Đội tuyển Trung Quốc “thua sớm” trong cuộc đua đồng phục Olympic?
Không biết có phải do được tổ chức tại Paris hay không, mà Thế vận hội năm nay hội tụ nhiều nhà thiết kế tài ba và thương hiệu thời trang danh tiếng. Trang phục của mỗi đội tuyển giờ đây như là một hành trình tôn vinh bản sắc văn hóa…
“Kinh đô Ánh sáng” Paris tới đây sẽ trở thành sàn diễn thời trang đẳng cấp quốc tế mang đậm tinh thần thể thao. Tuy nhiên, có khen thì cũng có chê. Trong lúc những bộ đồng phục chính thức của các quốc gia dần xuất hiện trên mặt báo, không chỉ giới thể thao mà ngay cả làng mốt cũng đã vào cuộc để “xếp hạng” huy chương cho những thiết kế bắt mắt, hợp thời và có bản sắc nhất.
“Cảm giác như đang xem trình diễn thời trang vậy”! Đây chính là phản ứng của cư dân mạng sau khi đội tuyển Mông Cổ hé lộ trang phục Olympic chính thức. Trang Sinchew cho biết các vận động viên Mông Cổ sẽ mặc thiết kế của nhà mốt Michel&Amazonka tại lễ khai mạc và bế mạc đại hội. Hoa văn trên thiết kế này là sự kết hợp giữa các biểu tượng quốc gia Mông Cổ (mặt trời, mặt trăng, con nai thần thoại Gua-Maral) cùng hệ biểu tượng của Olympic (cửu cờ trắng, ngọn đuốc Olympic, logo Thế vận hội Paris). Tất cả đều được thêu công phu bằng chỉ vàng trên hai phiên bản xanh - trắng dành cho nam - nữ.
Một cư dân mạng có tài khoản @Januarhaikal trên X (trước đây là Twitter) đã để lại chia sẻ khen ngợi, đồng thời đề cập đến việc các nước châu Á và châu Âu không có yếu tố văn hóa trong đồng phục của họ sẽ bị tụt hậu như thế nào khi so sánh với trang phục của Mông Cổ. “Nó thực sự là sự pha trộn giữa tinh tế và truyền thống. Thắng hay thua tại Thế vận hội chỉ là thứ yếu, miễn là ấn tượng đầu tiên phải thật sâu sắc!” Người này cho rằng đồng phục của Mông Cổ nằm trong top 5 đẹp nhất dành cho lễ khai mạc và bế mạc, tính đến thời điểm hiện tại.
Sau Thế vận hội Bắc Kinh diễn ra vào năm 2022, đây cũng là lần thứ hai, Michel&Amazonka có cơ hội thiết kế đồng phục cho đội tuyển Mông Cổ tham dự sự kiện thể thao mang tầm cỡ quốc tế. Các thiết kế của thương hiệu này luôn gây ấn tượng bởi chất liệu truyền thống, loạt chi tiết hoa văn thêu thùa được biến tấu và lồng ghép khéo léo lên những phom dáng hiện đại mà không làm cho chúng bị sến sẩm.
Trong khi đó, đồng phục của đội tuyển Olympic Trung Quốc vừa ra mắt đã phải nhận một làn sóng chỉ trích là vừa thiếu tính thẩm mỹ vừa làm gia tăng bất bình đẳng giới. Theo giới mộ điệu nước này, trong khi đồng phục của các đội tuyển Olympic đến từ quốc gia khác giúp nữ vận động viên trông giống chiến binh, tướng lĩnh, thắp lửa tinh thần chiến đấu, thì bộ đồng phục của Trung Quốc khiến các nữ vận động viên trông giống như bồi bàn trong nhà hàng, khách sạn.
Theo SCMP, trong khi vận động viên nam mặc vest đỏ, phối với quần trắng, vận động viên nữ mặc áo khoác, váy và xỏ chân vào giày cao gót. Nhiều khán giả đã để lại bình luận tiêu cực trên mạng xã hội Xiaohongshu sau khi bức hình về đồng phục của đội tuyển Olympic Trung Quốc được lan truyền. “Khi cả thế giới hướng đến thời trang linh hoạt giới, phi giới tính, Trung Quốc lại dùng chân váy và giày cao gót để ‘trói buộc’ vận động viên nữ”, một người dùng nhận xét.
Các thiết kế bị chỉ trích có tên gọi Chasing Dreams, được Tổng cục Thể thao Trung Quốc công bố. Khán giả ngay lập tức bày tỏ sự bất bình khi các vận động viên của xứ tỷ dân xuất hiện trong trang phục này. “Các vận động viên trông giống ma-nơ-canh ở các cửa hàng bách hoá từ thập niên 90. Xấu xí và lỗi thời”, một khán giả chỉ trích.
“Đơn vị thiết kế không thể tạo ra bộ đồng phục đẹp hơn sao? Tôi nghĩ rằng họ không muốn các vận động viên diện đồ đẹp”, người khác để lại bình luận. Trước đó, đồng phục của nhân viên trao giải do Trung Quốc sản xuất cho Thế vận hội Mùa đông 2022 cũng bị người dân chê xấu, lạc hậu.
Giống với Trung Quốc, Hàn Quốc cũng chọn vest cho các vận động viên. Tuy nhiên, quốc gia này quyết định cung cấp quần dài màu xanh nhạt cho cả nam và nữ giới, đảm bảo sự công bằng giữa 2 phái, tôn trọng tinh thần bình đẳng của Thế vận hội Olympic.
Trước đó, những thiết kế trang phục đầu tiên của Malaysia cho Thế vận hội Paris cũng đã làm dấy lên các cuộc thảo luận, trong đó nhiều người Malaysia bày tỏ sự không hài lòng, dẫn đến việc quốc gia này quyết định cho thiết kế lại. Sau đó, những bộ trang phục mới của đội tuyển Malaysia đã nhận được phản ứng tích cực hơn từ công chúng.
Kể từ năm 2008, Ralph Lauren đã phụ trách thiết kế trang phục dành cho buổi lễ khai mạc mà đội tuyển Hoa Kỳ trưng diện, và năm 2024 cũng không phải ngoại lệ. Thương hiệu đem đến mẫu thiết kế tương đối cổ điển, gồm áo sơ mi sọc xanh, áo blazer hải quân viền sọc đỏ-trắng phối cùng quần jeans xanh. Trong khi đó, đội tuyển nước chủ nhà Pháp đã hợp tác với thương hiệu Le Coq Sportif để trang bị cho 800 vận động viên của họ những chiếc áo khoác bomber da cực kỳ sang trọng; bộ suit trắng bóng bẩy cho cả nam và nữ; bộ đồ thể thao màu ombre đỏ, xanh và trắng…
Cùng với Adidas, thương hiệu Ben Sherman được đội tuyển Vương quốc Anh “chọn mặt gửi vàng” trong việc thiết kế trang phục cho lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội. Các trang phục gồm áo khoác bomber đen-trắng, áo polo, sơ mi họa tiết hoa,… Họa tiết hình học màu đỏ và xanh lam được lấy cảm từ quốc kỳ của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Trong khi đó, các hình thêu hoa bao gồm quốc hoa của 4 quốc gia cấu thành nên Vương quốc Anh.
Nhãn hiệu thể thao danh tiếng Lululemon của Canada là đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế đồng phục cho đội tuyển quốc gia. Từ áo khoác bomber màu đỏ-trắng, set đồ ngắn và áo sơ mi đồng bộ, áo croptop màu đỏ rực rỡ – đội tuyển Canada đang đến Paris với phong cách cực kỳ thời thượng. Trong suốt giai đoạn thiết kế, Lululemon đã tiến hành các buổi phản hồi và thử nghiệm sản phẩm với sự tham gia của 19 vận động viên Olympic và Paralympic, đại diện cho 14 môn thể thao đa dạng.
Trang phục tham gia lễ Khai mạc của đội tuyển Úc tại Olympic 2024 sẽ do thương hiệu nội địa Sportscraft thiết kế. Bảng màu chính của trang phục là xanh lục, vàng và trắng. Sportscraft đem đến những chiếc áo blazer màu xanh lục chỉn chu, chân váy xếp ly trắng-xanh và quần sóoc vải lanh. Lớp lót áo khoác ở bên trong sẽ được in tên của tất cả 301 nhà vô địch Olympic đến từ Úc...
Olympic mùa hè năm nay sẽ diễn ra ở Paris (Pháp) từ ngày 26/7 đến 11/8, với 10.672 vận động viên từ 196 quốc gia tranh tài 392 nội dung thuộc 32 môn. Đây là lần thứ ba Pháp đăng cai Thế vận hội Olympic và Paralympic (sau năm 1900 và 1924). Sự góp mặt của những thương hiệu thời trang hàng đầu hứa hẹn khiến “sàn diễn Olympic” năm nay thêm phần sôi động và hấp dẫn.