15:19 26/09/2021

Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 64-2021

Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 64 phát hành ngày 27-9-2021 với nhiều chuyên mục...

Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, hàng loạt trọng điểm kinh tế phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Hà Nội, buộc phải giãn cách theo “Chỉ thị 16+” suốt nhiều tháng ròng. Kéo theo đó là mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, khiến cho các chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, chuỗi kết nối lưu thông và tiêu thụ hàng hóa bị đứt gãy.

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 64-2021
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 64-2021

Thực tế này dẫn đến lưu lượng và vận hành của dòng tiền doanh nghiệp bị cạn kiệt và tê liệt, đẩy các doanh nghiệp đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Để ứng phó, Chính phủ đã triển khai song song các giải pháp chống dịch nghiêm ngặt cùng với phủ rộng vaccine. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, tình hình dịch bệnh Covid–19 ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM, các tỉnh phía Bắc; trong đó có Hà Nội từng bước được kiểm soát. Một số địa phương bắt đầu nới lỏng để khởi động trở lại các hoạt động kinh tế.

Mong muốn hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp phục hồi hoạt động, đã đặt ra vấn đề cần có bộ giải pháp tổng thể; trong đó, giải quyết bài toán hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh đứt gãy dòng tiền được Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Mới đây, Quốc hội đã gợi ý cần thiết kế gói kích thích hỗ trợ lãi suất, tương tự gói “cấp bù lãi suất” giải ngân qua hệ thống ngân hàng giai đoạn 2009 – 2010.

Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn còn băn khoăn khi cho rằng gói hỗ trợ lãi suất triển khai hơn 10 năm qua mặc dù có mang lại hiệu ứng tích cực nhưng đến nay vẫn chưa quyết toán xong. Cùng đó, quá trình giải ngân xảy ra không ít phức tạp và bất cập, tiềm ẩn các rủi ro cho hệ thống. Bởi vậy, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động, lựa chọn cách tiếp cận.

Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai - ngày 27/9/2021, Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 64-2021 sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm cho câu chuyện "Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích", với việc phản ánh và ghi nhận các ý kiến chuyên gia, đại diện cho nhà quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp.  

Các bài viết bao gồm:

-  Gói hỗ trợ lãi suất: Khẽ mở hầu bao cứu doanh nghiệp. Tại buổi thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gần đây về dự thảo Nghị quyết một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch Covid-19, hỗ trợ lãi suất là một trong những vấn đề được các đại biểu đưa ra thảo luận. (Đào Hưng).

- “Cấp cứu oxy”, vực dậy “sức khỏe” tài chính cho doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp đã cạn kiệt và không thể tiếp tục chống đỡ nếu không thể quay trở lại sản xuất và tiếp cận được “nguồn oxy” cứu trợ kịp thời. (Ngân Hà).

- Hướng đi cho doanh nghiệp sau Covid-19. Khủng hoảng Covid-19 đã và đang gây tác động nặng nề lên nền sản xuất và tiêu dùng trên thế giới cũng như trong nước.  Dù chúng ta vẫn chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng này, nhưng một câu hỏi rất đáng quan tâm cho các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp, đó là hướng đi nào cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới - giai đoạn hậu Covid-19? (GS. Nguyễn Văn Phú, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp - CNRS).

- Đắn đo biện pháp hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp. Đợt dịch lần thứ tư khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh đình tệ, gây đứt gãy các chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, chuỗi kết nối lưu thông và tiêu thụ hàng hoá. Thực tế này dẫn đến lưu lượng và vận hành của dòng tiền doanh nghiệp bị cạn kiệt. Để giải quyết bài toán hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, Quốc hội vừa gợi ý gói kích thích hỗ trợ lãi suất, tương tự gói “cấp bù lãi suất” giải ngân qua hệ thống ngân hàng giai đoạn 2009. Tại Đối thoại chuyên đề "Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam-VnEconomy tổ chức vào 20h ngày 25/9, các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế đã chia sẻ về gói hỗ trợ này. (Nhóm phóng viên thực hiện).

Cùng nhiều bài viết cho các chuyên mục khác:

- Khi nền kinh tế được "bẻ ghi". Phản ứng chính sách của Chính phủ chuyển từ mục tiêu “Zero Covid-19” sang “chung sống an toàn với Covid-19” chính là sự chuyển hướng quan trọng, phù hợp với thực tiễn, thể hiện tư duy nhạy bén và tầm nhìn trong nỗ lực xử lý một vấn đề mang tính toàn cầu, cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Theo sự chuyển hướng này, nền kinh tế được “bẻ ghi” để thích ứng với môi trường “sống chung với dịch bệnh". (Nguyễn Quốc Uy).

-  Thu hút FDI tăng 4,4%, vẫn lo dịch chuyển dòng vốn. Bất chấp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm vẫn tăng 4,4%. Tính đến 20/9/2021, dịch Covid-19 làm một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, các dự án FDI dự kiến giải ngân giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 5,5 điểm phần trăm so với 8 tháng năm 2021, ước tính 13,28 tỷ USD. (Anh Nhi).

- Kinh tế tư nhân sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng cao trở lại. Việt Nam là một hình mẫu nổi bật khi nhanh chóng vươn lên đứng vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ. Tuy nhiên, Covid-19 xuất hiện và đe dọa khả năng hiện thực hóa mục tiêu này… (Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC tại Việt Nam, Lào, Campuchia).

- Mua chung cư mini, “đỏ mắt” chờ sổ hồng. Trước khi quyết định mua một căn hộ chung cư mini, khách hàng nên tìm hiểu thật kỹ tính chính xác của thông tin chào bán từ chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư cam kết công trình đầy đủ tính pháp lý thì yêu cầu họ phải chứng minh. Trường hợp chủ đầu tư đưa thông tin không đúng, dẫn đến việc người mua không được cấp sổ hồng thì tùy mức độ, người mua có thể xem xét yêu cầu bảo vệ quyền lợi tại các cơ quan tiến hành tố tụng. (Thanh Xuân).

- Sửa nghị định để làm mới các khu công nghiệp. Đóng góp ý kiến tại hội thảo “Góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, các doanh nghiệp đều nhất trí với những điểm mới của dự thảo và cho rằng quy định mới tuy đã rõ ràng, đầy đủ hơn liên quan đến việc thành lập, điều chỉnh các khu công nghiệp, song vẫn còn một số điểm chưa phù hợp, cần làm rõ để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. (Vũ Khuê).

- Thấy gì qua chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2021 của Việt Nam? Năm 2021, Việt Nam được xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Mặc dù tụt hai bậc so với năm trước nhưng Việt Nam được đánh giá là có nhiều nỗ lực và tiến bộ đáng kể, dẫn đầu nhóm các quốc gia cùng mức thu nhập. Đặc biệt, Việt Nam được ghi nhận có kết quả nổi bật với mức tăng hạng mạnh mẽ trong cải thiện trụ cột trình độ phát triển thị trường kinh doanh và các chỉ số về tín dụng cũng như quy mô phát triển cụm công nghiệp…(Nhĩ Anh).

- Nhận diện lượng tiền và vòng quay tiền tệ. Tiền tệ không chỉ là lượng tiền, mà còn bao gồm nhiều nội dung khác, trong đó có vòng quay tiền tệ, sự chuyển động của dòng tiền. Trong bài này chỉ đề cập đến lượng tiền tệ và vòng quay tiền tệ, nhận diện những nội dung này như thế nào. (TS. Đỗ Văn Huân).

- Trái phiếu Chính phủ chuyên biệt: Công cụ tái cơ cấu nợ công. Nhìn lại chặng đường 12 năm hoạt động và phát triển, đến nay, thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho ngân sách nhà nước, gắn với tái cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài và đa dạng hóa nhà đầu tư. (Trâm Anh).

- Tái cấu trúc: Gỡ thế bí cho ngành cơ khí. Năng lực cạnh tranh thấp, công nghệ đơn giản, lạc hậu và rất ít sản phẩm có thương hiệu đó là thế bí lớn nhất của ngành cơ khí Việt Nam trong nhiều năm qua. Hiện nay khi đứng trước thách thức mới phát sinh do dịch Covid-19 lại càng khiến các doanh nghiệp ngành này chồng chất nhiều khó khăn. Vì thế, tái cấu trúc, thay đổi phương thức hoạt động để thích nghi với tình hình mới là đòi hỏi cấp thiết đối với các doanh nghiệp. (Mạnh Đức).

- Phát triển hạ tầng cảng hàng không: Bật “đèn xanh” cho tư nhân. Để thoát khỏi “vực thẳm” Covid trong gần hai năm qua, vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cảng hàng không 10 năm tới dự kiến lên đến 312.014 tỷ đồng, gấp gần ba lần so với giai đoạn 10 năm trước. Cơ chế nhượng quyền khai thác toàn bộ cảng hàng không hay “bật đèn xanh” cho tư nhân tham gia đầu tư đang được tính toán. (Ánh Tuyết).

- Doanh nghiệp kiệt sức vì “cõng” chi phí xét nghiệm. Tái sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh là bài toán khó đòi hỏi các doanh nghiệp phải đảm bảo cân đối sao cho vừa an toàn, nhưng vẫn phải đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy nhiều doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn tại các địa phương giãn cách xã hội, rất khó để giải quyết ngay việc này. Một trong những nguyên nhân là chi phí xét nghiệm Covid-19 quá lớn. (Tuệ Mỹ).

- Ngành đường khởi sắc nhờ giá bán tăng. Giá đường đã tăng khoảng hơn một năm qua và được kỳ vọng vẫn giữ ở mức cao trong những tháng cuối năm 2021 nhờ thâm hụt sản lượng sản xuất đường toàn cầu. Đồng thời, việc cơ quan quản lý quyết liệt chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các nước xuất khẩu đường sang Việt Nam là những tín hiệu tích cực giúp ngành đường trong nước khởi sắc. (Chu Khôi).

- Kịch bản và giải pháp phục hồi thị trường lao động. Tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch bùng phát lần thứ tư đối với thị trường lao động vô cùng lớn, làm “tê liệt” thị trường phía Nam vốn sôi động và thu hút nguồn nhân lực lớn nhất của cả nước. Mọi người lao động đều bị ảnh hưởng tiêu cực, nhất là lao động ngoại tỉnh. Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã xây dựng ba kịch bản thị trường lao động trong thời gian tới, với ba mức độ là tốt, bình thường và xấu. (Dũng Hiếu).

- Bán lẻ xa xỉ đón làn sóng “mua sắm trả đũa”. Trong năm 2022, dự báo các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phục hồi tăng trưởng trở lại nhờ mở rộng quy mô chuỗi cửa hàng, từ đó sức mua của người tiêu dùng cũng tăng trở lại, đặc biệt nhờ cú hích “mua sắm trả đũa”, kéo theo doanh thu được bù đắp đáng kể. (Minh Nguyệt).

- Evergrande sẽ không gây khủng hoảng tài chính toàn cầu? Cuộc khủng hoảng nợ ở công ty bất động sản khổng lồ Evergrande của Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo về một sự kiện tương tự “khoảnh khắc Lehman Brothers” – ngân hàng đầu tư Mỹ sụp đổ, “châm ngòi” cho khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng có cơ sở để tin những gì đang diễn ra ở Evergrande sẽ không kéo theo những hậu quả đáng sợ như vậy. (An Huy).