09:00 16/10/2022

Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42-2022

Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42 phát hành ngày 17-10-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn... 

Xuyên suốt mục tiêu điều hành của Chính phủ thời gian qua là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thực tế, vượt qua những tác động tiêu cực từ những bất ổn trên thế giới, các mục tiêu quan trọng trong 9 tháng đầu năm 2022 đều đạt ở trên cả kỳ vọng.

Đóng góp cho thành công trên là việc Chính phủ đã kết hợp sử dụng chính sách tài khoá và tiền tệ. Trong đó, để kinh tế phát triển hồi phục đã có các gói hỗ trợ trích ra từ Ngân sách Nhà nước, nỗ lực giải ngân đầu tư công (tăng về giá trị tuyệt đối so với năm trước) và ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, điều chỉnh hạn mức tín dụng khi cần thiết.

Để kiểm soát lạm phát, Chính phủ chấp nhận giảm giá xăng dầu, chưa tăng các mức thuế phí và lương; đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước giữ lãi suất ở mức thấp, đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý, ổn định tỷ giá nhưng không cố định nhằm chống nhập khẩu lạm phát.

Tuy nhiên, dư địa tài khoá và tiền tệ trong 3 tháng cuối năm còn rất ít.

Có thể thấy, với đà này, các chỉ tiêu của năm 2022 về cơ bản đã hoàn thành; tuy nhiên, 3 tháng cuối năm là thời gian bản lề để tạo đà cho kế hoạch năm tới. Trong khi đó, những bất ổn triền miên trên thế giới vẫn tiếp tục kéo dài, cuộc chiến Nga – Ukraina kéo theo cuộc chiến năng lượng và giá dầu chưa có hồi kết; FED vẫn lựa chọn tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát kéo theo xu hướng này ở hàng chục ngân hàng trung ương trên thế giới; chuỗi cung ứng nguyên vật liệu tiếp tục đứt gãy với mặt bằng giá tăng cao; dòng ngoại tệ mạnh tiếp tục chảy ra khỏi biên giới do sự chênh lệch lãi suất ngoại tệ trong và ngoài nước là khác nhau (0% và trên 3-4%).

Những khó khăn này tiếp tục bào mòn sức chống đỡ của nền kinh tế trong nước trong những tháng cuối năm và sẽ là những thách thức trong năm tới.

Bởi vậy, câu chuyện của điều hành chính sách tài chính – tiền tệ trong bối cảnh như vậy sẽ phải làm gì là chủ đề được các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp chia sẻ, phản biện và đề xuất các giải pháp trong Tiêu điểm:Chính sách tài khoá và tiền tệ lách qua “khe cửa hẹp”, của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, số 42 phát hành sáng ngày thứ Hai, 17/10/2022.

 Bao gồm các bài viết:

 - Chính sách tiền tệ chật vật bởi “đa mục tiêu”. (Vũ Phong).

- Kinh tế Việt Nam ở đâu trước dự báo vòng xoáy suy thoái của thế giới? (Hoàng Lan).

- Đong đếm sức mạnh VND trong năm 2022. P/v TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia. (Đào Hưng).

- Chính sách tài khoá và tiền tệ vượt khó qua “cửa hẹp”. (Đào Hưng – Ánh Tuyết – Phan Linh).

- Thách thức kiểm soát loạt biến số gây áp lực lên lạm phát. (Ánh Tuyết).

 Cùng nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:

- Gỡ những “nút thắt” cho doanh nghiệp xăng dầu. Doanh nghiệp đầu mối cho rằng chi phí tăng cao nên không thể nhập khẩu được xăng dầu; còn doanh nghiệp bán lẻ thì “than thở” chiết khấu thấp, thậm chí có thời điểm chỉ còn 0 đồng, khiến họ thua lỗ kéo dài. Trong khi đó, công tác điều hành của các cơ quan chức năng đối với mặt hàng xăng dầu vẫn còn một số hạn chế. Đây là những “nút thắt” dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung xăng dầu trong thời gian vừa qua. (Mạnh Đức).

- Báo chí ứng dụng công nghệ, phát triển hệ sinh thái số. Một hệ sinh thái số VnEconomy đã được hình thành với việc Tạp chí Kinh tế Việt Nam chính thức ra mắt Tòa soạn số VnEconomy và Phát hành số các ấn phẩm báo chí trên nền tảng thương mại điện tử phát hành báo chí Trung ương. Đây là một sản phẩm mới, một mô hình báo chí mới, đưa Tạp chí Kinh tế Việt Nam trở thành cơ quan báo chí kinh tế đầu tiên bán báo in trên nền tảng số. (Đỗ Phong).

- Giải Nobel Kinh tế học 2022: Ngân hàng và khủng hoảng tài chính. Trên các góc độ khác nhau, các nhà khoa học đã làm sáng tỏ được những điều này thông qua các nghiên cứu của họ vào đầu những năm 1980, vừa kết nối và giải thích hơn 200 năm lịch sử khủng hoảng tài chính trên toàn cầu, vừa tạo nền móng vững chắc cho các nghiên cứu chính sách chuyên sâu cho các thế hệ sau. (TS. Nguyễn Xuân Hải, ThS. Bùi Mỹ Linh).

- Sửa Luật đất đai: Giải quyết những vấn đề cấp bách của nông nghiệp. Thủ tục đất đai là vướng mắc lớn nhất, tạo ra chi phí, rủi ro với doanh nghiệp, chưa thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh… do đó việc hoàn thiện các vấn đề về nông nghiệp trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn… (Song Hà).

- Giao dịch bất động giảm mạnh trong quý 3. Tỷ lệ tiêu thụ bất động sản tại Hà Nội đạt 35,6%; tại các tỉnh miền núi phía Bắc là 14,5%; duyên hải Bắc Bộ là 34,8%; tại Tp.HCM khoảng 50%; khu vực Nam trung bộ là 11%… Con số này cho thấy sức mua trên thị trường hiện rất thấp. Tuy vậy, nhiều đơn vị nghiên cứu bất động sản nhận định, thị trường chưa rơi vào suy thoái bởi sự quan tâm và nhu cầu nhà ở của người dân vẫn rất cao. (Phan Nam).

--  Vinh danh Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2022. Chương trình Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2022 đã chính thức tìm được những gương mặt doanh nhân xuất sắc, doanh nghiệp tiêu biểu. Đây là những doanh nhân, doanh nghiệp có nhiều thành tích ấn tượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương và nền kinh tế quốc gia. (Thu Hằng).

-“Kéo” và “đẩy”để hành khách không “quay lưng” với vận tải  công cộng. Để tăng tỷ lệ đáp ứng của vận tải hành khách công cộng Thủ đô từ dưới 15% lên tối thiểu 40% đến năm 2030, các chuyên gia cho rằng cần phát triển mạng lưới xe buýt vừa rẻ và tiện lợi để “kéo” hành khách cũng như vừa “đẩy” nhanh việc nâng cấp hạ tầng giao thông công cộng và tăng cường kết nối các hình thức như xe buýt và metro. (Anh Tú).

- Vết rạn trong quan hệ Mỹ-Saudi Arabia. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối, tức liên minh OPEC+, mới đây đã nhất trí cắt giảm sản lượng mạnh tay nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Động thái này giúp nâng đỡ giá của dầu thô, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các quốc gia thành viên OPEC+, nhưng lại bị xem là đi ngược lại lợi ích của người tiêu dùng toàn cầu, trong đó có Mỹ - quốc gia đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. (An Huy).

Quý vị độc giả có thể đặt mua Tạp chí Kinh tế Việt Nam tại đây.