15:54 03/10/2021

Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 65-2021

Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 65 phát hành ngày 04-10-2021 với nhiều chuyên mục...

Kinh tế Việt Nam quý 3/2021 bất ngờ giảm sâu hơn so với dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế. Không phải là giảm 1-2% hay thậm chí là 3% như dự tính, mà GDP quý 3/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ năm 2000 khi Việt Nam tính và công bố GDP quý. Mức tăng trưởng âm 6,17% là “cú sốc” ngoài mong đợi, làm thay đổi nhận thức về tăng trưởng cả năm. Các giải pháp chặn đà suy giảm hầu như không đạt như kỳ vọng, đặc biệt giải pháp đẩy mạnh tiêm chủng vaccine chưa thật kịp thời và khẩn trương.

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 65-2021
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 65-2021

Tuy nhiên, vẫn có những tia sáng đầy hy vọng cho thấy nỗ lực phục hồi luôn mạnh mẽ hơn tất cả. Trong 9 tháng năm 2021, sản xuất công nghiệp có những tín hiệu tích cực từ một số ngành mũi nhọn; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là “lực kéo” cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Nông nghiệp thể hiện vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế, không chỉ đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân cả nước trong giãn cách xã hội mà còn đẩy mạnh xuất khẩu. Xuất siêu trở lại, cán cân thương mại dần cải thiện, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2021 vẫn duy trì tốc độ tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai - ngày 04/10/2021, Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 65-2021 sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm cho câu chuyện "Nỗ lực phục hồi của kinh tế quý 3/2021.  

Các bài viết bao gồm:

- Triển vọng kinh tế Việt Nam hậu đại dịch Covid-19. Nhờ hoạt động thương mại cao, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã phục hồi tốt trong nửa đầu năm, nhưng bị chậm lại vào nửa cuối của năm 2021. Nhưng nền kinh tế vẫn có nhiều triển vọng trong tương lai gần. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2021 cập nhật ngày 22/9/2021, cho biết nền kinh tế Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, với mức tăng trưởng GDP từ 1,8% lên 5,6%. (Lê Nguyễn).

- Kịch bản nào cho tăng trưởng quý 4/2021? Kinh tế quý 3/2021 bất ngờ giảm sâu hơn so với dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế. Áp lực tăng trưởng quý cuối năm 2021 gia tăng khi GDP quý 3 giảm 6,17%. (Anh Nhi).

- Công nghiệp tăng trưởng nhờ “lực kéo” từ chế biến, chế tạo. Trong 9 tháng năm 2021, sản xuất công nghiệp vẫn có nhiều gam màu sáng với những tín hiệu tích cực từ một số ngành mũi nhọn; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là “lực kéo” cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. (Mạnh Đức).

- Nông nghiệp thể hiện vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế. Quý 3/2021 là quý đầu tiên chứng kiến nền kinh tế cả nước suy giảm mạnh nhất hai thập kỷ qua do tác động của làn sóng Covid-19 lần thứ tư. Trong bối cảnh đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện được vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân cả nước trong giãn cách xã hội mà còn đẩy mạnh xuất khẩu. (Chu Khôi).

- Xuất siêu trở lại, cán cân thương mại dần cải thiện. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2021 vẫn duy trì tốc độ tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất siêu đã quay trở lại trong tháng 9/2021 với 0,5 tỷ USD. Nhờ kết quả này, nhiều khả năng đến cuối năm 2021, cán cân thương mại có thể cân bằng và thậm chí còn xuất siêu ở mức nhất định. (Huyền Vy).

- CPI tăng thấp nhưng không thể chủ quan. Công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng năm 2021 tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong giai đoạn 2016-2021. Tính riêng tháng 9/2021, CPI giảm 0,62% so với tháng trước. (Vũ Khuê).

- Đứt gãy chuỗi cung ứng, đa số doanh nghiệp gặp khó. Xu hướng “chưa có tiền lệ trong nhiều năm trở lại đây” tiếp tục diễn ra trong tháng 9 vừa qua khi số doanh nghiệp thành lập mới được ghi nhận thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn và sức chịu đựng của doanh nghiệp đã gần cạn kiệt. (Ngân Hà).

Cùng nhiều bài viết cho các chuyên mục khác:

- “Test nhanh” sức “chịu tải” của nền kinh tế. Chưa thể mở champagne ăn mừng thắng lợi của cuộc chiến chống dịch Covid-19 đợt 4, nhưng đã xuất hiện những “cánh chim báo tin vui”. Chưa đến lúc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống dịch bệnh đợt 4, vì “chiến dịch vẫn còn dài”, nhưng đã có thể làm “test nhanh” về sức “chịu tải” của nền kinh tế. (Nguyễn Quốc Uy).

- Giải cứu hàng không và câu chuyện trách nhiệm. Ngày 28/9/2021, Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuộc họp với đại diện của các hãng hàng không, đại diện các tổ chức tín dụng có dư nợ ở ngành này, bàn về việc mở “Gói tín dụng cho hàng không”, khôi phục lại hoạt động của ngành hàng không, đón điểm rơi kế hoạch kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. (Đào Hưng).

- Doanh nghiệp “thờ ơ” với Quỹ khoa học công nghệ. Vỏn vẹn dưới 0,1% doanh nghiệp thực hiện trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ nhưng có tới 80% doanh nghiệp không sử dụng. Trớ trêu thay, nhiều doanh nghiệp bị ép trích Quỹ dù không có nhu cầu sử dụng, nhưng vẫn bị phạt lãi phát sinh và truy thu vì chậm nộp. (Tuyết Nhi).

- “Chìa khóa” phát hành trái phiếu quốc tế thành công. Huy động vốn qua phát hành trái phiếu quốc tế những năm gần đây trở nên đặc biệt hấp dẫn với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình này khá phức tạp và đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. (Đỗ Hồng Dương).

- Thị trường M&A bất động sản trầm lắng. Thủ tục phức tạp, dịch bệnh Covid kéo dài, nguồn vốn co cụm, nguồn cung hạn chế… là những yếu tố khiến hoạt động M&A bất động sản có chiều hướng sụt giảm trong vài năm gần đây. (Phan Dương).

- “Mua trước trả sau” hứa hẹn bùng nổ tại Việt Nam. Những thương vụ mua bán, sáp nhập lên tới hàng tỷ USD đến từ các đại gia thanh toán hàng đầu thế giới mới đây phản ánh sức hút đáng kinh ngạc của các nền tảng “Buy Now, Pay Later – BNPL”, hay còn gọi là “mua trước trả sau”. Việt Nam dù “đi sau thế giới một nhịp” nhưng thị trường lại rơi đúng vào thời điểm thuận lợi nên hình thức tín dụng mới mẻ này hứa hẹn cũng sẽ bùng nổ, kèm theo cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới. (Thu Hoàng).

- Ngành dệt may loay hoay tìm lối thoát. Ba tháng cuối năm 2021 được nhận định là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may. Trong rất nhiều nguy cơ, nguy cơ cao nhất là khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng do khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác cùng với nguy cơ thiếu nguồn nhân lực do người lao động về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại làm việc ngay… (Hương Loan).

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hỗ trợ đặc biệt. Việt Nam đang chuyển đổi chiến lược từ “Zero Covid” sang tìm cách “Sống chung với virus” để nhanh chóng phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ở các doanh nghiệp lớn, việc trụ lại trong đại dịch là thách thức, nhưng ở khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), bức tranh được Tổng cục Thống kê ghi nhận cho thấy tình hình khó khăn hơn rất nhiều. (Lưu Hà).

- Mua thời trang “ảo’’ bằng tiền thật. Xu hướng mua sắm quần áo “không có thực” đang ngày càng trở nên thịnh hành. Thậm chí, có người còn cho rằng các trang phục ảo và mua sắm tại các gian hàng ảo có thể là tương lai của ngành bán lẻ trên thế giới. (Minh Nguyệt).

- Hồi chuông cảnh báo từ “bom nợ” Evergrande. Khi hồi chuông cảnh báo từ câu chuyện khủng hoảng nợ của Tập đoàn Evergrande mỗi lúc một gần, cũng là lúc bản thân doanh nghiệp, giới hoạch định chính sách nên tìm hướng để tránh những quả “bom nợ” phiên bản Việt Nam. (Đào Vũ).

- Từ vụ Evergrande: Nhìn lại doanh nghiệp bất động sản Việt. Sự sụp đổ của đại gia bất động sản Evergrande đã “rung chuông” cảnh báo các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam khi cấu trúc tài chính kinh doanh có nhiều điểm tương đồng. (Vy Vy).

- Khủng hoảng năng lượng đe dọa kinh tế toàn cầu. Với giá dầu và khí đốt đồng loạt tăng chóng mặt ở khắp các châu lục cùng những đợt cúp điện liên miên ở Trung Quốc, một cuộc khủng hoảng năng lượng đang hình thành, đẩy áp lực lạm phát tăng cao và đe dọa sự hồi phục kinh tế còn mong manh trên toàn cầu. (An Huy).