17:44 17/10/2021

Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 67-2021

Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 67 phát hành ngày 18-10-2021với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021 chứng kiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực diện và nghiêm trọng tới việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Và trong cuộc chiến khốc liệt với Covid-19 đó, những nữ doanh nhân Việt Nam - những người thuyền trưởng vững vàng, chẳng hề "yếu thế" khi đặt trên bàn cân với các nam nhân tài ba khác.

Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 67-2021 - Ảnh 1Kinh tế Việt Nam bộ mới số 67-2021

Với phẩm chất chịu khó, cẩn trọng, chắt chiu, các doanh nhân nữ được đánh giá là có khả năng trụ vững tốt trong môi trường kinh doanh có nhiều biến động. Tinh thần dám nghĩ, dám làm, đương đầu với khó khăn và với sự năng động, sáng tạo đã giúp các nữ doanh nhân vươn lên khẳng định vị thế của mình, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, bứt phá, trở thành những doanh nhân hàng đầu của Việt Nam và khu vực.

Những con số ấn tượng như tốc độ tăng mạnh về số lượng doanh nghiệp Việt Nam do nữ làm chủ trong những năm qua đã minh chứng cho những nỗ lực không ngừng đó của các doanh nhân nữ. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam do nữ làm chủ tăng từ mức 4% trong tổng số doanh nghiệp cả nước của năm 2009, lên mức 21% của năm 2011 và đạt 25% vào năm 2021. Đây là tỷ lệ cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân do Mastercard công bố.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, trong số báo ra sáng mai, thứ Hai - ngày 18/10/2021, Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 67-2021 dành trọn chuyên mục Tiêu điểm cho câu chuyện của các nữ doanh nhân Việt Nam, về những khó khăn mà họ đã phải đương đầu cũng như những bí quyết mà họ đã vượt qua thành công.

Các bài viết bao gồm:

- Tăng lực cho doanh nhân nữ đủ sức “vượt cạn”. Giống như các doanh nghiệp do nam giới làm chủ, dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, các doanh nhân nữ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của những “cơn bão” đại dịch, vì vậy đòi hỏi Nhà nước, các bộ ngành cần có những giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nhân nữ đủ sức “vượt cạn”, đưa doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển vững chắc. (Song Hà).

- Vượt bệnh hiểm nghèo, trở thành nữ doanh nhân của người nghèo. Xuất phát từ hoàn cảnh xa quê, lập nghiệp vô cùng gian nan, khốn khó nơi xứ người, nhưng bà Phạm Thị Sáu (thường gọi là Phạm Hậu) đã vượt qua căn bệnh ung thư, trở thành doanh nhân thành đạt. Hiện nay với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân GIDIFA Việt Nam, bà Phạm Hậu đang làm nhiều việc giúp ích cho cộng đồng. (Chu Khôi).

- Nữ doanh nhân vững tay chèo. Đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ. Những khó khăn chồng chất ngay cả những doanh nhân là “đấng mày râu” điều hành cũng phải chật vật, lúng túng. Thế nhưng, với bản tính thông minh, sáng tạo, cần cù, kiên nhẫn, đầy lòng nhân ái, các nữ doanh nhân Việt Nam - những người vốn đã phải đảm trách thiên chức người mẹ, người vợ trong gia đình như bao người phụ nữ khác, đã và đang thể hiện tài năng vượt trội trong các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, khẳng định vị thế người phụ nữ Việt Nam trên trường quốc tế. Họ xứng đáng với 8 chữ vàng: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” mà Đảng và Nhà nước trao tặng. (Nhóm phóng viên thực hiện).

Và nhiều bài viết cho các chuyên mục khác:

- Bước chuyển có tầm quan trọng chiến lược. Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ban hành theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, đánh dấu việc chuyển giai đoạn trong nỗ lực phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế ở nước ta. Đó là bước chuyển có tầm quan trọng chiến lược trong nỗ lực thực hiện mục tiêu “kép”. (Nguyễn Quốc Uy).

- Tổng cầu yếu, cần kích cầu. Mục tiêu kép đang chuyển dần từ tập trung chủ yếu cho phòng chống đại dịch Covid-19 sang trạng thái bình thường mới, khôi phục kinh tế, đời sống. Để khôi phục kinh tế, đời sống, việc đánh giá tổng cầu và có giải pháp kích cầu được quan tâm đặc biệt. (Minh Nhung).

- Phục hồi kinh tế sau đại dịch: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Phỏng vấn PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam xung quanh câu chuyện các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, sẽ phục hồi như thế nào sau tác động của đại dịch Covid-19? Mô hình nào sẽ được chọn? (Thủy Diệu thực hiện)

- Hải Dương tạo chuyện lạ: Số hóa sản xuất nông nghiệp. Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chia sẻ về chiến lược “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số", một chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm và có mối quan hệ thúc đẩy lẫn nhau của Hải Dương. (Lý Hà thực hiện).

- Ngân hàng quyết không hạ chuẩn tín dụng. Do dịch Covid-19, sức khỏe nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng suy kiệt, năng lực tài chính bị bào mòn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu giãn hoãn nợ nhưng vấn đề này không giúp tăng khả năng doanh  nghiệp tiếp cận tín dụng, bởi ngân hàng quyết không hạ chuẩn cho vay. (Đào Hưng).

- Số doanh nghiệp cổ phần hoá thấp kỷ lục, lại một năm lỡ hẹn. Tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước năm 2021 được cho là “ì ạch” nhất trong nhiều năm trở lại đây. Số doanh nghiệp cổ phần hoá thấp kỷ lục, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hiện chưa đạt 1% kế hoạch… (Trâm Anh).

- “Container hóa” vận tải thủy. Việc hình thành tuyến vận tải container bằng đường thủy kết nối với các cảng biển cửa ngõ của nước ta sẽ tận dụng được lợi thế tự nhiên, giúp vận tải thuỷ nội địa tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi logistics. (Anh Tú).

- Chuyển dịch năng lượng không thể “nóng vội”. Chuyển dịch năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu khí) sang các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…) là xu hướng chung của thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, lộ trình chuyển đổi như thế nào, cần cơ chế gì để đảm bảo được sự bền vững, công bằng, hài hòa lợi ích giữa các bên cần được nghiên cứu thận trọng và không thể nóng vội. (Mạnh Đức).

- Người biến “giấc mơ” Loship thành hiện thực. Loship, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) giao đồ ăn và thương mại điện tử giao hàng trong một giờ, mới đây đã công bố hoàn thành vòng gọi vốn Pre-Series C lên đến 12 triệu USD bất chấp những thách thức của đại dịch Covid-19. Công ty này cũng là một trong bốn start-up Việt lọt vào danh sách 100 start-up và công ty nhỏ đáng mong đợi khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Forbes trong năm nay. (Thu Hoàng).

- Áp lực lạm phát buộc Fed sớm thắt chặt chính sách tiền tệ? Cho tới gần đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn nói rằng lạm phát cao ở nước này chỉ là vấn đề tạm thời. Nhưng các dữ liệu gần đây cho thấy có vẻ Fed đã lầm, và Ngân hàng Trung ương nước này có thể phải bắt đầu rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo thời đại dịch Covid-19 từ tháng 11/2021. (An Huy).