15:26 12/10/2021

Đòn bẩy tài chính là vốn liếng cho doanh nghiệp phục hồi

Vũ Khuê

Chúng ta cần thực hiện gói kích thích về lãi suất nhanh, quy mô đủ rộng, đừng như “muối bỏ biển”. Đồng thời biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này...

Các diễn giả chia sẻ tại toạ đàm.
Các diễn giả chia sẻ tại toạ đàm.

Hỗ trợ các dòng tiền từ nhà nước, giãn nợ, hoãn nợ để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh là vấn đề được các đại biểu thảo luận khá kỹ tại buổi toạ đàm trực tuyến: “Doanh nghiệp bản lĩnh, sáng tạo và trách nhiệm trước đại dịch” mới đây.

CẦN SỬ DỤNG QUỸ DỰ TRỮ NGOẠI TỆ ĐỂ VỰC DẬY DOANH NGHIỆP

Tại toạ đàm, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập Đoàn Phú Thái, cho rằng, để xây dựng được một doanh nghiệp vững mạnh phải mất 20 – 30 năm. Để tránh các thiệt hại lớn do Covid-19 gây ra, Chính phủ cần kịp thời có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Khó khăn với doanh nghiệp chủ yếu do thiếu hụt dòng tiền. Ước tính, dịch bệnh khiến chi phí, thiệt hại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lên tới 200 – 300 nghìn tỷ đồng.

Hơn lúc nào hết, điều các doanh nghiệp đang cần là sự hỗ trợ các dòng tiền từ nhà nước, nhằm duy trì hoạt động, cũng như đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (Hiệp hội Công Thương TP Hà Nội), nhận định giờ là thời điểm chúng ta đang bắt đầu mở cửa trở lại nên doanh nghiệp phải có kế hoạch để phục hồi nhanh, tìm thị trường và nguồn lao động.

 
Hiện rất nhiều nước áp dụng cơ chế xoá nợ. Không đòi được thì phải xoá nợ. Cái gì do khách quan thì xoá bỏ. Chúng ta phải có gói kích thích “tiền tươi thóc thật” hỗ trợ doanh nghiệp, phải có phương án giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp chứ không chỉ đến 30/6/2022.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh

Cùng với đó, doanh nghiệp xây dựng gói tài chính, trong đó xây dựng kế hoạch tài chính tổng thể, kế hoạch về thuế, nợ và phải gửi các cơ quan chức năng xem xét.

“Tôi cho rằng, gợi ý của Chủ tịch Quốc hội về xây dựng gói hỗ trợ lãi suất 2.000 tỷ đồng nên được thảo luận một cách nghiêm túc”, ông Nghĩa đề xuất.

Các chính phủ như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều có gói tài trợ lớn, hỗ trợ trực tiếp tiền cho doanh nghiệp, người lao động. Chưa có nước nào tài trợ qua ngân hàng.

Như Chính phủ Mỹ đã tài trợ cho doanh nghiệp và người dân 5.800 tỷ USD, GDP của Mỹ khoảng 20.000 tỷ, như vậy chiếm hơn 1/4 GDP nên nền kinh tế phục hồi rất nhanh.

Thậm chí, Nhật Bản còn hỗ trợ mạnh hơn 3.400 tỷ USD trên 5.000 tỷ USD GDP, chiếm trên 60% GDP. Họ hỗ trợ người lao động được hưởng lương và cho những doanh nghiệp lớn vay, tức là những doanh nghiệp cần phục hồi vay.

Hay châu Âu dùng gói 6.000 tỷ USD/15.000 tỷ GDP. Việt Nam mới hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ hơn 1 tỷ USD, mới được có không phẩy mấy phần trăm GDP, rất khó phục hồi.

“Điều đó cho thấy phải hà hơi tiếp sức ngay để nền kinh tế có sức bật. Không có vốn, không có lao động rất khó bật trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, ông Nghĩa nhận định.

Ông Nghĩa cho biết thêm, ở nước ngoài, trong điều kiện khẩn cấp họ lấy ở ngân hàng Trung ương, Chính phủ phát hành trái phiếu bán cho ngân hàng Trung ương. Sau này ngân hàng trung ương giữ trái phiếu và bán trái phiếu ra thu tiền về chống lạm phát.

Lâu nay chúng ta có thị trường ngoại tệ đang giao cho ngân hàng Trung ương quản lý (khoảng 107 tỷ USD). Từ trước đến nay chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt. Chống dịch như chống giặc. Giờ giặc đến nhà “vào tận gầm giường rồi”, chúng ta chưa có chính sách đặc biệt. Chúng ta phải tin doanh nghiệp, tiền tiềm năng của doanh nghiệp nằm sẵn cầu của người tiêu dùng.

“Tôi cho rằng, với Việt Nam không cần phát hành trái phiếu chỉ cần hoán đổi một phần quỹ dự trữ ngoại tệ là nguồn lực rất lớn. Từ bài học của thế giới và bài học kinh nghiệm năm 2009, cần thực hiện gói kích thích về lãi suất nhanh, quy mô đủ rộng, đừng như “muối bỏ biển”. Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này”, ông Nghĩa đề xuất.

ĐÃ ĐẾN LÚC VAY CHO TƯƠNG LAI

Đồng tình với ông Nghĩa, ông Đoàn cho rằng sự hỗ trợ của nhà nước đối với dòng tiền cho các doanh nghiệp lúc này xuất phát từ các nguồn vốn sẵn có của nhà nước. Cho doanh nghiệp vay tạm ứng trước hoặc giãn thời gian đối với các khoản trả tới hạn.

“Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể cân đối lại dòng tiền, duy trì hoạt động. Mặc dù việc giãn nợ có thể gây ra một số mất mát, nhưng thiệt hại đó chắc chắn sẽ nhẹ hơn việc để nhiều doanh nghiệp đang làm tốt phải ngừng hoạt động vì thiếu hụt dòng tiền”, ông Đoàn nhận định.

Chủ tịch Tập Đoàn Phú Thái phân tích, đối với các doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, thiệt hại về nguồn tiền, sụp đổ thương hiệu đã xây dựng lâu năm là vô cùng lớn. Vì thế, nhà nước cần mạnh dạn hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động càng sớm càng tốt và hỗ trợ ở mức độ cao, dưới đa dạng các hình thức.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khi nguồn hỗ trợ của nhà nước vẫn còn hạn chế, ông Đoàn cho rằng, cần chủ động triển khai 3 kế hoạch.

Thứ nhất là việc tái cấu trúc, xem xét lại hiệu quả của từng lĩnh vực, trong đó duy trì và đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng. Mặt khác mạnh dạn cắt bỏ những mảng kinh doanh không hiệu quả.

Thứ hai, theo ông Đoàn, các doanh nghiệp cần có kiến thức về các hoạt động M&A - mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Những hoạt động này là hết sức bình thường với các doanh nghiệp, giống như mua bán sản phẩm dịch vụ thông thường.

Thứ ba, trong khi chờ đợi các nguồn cứu trợ của nhà nước, doanh nghiệp cùng cần chủ động đàm phán với các ngân hàng, tổ chức tài chính và khách hàng, người lao động… là giải pháp tình thế để duy trì dòng tiền.

Ông Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thường trực Ban Tổ chức Cuộc vận động Xây dựng và phát triển Văn hóa doanh nghiệp (Ban Tổ chức 248) đồng tình với các giải pháp đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn trong đại dịch là chính sách vốn, thuế, kích cầu.

Nhà nước cần xử lý các vấn đề đó, trong đó sửa 3 cơ chế: từ cơ chế quản lý sang cơ chế làm việc, từ quản lý trách nhiệm sang khắc phục trách nhiệm, cái gì nhà nước không cấm thì mở ra cho doanh nghiệp làm mà không phải cơ chế xin-cho.

Mặt khác, cần nghiên cứu gói kích cầu đủ mạnh, vừa cho doanh nghiệp, người lao động và vốn liếng. Chúng ta cần làm giải pháp một cách đồng bộ nếu không sẽ không hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách hiệu quả.

"Đã đến lúc vay cho tương lai sống cho hiện tại, chúng ta tìm nhiều cách để vay. Doanh nghiệp phát triển là quốc gia phát triển, doanh nghiệp giàu mạnh là quốc gia giàu mạnh", ông Hợp nhấn mạnh.