Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 20-2022
Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 20 phát hành ngày 16-05-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
Chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ từ ngày 11 đến 17/5 và tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ trong hai ngày 12 và 13/5 của Thủ tướng Phạm Minh Chính là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng trong bối cảnh Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và mở cửa trở lại. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện phát triển tốt đẹp giữa hai nước, hướng tới hợp tác ngày càng sâu rộng, đa dạng, thực chất, hiệu quả, lợi ích hài hòa và có tầm quan trọng chiến lược giữa hai nước trong thời gian tới.
Kể từ khi hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ, các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước trong 27 năm qua đã từng bước đưa quan hệ giữa hai nước từ chỗ gác lại quá khứ, bình thường hóa quan hệ, phát triển theo chiều rộng và tới nay là đi vào chiều sâu với việc làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.
Đã có rất nhiều dấu mốc đáng ghi nhớ trong chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai bên. Cùng với hợp tác chính trị, hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian qua cũng có sự tăng vọt trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng.
Với chủ đề: "Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ", chuyên mục Tiêu điểm trong số báo ra sáng mai, 16 -05 - 2022, của Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ tổng hợp và cập nhật xung quanh chủ đề này.
Bao gồm các bài viết:
- 27 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ: Từ “gác lại quá khứ” tới “đối tác toàn diện”. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã trải qua chặng đường từ “gác lại quá khứ”, “hợp tác nhiều mặt”, “đi vào chiều sâu” và tới nay là “đối tác toàn diện” kể từ khi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ ngày 5/8/1995. (Khánh Vy).
- Khi vị thế đất nước được nâng tầm. Có thể nói một tuần công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ đã thành công rất tốt đẹp. Thành công đó không chỉ thể hiện ở những thỏa thuận được ký kết giữa các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ với các đối tác Việt Nam, mà quan trọng hơn là Mỹ và cộng đồng quốc tế có dịp hiểu thêm về Việt Nam với tư cách là một quốc gia đang phát triển nhanh, có vị thế, sẵn sàng hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với Hoa Kỳ và mọi quốc gia khác trên thế giới. (Nguyễn Quốc Uy).
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giữ vững hòa bình, duy trì ổn định phải được coi là quan tâm hàng đầu của ASEAN và Hoa Kỳ. Nhìn về tương lai, Thủ tướng bày tỏ lạc quan về sự bứt phá mạnh mẽ của quan hệ chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ và khẳng định Việt Nam sẽ tích cực đóng góp nâng tầm quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững của các nước ASEAN và Hoa Kỳ, cũng như cả khu vực và thế giới. (Vy Vy).
- Thúc đẩy cơ hội hợp tác mới Việt Nam - Hoa Kỳ. Chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng, cải thiện môi trường kinh doanh… là những vấn đề được Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục nhắc tới tại các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp Hoa Kỳ. (An An).
Và nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:
- Chủ động ứng phó với những thách thức mới. Dù lạc quan với triển vọng tăng trưởng kinh tế nhưng môi trường kinh doanh ngày càng xuất hiện những thách thức mới, khó lường, đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp phải có các kịch bản ứng phó thích hợp. (Ngân Hà).
- Áp lực lạm phát rất lớn. Lạm phát năm 2022 và 2023 chịu áp lực lớn từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng, đà leo thang của giá nguyên, nhiên, vật liệu và sự gia tăng đột biến trong tổng cầu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, để kiểm soát lạm phát, các chính sách được ban hành phải nhanh, thiết thực và điều chỉnh linh hoạt theo tốc độ phục hồi của nền kinh tế và áp lực của các yếu tố rủi ro. (TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê).
- Giải quyết những nút thắt để thu hút FDI chất lượng cao. Bàn về “chiến thuật” thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong giai đoạn tới, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần sớm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài và nghiên cứu tác động của việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam để đón và giữ chân các “đại bàng”. (Anh Nhi).
- Phát triển kinh tế biển bền vững sau dịch Covid-19. Đại dương đã và đang mang lại tiềm năng to lớn để phát triển các ngành kinh tế từ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo biển, hàng hải, du lịch biển… (Đức Phan).
- Kịch bản xanh lam cho phát triển kinh tế biển bền vững. Kinh tế biển xanh là xu hướng phát triển bền vững tất yếu của thế giới cũng như Việt Nam, đặc biệt là các quốc gia có biển. Lần đầu tiên ở Việt Nam, một nghiên cứu về kịch bản phát triển kinh tế biển sử dụng khái niệm kinh tế biển xanh đã chỉ rõ, nếu áp dụng kịch bản phát triển bền vững, GDP sẽ đạt 2.121,840 nghìn tỷ đồng, tăng hơn kịch bản cơ sở 296 nghìn tỷ đồng (12,9 tỷ USD) vào năm 2025. (Nhĩ Anh).
- Bốc thuốc đặc trị cho thị trường trái phiếu? Những tiêu cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây cho thấy rất cần một hành lang pháp lý đủ mạnh để ổn định, ngăn chặn và kiểm soát tốt rủi ro. Đồng thời, còn là động lực giúp thị trường trái phiếu riêng lẻ phát triển, bởi đây là kênh huy động vốn trung dài hạn cực kỳ quan trọng cho doanh nghiệp. (Phan Linh).
- Kiểm soát thị trường trái phiếu: “Đánh chuột đừng làm vỡ bình”. Việc siết chặt tín dụng cũng như kiểm soát phát hành trái phiếu vay nợ bất động sản, cùng các vụ bắt giữ doanh nghiệp sai phạm đang gây nên tâm lý e ngại, thậm chí hoảng sợ đối với các nhà đầu tư, tác động ngược lên kết quả phát hành trái phiếu. (Phan Nam).
-Tháng 4, vốn ngoại trở lại mua ròng tại Việt Nam? Bất chấp thị trường tụt dốc, động thái “ngược dòng” mua ròng sau gần 1 năm miệt mài bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã có những tác động không nhỏ tới tâm lý thị trường. Giới chuyên môn cho rằng, vốn ngoại sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực trong thời gian tới và đây là yếu tố hỗ trợ rất tốt cho thị trường. (Trâm Anh).
- Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp. Việt Nam là một trong những nước có cường độ sử dụng năng lượng lớn nhất trong khu vực và trên thế giới, với hệ số đàn hồi tăng trưởng điện/tăng trưởng GDP xấp xỉ 2 lần. Trong thập kỷ qua, tổng tiêu thụ năng lượng đã tăng gấp ba lần. Trong đó, tăng trưởng công nghiệp được cho là yếu tố chính làm cho cường độ năng lượng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao. (Huyền Vy).
- Xuất khẩu gạo vào Asean: Cửa rộng nhưng vẫn vướng. Khu vực Asean được đánh giá là thị trường còn rất nhiều dư địa cho gạo Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu cần có chiến lược thâm nhập bài bản, linh hoạt với từng thị trường, xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho gạo Việt Nam. (Vũ Khuê).
- “Miền đất hứa” công nghiệp điện tử Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ mới đây đã đưa ra nhận định Việt Nam đang trở thành cường quốc kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á. Theo CSIS, các chính sách của Việt Nam đang định vị để đưa quốc gia này trở thành một trung tâm khu vực về sản xuất công nghệ và chất bán dẫn. (Thủy Diệu).
- Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp điện tử. Bên lề Tọa đàm: “Đầu tư công nghiệp điện tử”, trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ông Vivek Khanna, Chủ tịch Tập đoàn Điện tử INDIC EMS đến từ Ấn Độ, cho biết Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong phát triển ngành công nghiệp điện tử và hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với các cường quốc trên thế giới như Ấn Độ đã làm. (Thu Hoàng).
- Châu Âu loay hoay bên bờ vực khủng hoảng khí đốt. Chỉ còn ít ngày nữa là đến thời hạn để một loạt quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đáp ứng yêu cầu mà phía Nga đưa ra về dùng đồng Rúp để thanh toán tiền mua khí đốt của Nga. Việc Moscow cắt khí đốt đối với Bulgaria và Ba Lan là lời cảnh báo cứng rắn rằng châu Âu có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng nếu yêu cầu này không được đáp ứng. (An Huy).
- The WISE Talk: Khơi nguồn sáng tạo, chuyển đổi thông minh. Những năm gần đây, chúng ta từng nghe nhiều đến chuyển đổi số. Đây là cuộc cách mạng với những thay đổi mang tính đột phá diễn ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực chứ không chỉ riêng ở mảng công nghệ. Nhiều sản phẩm và dịch vụ mới kiểu như Grab đã xuất hiện, khiến người dùng mê mẩn và làm bùng lên nhiều cuộc tranh cãi không ngừng xung quanh những thứ đã “công phá” cả một ngành công nghiệp đã tồn tại hàng trăm năm… (Hoàng An).
- HR Tech - xu thế mới trong quản trị nhân sự doanh nghiệp. Sau hơn hai năm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tổ chức, doanh nghiệp Việt đang đối mặt với một thách thức lớn, đó là sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường lao động khi những người thế hệ Gen Z (sinh trong khoảng thời gian từ 1995-2012) với hiểu biết và sử dụng công nghệ cao từ sớm đang dần trở thành lực lượng lao động chính. (Hoàng An).
- Doanh nghiệp dệt may: “Xanh hóa” hay sẽ bị tụt lại phía sau? “Xanh hóa” chuỗi sản xuất trong ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Đây là yêu cầu tất yếu đối với các nhà cung ứng nếu không muốn bị đẩy lại phía sau. (Lưu Hà).
-Những cơ hội mới cho ngành du lịch từ Metaverse. Những người thuộc thế hệ Z và Millennials là những công dân nòng cốt của thế giới kỹ thuật số. Cách họ sử dụng và những gì họ mong đợi từ công nghệ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các dịch vụ du lịch được cung cấp. (Tường Bách).
- Để mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội: Tăng mức hỗ trợ, tuyên truyền linh hoạt. Hơn hai năm qua, mặc dù chịu tác động không nhỏ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng diện bao phủ bảo hiểm xã hội vẫn liên tục được mở rộng. Nhiều chính sách hỗ trợ, mô hình vận động, tuyên truyền linh hoạt được triển khai ở các địa phương đã giúp số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tăng đều theo từng năm. (Ngân Giang).
- Nơm nớp lo rủi ro: Ngành quế phát triển “nóng”. Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng quế, với 41.000 tấn mỗi năm. Giá quế xuất khẩu của Việt Nam cao nhất so với các nước đối thủ trồng quế. Tuy nhiên, diện tích trồng quế tăng quá nhanh những năm qua, đang khiến nhiều nông dân trồng quế và doanh nghiệp xuất khẩu quế lo ngại rằng trong tương lai có thể rủi ro nếu cung vượt cầu. (Chu Khôi).