ giá USD/VND hôm nay vẫn chẳng có gì thay đổi. Đời sống thực hơn của nó dường như ở “ngoài kia”, được quan tâm nhiều hơn ở diễn biến trên thị trường tự do.

Từ 11/2/2011, tỷ giá USD/VND bình quân trên thị trường liên ngân hàng bắt đầu có đời sống mới, linh hoạt hơn, thay cho trạng thái “ngủ quên” kéo dài sau mỗi lần điều chỉnh dồn cục.

Có tăng, có giảm - thực tế vận động của nó gần hai tháng qua đúng như thông điệp mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra sau “ngày lịch sử” (ngày 11/2/2011, tăng tới 9,3% tỷ giá bình quân liên ngân hàng, thu hẹp biên độ từ +/-3% xuống +/-1%). Nhưng, xu hướng chung vẫn là tăng.

Những ngày gần đây, có khá nhiều thông tin phản ánh về diễn biến tăng của tỷ giá bình quân liên ngân hàng với những cụm từ “kỷ lục”, “cao nhất trong lịch sử”… Đúng, nhưng thực ra mức tăng chỉ cỡ 0,12% sau hai tháng.

“Mức tăng đó là thường thôi. Cái đáng quan tâm là phía sau những chuyển động của nó”, cán bộ ngoại hối của một ngân hàng thương mại nhận xét, kèm theo một tin nhắn trên điện thoại di động (SMS) tham khảo về tỷ giá giao dịch trong ngày.

SMS tham khảo cho hay, trong ngày 8/4, tỷ giá giao dịch giữa các thành viên trên liên ngân hàng có từ 21.025 - 21.035 VND; giao dịch “nội bộ” ở khoảng 21.025 - 21.030 VND; trên thị trường tự do ở khoảng 21.025 - 21.030 VND.

Bình luận mà cán bộ ngoại hối trên đưa ra, là tỷ giá USD/VND đang ở gần hơn với đời sống thực. Nói cách khác, tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày đang phản ánh tốt hơn sự vận động của thị trường (còn việc VND đang bị định giá cao hay thấp so với USD lại là vấn đề khác).

Quả thực, so với vùng các tỷ giá tham chiếu nói trên, với biên độ +/-1%, tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại trong ngày 8/4 đã ở mức 20.925 VND, chỉ cách một khoảng nhỏ. Sau hơn hai tháng, chênh lệch lên tới 10% so với tỷ giá trên thị trường tự do đã được rút xuống còn chưa đầy 1%; hay con số chênh tới gần 2.000 VND chỉ còn quanh 100 VND. Ở riêng kết quả này, Ngân hàng Nhà nước đã có thành công.

Dĩ nhiên, phía sau đó là cú tăng mạnh ngày 11/2/2011 với nhiều dư chấn, là các biện pháp hỗ trợ từ việc siết thị trường tự do, kết hối đối với các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước… Nhưng những giá trị trong thay đổi cơ chế điều hành đã thể hiện.

Ngân hàng Nhà nước đã đưa tỷ giá điều hành đến một điểm hợp lý hơn. Và biên độ thu hẹp lại đồng nghĩa với giá trị định hướng của nó trở nên rõ ràng hơn. Câu chuyện tin vắn trên báo Nhân dân Điện tử là một ví dụ cụ thể từ đời sống. Người dân, doanh nghiệp đã hướng đến giá trị tín hiệu của nó để có thể chủ động hơn trong ứng xử. Hay nói cách khác, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã có cuộc sống mới, sống thực hơn so với trước.

Hiện tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn đang có xu hướng tăng, như đã đề cập. Nhưng, có vẻ như Ngân hàng Nhà nước đang leo núi với từng bước khoan nhặt, thay cho cơ chế đôi khi mang tính "đột ngột" trước đây, khiến nhiều người không kịp trở tay.

Vấn đề còn lại là trong ngắn hạn, có còn những cú sốc nào nữa không?

Bên cạnh cách leo núi khoan nhặt đang thể hiện, nhà điều hành cũng đang cho thấy quyết tâm để giữ ổn định.

Thông tin thu hút sự chú ý của thị trường cuối tuần qua là hai biện pháp “đối lưu”: tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thêm 2% và áp trần lãi suất tiết kiệm USD tối đa 3%/năm. Mục đích của hai giải pháp này là từng bước tạo sự dịch chuyển quan hệ tín dụng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán, góp phần tháo gỡ dần tâm lý găm giữ ngoại tệ trong dân cư để tăng cung cho thị trường, góp phần giúp ổn định tỷ giá…

Đi cùng với những giải pháp điều hành, dĩ nhiên vẫn tùy thuộc nhiều ở các yêu cầu cân đối vĩ mô, thị trường được kỳ vọng sẽ dần ổn định. Trong môi trường đó, cùng với cơ chế hiện hành, ngọn đèn tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ Ngân hàng Nhà nước sẽ trở nên rạng hơn.