10:57 03/07/2024

Thị trường Haute Couture tăng trưởng quy mô giữa suy thoái kinh tế

Minh Nguyệt

Mùa mốt Haute Couture Thu - Đông 2024 là một khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch trình thời trang năm nay, khi mang lại một cái nhìn hoàn toàn khác biệt, nếu so sánh với năng lượng ổn định và nhận thức văn hóa của các sản phẩm may sẵn… 

Ảnh: Vogue Business
Ảnh: Vogue Business

Trong lịch diễn tuần lễ Haute Couture Thu - Đông 2024, có đến gần 30 nhà mốt sẽ tham gia trình làng bộ sưu tập thời trang cao cấp của mình. Bên cạnh những thương hiệu quen thuộc như Dior, Chanel, Valentino và Schiaparelli… làng mốt còn chứng kiến cuộc tái xuất ngoạn mục đến từ Maison Margiela và Robert Wun, cùng những tên tuổi mới nổi như Peet Dullaert.

Các ngôi sao Hollywood, người có sức ảnh hưởng đổ xô đến xem các buổi trình diễn BST mới, rất nhiều gương mặt trong đó là biểu tượng thời trang nhiều thế hệ; từ Zendaya, Jennifer Lopez, Rihanna, Natalie Portman, Glenn Close, Juliette Binoche đến Reese Witherspoon và Naomi Campbell…

NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐỌNG LẠI

Dù đã kết thúc, tuần lễ Haute Couture Thu - Đông 2024 để lại nhiều vấn vương về sự hào nhoáng mà các nhà mốt đình đám mang tới. Một trong số đó là sự hợp tác của Simone Rocha với thương hiệu Jean Paul Gaultier. BST được thiết kế dựa trên 3 điểm cốt lõi Gaultier (hình xăm, áo nịt ngực và thủy thủ) kết hợp với nét nữ tính u sầu, giản dị vốn là đặc trưng của Rocha. 36 thiết kế là sự hòa hợp trọn vẹn của Rocha vào tinh thần của Jean Paul Gaultier mà vẫn giữ được nét riêng của thương hiệu.

Thị trường Haute Couture tăng trưởng quy mô giữa suy thoái kinh tế - Ảnh 1
Thị trường Haute Couture tăng trưởng quy mô giữa suy thoái kinh tế - Ảnh 2
 
Thị trường Haute Couture tăng trưởng quy mô giữa suy thoái kinh tế - Ảnh 3
Thị trường Haute Couture tăng trưởng quy mô giữa suy thoái kinh tế - Ảnh 4
 
Thị trường Haute Couture tăng trưởng quy mô giữa suy thoái kinh tế - Ảnh 5
Thị trường Haute Couture tăng trưởng quy mô giữa suy thoái kinh tế - Ảnh 6
 

Tại Fendi, Kim Jones khám phá sự tương phản giữa đơn giản và phức tạp. BST mở đầu với loạt thiết kế đơn giản, chủ yếu là màu đen. Sau đó, BST chuyển sang những thiết kế phức tạp trên chất liệu kim loại màu bạc. Điều thú vị là cả hai hòa quyện hướng đến chủ đề chung: không phô trương, tập trung vào tính thủ công và thực tế…

Trong khi đó, bộ sưu tập Chanel được Fashion Creation Studio ra mắt tại nhà hát Palais Garnier. Cấu trúc bồng mềm mại, tay áo phồng và đường viền xếp nếp thấm đẫm vẻ đẹp lãng mạn hay những bộ tuxedo nhung đen và một chiếc áo cánh màu trắng có phần cổ viền bèo nhún nhiều tầng; chiếc áo khoác ngắn vừa vặn với phần vai điểm xuyết lông vũ… Mỗi thiết kế đều thể hiện trình độ kỹ thuật, sự điêu luyện và chuyên môn của các xưởng may Chanel Haute Couture, nơi có khoảng 150 thợ lành nghề làm việc trong 6 xưởng tại 31 rue Cambon.

Tương tự, tạp chí Vogue đánh giá show Haute Couture của Thom Browne là màn trình diễn đáng xem nhất ở Tuần thời trang Paris. Đội ngũ sáng tạo của thương hiệu gây bất ngờ khi dành đến 11.000 giờ làm việc trên một chiếc áo khoác kỳ công. Nhà mốt tập trung vào sự phân rã và quá trình tạo ra trang phục, sử dụng chủ yếu là muslin - vải thử nghiệm. Bộ sưu tập kết thúc với những bộ trang phục mang màu sắc của huy chương Olympic, thể hiện câu chuyện về quá trình đạt được thành tích.

Thị trường Haute Couture tăng trưởng quy mô giữa suy thoái kinh tế - Ảnh 7
Thị trường Haute Couture tăng trưởng quy mô giữa suy thoái kinh tế - Ảnh 8
 
Thị trường Haute Couture tăng trưởng quy mô giữa suy thoái kinh tế - Ảnh 9
Thị trường Haute Couture tăng trưởng quy mô giữa suy thoái kinh tế - Ảnh 10
 
Thị trường Haute Couture tăng trưởng quy mô giữa suy thoái kinh tế - Ảnh 11
Thị trường Haute Couture tăng trưởng quy mô giữa suy thoái kinh tế - Ảnh 12
 

Nhà thiết kế Daniel Roseberry của thương hiệu Schiaparelli đã tìm cảm hứng từ các tài liệu thập niên 1950 - thời kỳ hoàng kim của ngành couture tại Paris. Điều này được thể hiện qua những bộ quần áo mang phom dáng góc cạnh và siluet eo nhỏ. Mặc dù mang vẻ lộng lẫy và thẩm mỹ, các bộ trang phục cấu trúc như vậy lại rất khó để cảm thấy thoải mái khi mặc. Còn giám đốc sáng tạp Maria Grazia Chiuri tại Christian Dior thì tập trung vào văn hóa cổ điển và sự tự do và thoải mái của cơ thể.

KHÔNG NGỪNG MỞ RỘNG PHÂN KHÚC

Có thể nói, dù ngành thời trang cao cấp đối mặt với những khó khăn do lạm phát và bất ổn kinh tế, có một địa hạt vẫn an ổn trước những sóng gió. “Trên toàn cầu, ngành thời trang cao cấp đang phát triển rất tốt”, ông Sidney Toledano, Chủ tịch Chambre Syndicale de la Haute Couture (Nghiệp đoàn may đo cao cấp), đơn vị tổ chức các tuần lễ thời trang Paris. “Giống như trang sức cao cấp và túi xách xa xỉ, người tiêu dùng thích đầu tư vào những sản phẩm có chất lượng”.

Ông Sidney Toledano còn hé lộ rằng hàng loạt nhà mốt lâu năm đều đang tập trung trở lại với địa hạt Haute Couture. Ông khẳng định, sự khó khăn lớn nhất mà các thương hiệu gặp phải chính là khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chứ không phải là nhu cầu mua sắm. Để duy trì đẳng cấp Haute Couture, các thương hiệu phải có xưởng (atelier) đặt ở Paris và rèn luyện tay nghề của những nghệ nhân thủ công (petite main) lành nghề nhất. Tuy nhiên các thương hiệu gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài trẻ. Trong khi đó, sự toàn cầu hoá đã mở ra những đơn đặt hàng mới từ khắp trên thế giới chứ không chỉ châu Âu.

Trên toàn cầu, ngành thời trang cao cấp đang phát triển rất tốt.
Trên toàn cầu, ngành thời trang cao cấp đang phát triển rất tốt.

Tỷ phú Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành LMVH, từng nhấn mạnh tại hội nghị báo cáo tài chính của tập đoàn: “Haute Couture là một thị trường nhỏ nhưng đang tăng trưởng ấn tượng. Vì ngày nay, những sản phẩm cao cấp nhất lại có nhu cầu cao nhất trên toàn thế giới”. Dù vậy, ông cũng chia sẻ thêm: “Tại Dior Couture, chúng tôi không thể đáp ứng nhu cầu của tất cả khách hàng vì phải mất rất nhiều công sức để đào tạo thợ may có thể may được những chiếc váy Haute Couture. Công suất sản xuất của chúng tôi có hạn nên buộc phải hạn chế đơn hàng”.

Các nhà mốt như Dior và Chanel nhiều năm nay đã biến Haute Couture thành ngành mang lại lợi nhuận béo bở. “Khách hàng siêu giàu vẫn tiếp tục vung tiền. Thực tế, nhiều thương hiệu đã rục rịch chuyển hướng khi công bố đổi mới Haute Couture”, nhà phân tích Luca Solca của Bernstein cho biết. Ông Solca ước tính, trong năm 2024, doanh số bán hàng Haute Couture sẽ tăng ít nhất 10%.

Giá trị của thời trang cao cấp, theo Vogue Business, một phần nằm ở hiệu ứng hào quang của nó. Haute Couture tạo nên tác động tích cực đến hình ảnh thương hiệu khi tôn vinh sự khéo tay của người thợ thủ công. Dòng sản phẩm này tinh tế đến mức chỉ một số ít thương hiệu được Fédération de la Haute Couture et de la Mode (Liên đoàn Thời trang cao cấp và Thời trang) cấp quyền thành viên mỗi năm. Mặt khác, Haute Couture còn tạo tiếng vang khi các ngôi sao diện chúng trên thảm đỏ. Từ đây, thị trường thời trang may sẵn tiếp cận, bóc tách chúng để làm ra những xu hướng mới.

Nhiều thương hiệu đã rục rịch chuyển hướng khi công bố đổi mới Haute Couture.
Nhiều thương hiệu đã rục rịch chuyển hướng khi công bố đổi mới Haute Couture.

Pamela Fiori, Tổng biên tập tạp chí Town & Country, nói: “Tin đồn về sự sụp đổ của thời trang cao cấp luôn rộ lên dù tốc độ tăng trưởng của chúng vẫn tăng vọt”. Bên cạnh đó, mặc dù giá trị của Haute Couture tương đối nhỏ khi so với doanh thu khổng lồ đến từ các nhà mốt lừng danh như Dior và Chanel, nhưng càng ngày, những BST Couture không chỉ dành riêng cho một nhóm khách hàng nhỏ nữa mà các thương hiệu đã mở rộng phân khúc. 

Chẳng hạn như Dior đã giới thiệu những bộ trang phục Couture dành riêng cho nam giới trong buổi trình diễn vừa qua. Sự kiện ấy đã giúp họ tạo ra tiếng vang trên phương tiện truyền thông và nâng cao danh tiếng thương hiệu, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng ở nhiều danh mục hàng hóa khác. Dấu hiệu này cho thấy mức chi tiêu của những khách hàng xa xỉ đang dần tăng nhiều hơn: họ chi tiêu nhiều hơn khi họ giàu có, bất chấp những lo lắng nghiêm trọng về kinh tế đang làm rung chuyển các thị trường khác.