06:00 09/05/2022

Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 19-2022

Kinh tế Việt Nam – VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 19 phát hành ngày 09-06-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 19-2022
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 19-2022

Trong giai đoạn 2018 - 2021, thị trường bất động sản có biểu hiện chững lại ở một số phân khúc do mất cân đối cung cầu. Đặc biệt, từ tháng 03/2020 trở đi, mức độ khó khăn càng trầm trọng thêm do dịch Covid-19. Thị trường bị sụt giảm mạnh cả về quy mô, về số lượng dự án, số lượng sản phẩm nhà ở và lượng giao dịch, nhất là phân khúc bất động sản du lịch.

Đặc biệt, từ cuối 2021 đến nay, nguồn cung thị trường bất động sản tiếp tục hạn chế khiến tình trạng “sốt đất” ở nhiều nơi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điển hình nhất là việc mất cân đối cung – cầu trong phân khúc nhà ở bình dân, nhà xã hội ngày càng rõ rệt. Doanh nghiệp làm ăn chân chính vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhìn chung, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, chưa điều tiết thị trường một cách hiệu quả, nhất là chính sách tín dụng cho bất động sản có giai đoạn thì mở rộng, và đến nay ngày càng thắt chặt, khiến cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đều “nghẹt thở”, đồng thời gây rủi ro cho thị trường...

Trong số báo ra sáng nay, 9/5/2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã dành trọn Tiêu điểm: “Nhận định chân thực vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế” với mong muốn ghi lại những quan điểm và đề xuất các cơ chế chính sách hợp lý giúp khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai cũng như góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, đúng như vai trò của nó trong nền kinh tế…

Các bài viết bao gồm:

- Chính sách đất đai dưới góc nhìn của Đảng. Hội nghị Trung ương khóa XIII, khai mạc ngày 4/5/2022, tiếp tục “hội chẩn”, tìm giải pháp căn cơ cho những vấn đề tồn tại quá lâu trong công tác quản lý và sử dụng đất đai để nguồn tài nguyên quan trọng này thực sự trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.(Nguyễn Quốc Uy).

- Góp 14% GDP, thị trường bất động sản vẫn chưa phải là “đầu kéo”. Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển và đóng vai trò “đầu kéo” trong nền kinh tế, song lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam lại đang gặp rất nhiều rào cản, do đó không thể phát huy được hết vai trò của mình, chưa trở thành nội lực phát triển đất nước… (Phan Dương).

- Hướng dòng vốn vào bất động sản đúng đích. Trước kia, nếu nguồn tín dụng để triển khai cơ bản bị siết, doanh nghiệp bất động sản ngay lập tức chuyển hướng sang các kênh tại thị trường vốn như trái phiếu hay cổ phiếu. Nhưng hiện nay, khi cơ quan quản lý tiến hành một loạt hành động quyết liệt, các kênh bổ trợ trên cũng dần hẹp lại. (Vũ Phong).

- Chưa bao giờ doanh nghiệp đầu tư bất động sản khó khăn như hiện nay.Nhìn chung, các doanh nghiệp bất động sản đang ở giai đoạn khó khăn nhất vì không có dự án, tìm kiếm dự án vô cùng khó bởi vướng mắc về cơ chế, chính sách. Vì vậy, vấn đề mà các doanh nghiệp bất động sản đang quan tâm nhất hiện nay chính là hành lang pháp lý.(Đỗ Phong).

-Giải pháp nào để bất động sản thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Trong bối cảnh khó khăn kép như hiện nay, nếu thị trường bất động sản không được hỗ trợ kịp thời, không có sự điều tiết và quản lý khoa học, sẽ dễ dẫn tới sự đổ vỡ dây chuyền và có thể để lại những hệ lụy xấu cho cả nền kinh tế… (Kiều Linh).

- Khơi thông các “điểm nghẽn” để phát triển thị trường bất động sản. Ước tính hàng năm, bất động sản đóng góp gần 8% GDP. Đặc biệt lĩnh vực này có khả năng lan toả đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác. Tuy nhiên thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển chưa tương xứng với nhu cầu cũng như quy mô của nền kinh tế. Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên? Pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản liệu đã theo kịp sự phát triển của thị trường? Với việc thắt chặt chính sách tín dụng cho bất động sản như hiện nay, doanh nghiệp và nhà đầu tư bị ảnh hưởng ra sao?... Những câu hỏi này sẽ được giải đáp phần nào tại Đối thoại chuyên đề: “Nhận diện chân thực vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy  tổ chức vào ngày 6/5/2022. (Kiều Linh - Phan Anh - Đào Hưng).

Cùng nhiều bài viết hấp dẫn về chủ đề "Chấn chỉnh hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử" bao gồm:

- Ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả: Cần giải pháp toàn diện, quyết liệt. Bên cạnh những mặt tích cực, Internet và thương mại điện tử cũng có những mặt trái, đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt về tình trạng vi phạm pháp luật trên website, ứng dụng thương mại điện tử, như kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng cấm… không thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký website thương mại điện tử, hoặc giả mạo logo đã đăng ký/thông báo với Bộ Công Thương… P/v bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương. (Vũ Khuê).

- Do thỏa hiệp, người tiêu dùng “nối giáo” cho hàng giả. Năm 2021, các doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp rất nhiều khó khăn do việc kinh doanh, sản xuất bị đình đốn, ế ẩm vì Covid -19. Nhưng ở chiều ngược lại, vấn nạn hàng nhái, hàng giả, buôn lậu vẫn nở rộ như nấm sau mưa. (Song Hoàng).

- Nhức nhối nạn hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong kinh doanh online nói chung và sàn thương mại điện tử nói riêng đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Dù nhiều giải pháp công nghệ hiện đại đã được triển khai, song việc ngăn chặn triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn là một thách thức không hề nhỏ với các sàn. (Đỗ Phong).

- Từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái.Mặc dù các lực lượng chức năng vào cuộc rất quyết liệt, nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn ngày càng gia tăng với các thủ đoạn tinh vi hơn. Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn này đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội, từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng và các cơ quan thực thi pháp luật.. (Vũ Khuê).

- Cách nào ngăn nạn gian lận trên sàn thương mại điện tử? Mua sắm trực tuyến tại Việt Nam phát triển rất nhanh, song người tiêu dùng lại đang dần mất niềm tin với hoạt động này. Một trong những nguyên nhân chính được xác định là do tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng có xu hướng ngày càng tăng, nhất là khi kinh doanh online bùng nổ. Đâu là giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn nạn mua bán hàng giả trên các “chợ mạng”?(Đức Phan – Nguyễn Tuyến – Thu Hằng).

Và nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:

- Thúc đẩy quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 được kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch đặt ra. (Anh Nhi).

- Sản xuất phục hồi, niềm tin kinh doanh tăng trở lại. Sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2022 được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Tuy nhiên, ở một số ngành do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất. (Mạnh Đức).

- Bức tranh ngành nông nghiệp tháng Tư. Thuận lợi và khó khăn vẫn đan xen khiến bức tranh toàn cảnh ngành nông nghiệp tháng 4/2022 chưa thật bừng sáng hoàn toàn. Trong khi lĩnh vực trồng trọt và thủy sản tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng mạnh, ngành lúa gạo có nhiều thuận lợi, thì chế biến và xuất khẩu đồ gỗ đang gặp khó về nguyên liệu gỗ… (Chu Khôi).

- Thu ngân sách vẫn “nơm nớp” nhiều mối lo. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 645 nghìn tỷ đồng, hoàn thành gần nửa chặng đường. Tuy nhiên, vẫn canh cánh những mối lo vì giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao, đè nặng lên chi phí sản xuất kinh doanh và hụt thu từ các chính sách hỗ trợ... (Phùng Tuyết).

- Ngân hàng tự tin với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận. Chi phí vốn tăng cao nhưng mặt bằng lãi suất cho vay vẫn phải duy trì thấp để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau Covid-19 khiến biên lãi ròng (NIM) của nhiều ngân hàng bị co lại. Tuy nhiên, trong mùa đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, lãnh đạo các ngân hàng vẫn tỏ ra tự tin với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay. (Đào Vũ).

- Sàng lọc chất lượng trái phiếu, sớm đưa trái phiếu lẻ lên sàn. Tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng nhiều năm nhỏ giọt. Bên cạnh đó, một thực tế đáng lo ngại là số lượng nhà đầu tư cá nhân “lách” quy định cũng như ngụy trang dưới vỏ bọc hợp đồng hợp tác đầu tư để mua trái phiếu riêng lẻ ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc đẩy mạnh phát hành ra công chúng và đẩy nhanh lập sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ thứ cấp là yếu tố quan trọng, đảm bảo thị trường phát triển bền vững và hướng đến quyền lợi nhà đầu tư cá nhân… (Ánh Tuyết).

- Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng thế nào tới thị trường mới nổi? Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa có đợt tăng lãi suất thứ hai trong một chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng thời chuẩn bị cho việc cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán nhằm chống lại đà leo thang của lạm phát. (An Huy).

- Hai ngân hàng trung ương lớn nâng lãi suất để chống lạm phát. Liên tiếp trong hai ngày 4 và 5/5, hai ngân hàng trung ương lớn là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cùng nâng lãi suất để chống lại đà leo thang của giá cả. Tuy nhiên, các động thái này đều không nằm ngoài dự báo trước đó của thị trường, xét tới mức lạm phát tại cả hai nền kinh tế đều đang cao nhất trong nhiều thập kỷ. (Bình Minh).

- Phát triển hệ thống cảng biển: Rốt ráo “trải thảm” mời gọi nhà đầu tư tư nhân. Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 cần hơn 300.000 tỷ đồng, trong đó gần 95% sẽ được huy động từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Nhiều địa phương đang rốt ráo “trải thảm” mời gọi nhà đầu tư tư nhân, sớm hình thành các cảng biển nước sâu đón siêu tàu chuyên chở hàng container để thúc đẩy mạnh mẽ giao thương. (Anh Tú).

- Đứt gẫy chuỗi cung ứng, xuất khẩu nông sản tìm đường thoát hiểm. Những ngày gần đây, nhiều cửa khẩu ở các tỉnh phía Bắc đã khôi phục thông quan hàng hóa, kéo theo giá nhiều mặt hàng nông sản tăng nhẹ sau thời gian dài “lao dốc”. Dự đoán tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc chưa thể khắc phục được trong thời gian ngắn. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt đang tích cực tìm giải pháp, đặc biệt là tìm nguồn hàng và thị trường thay thế, đồng thời nội địa hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu rủi ro.(Lưu Hà).

- “Săn tìm” nhân sự cao cấp: Xu hướng tuyển dụng lao động quý 2. Báo cáo về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam trong quý 1/2022 và dự báo xu hướng tuyển dụng trong quý 2 của Navigos Search nhận định nhu cầu tuyển dụng lao động của Việt Nam đang gia tăng khá mạnh. (Dũng Hiếu).

- Gen Z khiến thị trường thời trang xa xỉ phải thay đổi. Thị trường hàng xa xỉ thế giới đã vượt qua đại dịch một cách ngoạn mục, với nhiều thương hiệu báo cáo duy trì hoặc gia tăng doanh thu năm 2021. Tuy vậy, trong tương lai, kỳ vọng về sức mua của nhóm khách hàng trẻ tuổi đòi hỏi các thương hiệu phải có một cách suy nghĩ mới. (Minh Nguyệt).

ối thoại xã hội: Công cụ đắc lực đảm bảo an toàn nơi làm việc. Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), những biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 cho thấy tầm quan trọng của sự hợp tác hiệu quả giữa các đối tác xã hội trong ngăn ngừa tai nạn và bệnh nghề nghiệp. Việt Nam đang mở cửa bình thường trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động sẽ gia tăng hiện hữu. (Dũng Hiếu).