16:37 22/05/2022

Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2022

Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 21 phát hành ngày 23-05-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2022
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2022

Tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước thời gian qua đang chững lại và chậm hơn nhiều so với yêu cầu.

Theo cập nhật từ Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016-2020, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa ngoài kế hoạch vượt xa số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Tuy nhiên, đánh giá hiệu quả và tiến độ theo kế hoạch được giao, trong 180 doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa, chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc diện trong danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạt 30% kế hoạch trong giai đoạn 2016-2020.

Còn hai năm gần đây, tính đến tháng 4/2022, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa đạt thấp kỷ lục, đạt 4 đơn vị.

Tại sao tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước lại ỳ ạch đến như vậy? Đâu là điểm nghẽn khiến tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước rơi vào tình trạng "rùa bò"? Làm thế nào để gỡ được các"nút thắt", tạo sự đột phá trong tiến trình thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp?...

Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai ngày 23-05-2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm: "Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước" để giải đáp phần nào những câu hỏi trên.

Bao gồm các bài viết:

- Cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: Vẫn "nghẽn". Trong số các điểm nghẽn và lực cản khiến quá trình triển khai thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2016 – 2021 bị chậm và trễ thì đất đai và định giá doanh nghiệp được coi là lực cản lớn nhất. (Nguyễn Quốc Uy).

- Dám nhìn thẳng vào cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Có quá nhiều câu hỏi “tại sao” được đặt ra khi nói về sự chậm trễ của cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, trong khi câu hỏi mấu chốt để thúc đẩy tiến trình này là “như thế nào”. (TS. Võ Đình Trí, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School (Paris) và AVSE Global).

- Vì sao cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước hụt hơi? Manh nha từ năm 1990, đến nay, tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước không những rơi vào trì trệ mà còn lùi xa so với giai đoạn xuất phát. Chẳng những không đủ về lượng theo mục tiêu đã đề ra, nhiều chuyên gia, nhà quản lý còn nhận định cổ phần hoá thời gian qua không đảm bảo về “chất”. (Phan Linh).

-Bắt đúng bệnh để thúc đẩy cổ phần hóa “rùa bò”. Không ít doanh nghiệp nặng tâm lý chờ đợi, “nước đến chân mới nhảy” cùng nỗi sợ bị “bóc mẽ” những sai phạm trong sử dụng đất không đúng mục đích hay phải trả lại nhà đất... khiến tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn rơi vào trầm lắng... Chia sẻ với báo giới bên lề tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” do các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Tài chính tổ chức ngày 18/5, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, đánh giá tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua chững lại và chậm hơn so với yêu cầu. (Ánh Tuyết).

- Từng bước quản trị vốn theo hướng chuyên nghiệp. Báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tại mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 là khá tích cực. Điều này cho thấy việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nâng cao khả năng quản trị vốn theo hướng chuyên nghiệp thời gian qua đã có hiệu quả. (Ngân Hà).

- Tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn liệu có đi vào “ngõ cụt”? Kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 và từ 2020 đến nay không đạt mục tiêu. Số doanh nghiệp cổ phần hóa và số thu từ hoạt động trên nộp về ngân sách thấp chưa từng có. Phần lớn các doanh nghiệp nhà nước có tình hình tài chính phức tạp; sở hữu khối tài sản “đồ sộ” là nhà đất, công trình xây dựng khắp cả nước nhưng gắn với tình trạng pháp lý rắc rối đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác định giá đất đai và xác định giá trị doanh nghiệp. Đi cùng với đó, cơ chế chính sách chưa thông suốt, tư tưởng ngại thay đổi, che giấu sai phạm cùng hàng loạt vụ việc trục lợi từ cổ phần hoá, thoái vốn thời gian qua do làm thất thoát nguồn lực đất đai và ngân sách nhà nước, làm méo mó môi trường kinh doanh… đã tạo nên không ít nghi ngờ rằng con đường minh bạch và đại chúng hóa phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 tiếp tục đi vào ngõ cụt. (Tuyết Nhi).

Cùng nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:

- Không để đầu tư công “dậm chân tại chỗ”. Hơn một tuần sau khi 6 tổ công tác tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Thủ tướng được thành lập, 4 tổ đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương thảo luận về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư công. (Anh Nhi).

- Kế hoạch tăng vốn của ngân hàng có khả thi? Sau mùa đại hội đồng cổ đông hường niên vừa qua, hơn 20 ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, bán vốn cho nhà đầu tư hiến lược… Tuy nhiên, với diễn biến thị trường chứng khoán hiện nay, giới huyên môn cho rằng, việc tăng vốn điều lệ năm 2022 của nhiều ngân hàng sẽ khó thực hiện trọn vẹn. (Đào Hưng).

- Nhức nhối nạn thẩm định giá tiếp tay sai phạm. Trong tháng 4/2022, Bộ Tài chính đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá gần 30 doanh nghiệp và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của 5 doanh nghiệp. Trước đó, có 8/11 vụ án thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định bị kết tội hình sự do vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tội phạm trong lĩnh vực thẩm định giá đã đến mức báo động. (Trâm Anh).

-Bức tranh ảm đạm kinh tế toàn cầu: Lạm phát cao, tăng trưởng giảm tốc. Nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ rơi vào một thời kỳ “stagflation” khi lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng ì ạch, thậm chí là suy thoái kinh tế. Sự kết hợp tồi tệ này sẽ gây suy giảm mức sống tại tất cả mọi quốc gia, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển. (An Huy).

- Quỹ phòng hộ lừng lẫy Phố Wall giải thể. Melvin Capital, một trong những công ty quản lý quỹ phòng hộ (hedge fund) thành công nhất ở Phố Wall, vừa tuyên bố giải thể. Sau khi thua lỗ hàng tỷ USD trong cơn sốt cổ phiếu meme hồi năm ngoái, quỹ này tiếp tục hứng tổn thất nặng nề trong đợt sụt giảm chóng mặt của thị trường năm nay. (Bình Minh).

- Vốn đang chờ đổ vào dự án Blockchain Việt. Giữa một thị trường Blockchain toàn cầu nói chung và mảng NFT (Non-Fungible Token – tài sản số) đang ghi nhận con số tăng trưởng kỷ lục, Việt Nam nổi lên như một hiện tượng trên thế giới về Blockchain. Vậy Blockchain Việt Nam đang có cơ hội hấp thụ nguồn vốn bùng nổ này như thế nào và điều gì khiến các quỹ đầu tư mong muốn rót vốn vào các dự án Blockchain Việt? (Thủy Diệu).

- Sáu giải pháp quan trọng: Để phát triển đô thị bền vững. Đến cuối năm 2020, cả nước có 862 đô thị các loại, đóng góp tới 70% GDP. Tuy nhiên, đô thị hóa của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần được tháo gỡ ngay. (Vy Vy).

- Nghiên cứu khoa học nông nghiệp: Lép vế và yếu kém. Mặc dù đóng góp rất lớn vào tăng năng suất và chất lượng nông sản, nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học nông nghiệp ở nước ta được đánh giá là hiệu quả chưa cao, số lượng các sản phẩm liên quan đến khoa học ứng dụng cũng như các sản phẩm khoa học tạo ra từ nguồn ngân sách Nhà nước được thương mại hóa còn ít, ứng dụng thực tiễn vẫn thấp... (Chu Khôi).

- Tìm lời giải cho các “nỗi đau” về quản trị nhân sự. “Từ tốt đến vĩ đại” của Jim Collins có lẽ là cuốn sách “gối đầu giường” với nhiều chủ doanh nghiệp. Trong đó, tác giả đã dành một thời lượng không nhỏ để phân tích về thông điệp “Con người đi trước, công việc theo sau”. Ở đó, điều quan trọng nhất với nhà lãnh đạo khởi xướng quá trình chuyển đổi từ tốt đến vĩ đại là phải chọn được người phù hợp. (Hoàng Thu).

- Đưa sản phẩm Make & Made in Việt Nam ra quốc tế. Công ty công nghệ Smarttech của Việt Nam mới đây đã ký kết thành công thỏa thuận hợp tác với INDIC EMS - tập đoàn điện tử có quy mô lớn đến từ Ấn Độ. Ông Quách Hồng Thuận, Giám đốc điều hành Smarttech cho biết dù là một công ty công nghệ còn non trẻ, song Smarttech đặt mục tiêu sẽ đưa các sản phẩm Make & Made  in Việt Nam đến tay người tiêu dùng Việt và vươn ra quốc tế. (Thu Hoàng). 

- Mở cửa du lịch: Thủ tục vẫn cản đường ngành lữ hành. Khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, du lịch được nhiều quốc gia chọn là mũi nhọn để phục hồi kinh tế bởi đây là ngành kinh tế tổng hợp. Cỗ máy du lịch hoạt động sẽ kích hoạt một loạt các ngành khác như hàng không, thương mại, lưu trú, dịch vụ… (Tuệ Mỹ).

- Đại dịch thúc đẩy nhu cầu sắm đồ nội thất xa xỉ. Nhu cầu chăm sóc nhà cửa tăng cao đã bổ sung doanh thu cho nhiều công ty thời trang trong hơn hai năm qua. Khi ngày càng nhiều người làm việc tại nhà, một số thương hiệu thời trang xa xỉ đã đưa ra một quyết định mang tính đột phá, đó là lấn sân thiết kế đồ nội thất. (Tường Bách).