10:06 16/11/2007

Đông Á ít chịu ảnh hưởng của cơn bão tài chính Mỹ

Thùy Linh

Tác động của cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính thứ cấp tại Mỹ đối với các nền kinh tế Đông Á là không đáng kể

Kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng 11,3% năm 2007 và dự kiến chỉ giảm nhẹ xuống mức 10,8% năm 2008.
Kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng 11,3% năm 2007 và dự kiến chỉ giảm nhẹ xuống mức 10,8% năm 2008.
Theo phân tích 6 tháng của Ngân hàng Thế giới (WB) về khu vực Đông Á, tác động của cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính thứ cấp tại Mỹ đối với các nền kinh tế Đông Á là không đáng kể.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất của WB về Đông Á và Thái Bình Dương được công bố ngày 14 tháng 11 năm 2007 - với nhan đề “Liệu tự cường có giúp vượt qua được rủi ro?”, các nền kinh tế Đông Á chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc năm 2008 bất chấp những lo ngại đang gia tăng về cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính thứ cấp tại Mỹ và giá dầu tăng trên quy mô toàn cầu.

Lần đầu tiên báo cáo cũng cho thấy số người nghèo sống dưới 2 USD/ngày tại Đông Á đã giảm xuống dưới 500 triệu - từ con số 1 tỷ năm 1990.

Tăng trưởng tại các nền kinh tế Đông Á mới nổi dự kiến vượt mức 8% năm 2007, năm tăng thứ 2 liên tiếp và giảm nhẹ năm 2008. Mặc dù xuất khẩu của Đông Á sang Hoa Kỳ đã giảm sút, nhưng đầu tư và tiêu dùng mạnh ở Trung Quốc và các nước khác đã làm cho tăng trưởng tiếp tục mạnh mẽ và thậm chí cao hơn trong năm nay. Trung Quốc dự kiến tăng 11,3% năm 2007 và dự kiến chỉ giảm nhẹ ở mức 10,8% năm 2008.

Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn sẽ diễn ra tại các nền kinh tế có thu nhập trung bình tại Đông Nam Á và tiếp tục tăng trưởng ở mức vững chắc từ 7% đến 10% ở các nền kinh tế có thu nhập thấp trong khu vực gồm Campuchia, Lào, Mông Cổ và Việt Nam. Tăng trưởng cũng đạt trên mức bình thường tại một số nền kinh tế thuộc đảo Thái Bình Dương do giá hàng hoá tăng lên mặc dù căng thẳng xã hội và bất ổn chính trị có tác động xấu đến tăng trưởng tại một số nước tại đây.

Báo cáo cảnh báo rằng giá dầu cao sẽ thử thách sự vững chắc của Đông Á và sự mở rộng kinh tế toàn cầu năm 2008. Giá dầu thô đã vượt trên mức 90 USD/thùng vào đầu tháng 11/2007, làm giảm nhu cầu ở các nước phát triển, nhưng nhu cầu tại các nước đang phát triển tiếp tục tăng 3-4%/ năm. Báo cáo cũng tính toán rằng giá dầu trung bình 90 USD/thùng năm 2008 gắn với việc giảm thu khoảng trên 1% GDP tại Đông Á mặc dù đây là tình hình mà khu vực đã phải gánh chịu trong 3-4 năm qua do giá dầu tăng làm tăng chi phí hàng năm.

Theo WB, các nền kinh tế Đông Á mới nổi đã đạt được sự tăng trưởng lớn nhất chưa từng có về mức dự trữ ngoại hối trong năm 2007. Dự trữ ngoại hối đối với 9 nền kinh tế lớn nhất tăng thêm 451 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2007, đạt 2.500 tỷ USD. Khoảng 4/5 mức tăng dự trữ khu vực từ Trung Quốc.

“Khả năng vượt qua các biến động toàn cầu ngắn hạn trong khu vực sẽ cho phép các nước tập trung vào các mục tiêu phát triển dài hạn”, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại khu vực Đông Á, ông Vikram Nehru phát biểu “Sự tăng trưởng nhanh của Đông Á là nhân tố chính tạo ra thành công trong giảm nghèo. Duy trì sự tăng trưởng vẫn là nhân tố chủ chốt và để đạt được mục tiêu này việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hệ thống tài chính, cung cấp dịch vụ công và hệ thống giáo dục và sáng tạo vẫn là những ưu tiên trong khu vực”.

Tỷ lệ nghèo ở mức 2 USD ngày/người dự kiến giảm xuống còn khoảng 27% từ mức 29,5% năm 2006 và 69% năm 1990. Tuy nhiên, như trong phần Tiêu điểm của Báo cáo “Nông nghiệp cho sự phát triển tại Đông Á” cho thấy, nghèo đói chủ yếu là một vấn đề của khu vực nông thôn. Khoảng cách ngày càng lớn giữa thu nhập nông thôn và thành thị tại nhiều nước là một trong những nguyên nhân chính làm tăng sự bất bình đẳng ở cấp quốc gia.

Do vậy, các chính phủ trong khu vực đang theo đuổi các chính sách thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thông qua việc tái tập trung vào các chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn, đồng thời tìm cách đẩy mạnh phát triển nhân lực.