09:54 09/06/2010

Đồng Euro được dự báo sớm “giãy chết”

Dương Lâm

Đồng Euro có thể sẽ đổ vỡ trước khi kết thúc nhiệm kỳ Nghị viện Châu Âu

Đồng tiền chung châu Âu đang “giãy chết”? - Ảnh: Telegraph.
Đồng tiền chung châu Âu đang “giãy chết”? - Ảnh: Telegraph.
Đồng Euro có thể sẽ đổ vỡ trước khi kết thúc nhiệm kỳ Nghị viện Châu Âu, theo ý kiến của đa số các chuyên gia kinh tế Anh tham dự cuộc khảo sát mới nhất của tờ Sunday Telegraph.

Đây là cuộc khảo sát ý kiến các chuyên gia kinh tế Khu tài chính London đầu tiên được tổ chức kể từ khi ông David Cameron lên nắm quyền Thủ tướng Anh.

Trong số 25 nhà kinh tế hàng đầu tham gia khảo sát, có tới 12 chuyên gia dự đoán, đồng Euro sẽ không thể tồn tại tới hết nhiệm kỳ Nghị viện Châu Âu, trong khi 8 chuyên gia cho rằng, đồng tiền này vẫn tồn tại và 5 người không đưa ra ý kiến.

Khoảng một năm trước, chỉ một vài chuyên gia trong Khu tài chính London mới tự tin dự đoán về sự kết thúc đồng Euro. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vài tuần gần đây, cùng với việc Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận đồng Euro đang đối mặt với "khủng hoảng tồn tại", thì những quan điểm của giới chuyên gia đã thay đổi mạnh mẽ.

2 trong số 8 chuyên gia dự báo đồng tiền chung châu Âu sẽ tiếp tục tồn tại, cho rằng điều đó sẽ chỉ xảy ra khi cái giá phải trả là chứng kiến ít nhất 1 trong số các thành viên của khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) bị vỡ nợ.

Andrew Lilico, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc tổ chức Policy Exchange, cho rằng cơ hội tồn tại của đồng Euro với mô hình thành viên hiện nay là “gần bằng không”. Còn chuyên gia Douglas McWilliams thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh cho rằng, đồng tiền này “thậm chí còn không tồn tại trong một tuần”.

Trong khi đó, giáo sư David Blanchflower của trường Đại học Dartmouth, cho rằng "tác động chính trị của sự đổ vỡ đồng Euro có thể sẽ rất sâu rộng. Đức hiện đang phản đối việc phải chi tiền cho các nước khác và có thể sẽ sớm rút khỏi khu vực đồng Euro".

4 trong số các nhà kinh tế cho rằng, mặc dù nhiều người nghi ngờ Hy Lạp hoặc một số nền kinh tế yếu kém hơn có thể bị buộc ra khỏi Eurozone, nhưng thực tế, nước có khả năng lớn nhất rút khỏi khối này sẽ là Đức.

Theo chuyên gia Peter Warburton thuộc hãng tư vấn Economic Perspectives, "nhiều khả năng Đức sẽ rút lui. Có thể một số quốc gia Tây và Trung Âu khác - cộng thêm Đan Mạch, sẽ tham gia Eurozone. Có thể, sẽ xuất hiện mô hình thành viên đa cấp của Liên minh Châu Âu và một cơ chế tham gia hay rút lui khỏi khu vực này. Đồng Euro có thể sẽ vẫn tồn tại, nhưng không phải dưới hình thức hiện nay".

Chuyên gia Tim Congdon thuộc tổ chức Nghiên cứu tiền tệ quốc tế thì cho rằng: “Khu vực đồng Euro sẽ mất 3 tới 4 thành viên - Hy Lạp, Bồ Đào Nga, hay Ireland - và cũng có khả năng tan vỡ hoàn toàn do bất đồng giữa Đức và Pháp đang tăng lên".

Những lo lắng gần đây về số phận của đồng Euro đã tăng lên sau việc Liên minh Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế quyết định thành lập quỹ cứu trợ khẩn cấp trị giá 1.000 tỷ USD, nhằm ngăn ngừa những đổ vỡ trong tương lai. Mặc dù khoản cứu trợ này cũng đã thúc đẩy niềm tin ban đầu, song giới đầu tư vẫn từ bỏ đồng Euro khi các chính trị gia cho thấy sự miễn cưỡng phải ủng hộ quyết định cứu trợ này.

Giá vàng quốc tế chiều qua (8/6) đã tăng mạnh là do những lo ngại về tình hình nợ nần của Châu Âu. Giới đầu tư quốc tế đẩy mạnh gom mua vàng để ngăn ngừa diễn biến xấu có thể xảy ra ở châu Âu. Tỷ giá Euro/USD trong ngày đã có lúc chỉ còn 1 Euro đổi được dưới 1,19 USD, thấp nhất trong 4 năm.

Trong một diễn biến khác, hôm qua (8/6), Chính phủ Anh đã cam kết giảm mạnh chi tiêu sau khi cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch cảnh báo về thách thức tài khóa của Anh. Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh George Osborne cho biết, ông quyết tâm ngăn chặn tất cả mọi nghi ngờ về tín nhiệm tín dụng của Anh.

Thâm hụt ngân sách của Anh được dự báo lên mức 10,4% GDP năm 2010, tỷ lệ nợ/GDP trong năm tài khóa 2009-2010 dự kiến là 62% GDP.

Thông báo của ông Osborne được đưa ra sau khi Fitch công bố báo cáo đặc biệt trong đó nhấn mạnh những mối nguy mà nước Anh đang gặp phải. Fitch nhấn mạnh tỷ lệ nợ công tại Anh từ năm 2008 đến nay tăng nhanh hơn bất kỳ nước nào khác có cùng xếp hạng tín dụng AAA. Thâm hụt ngân sách cao gấp đôi thời kỳ kinh tế đi xuống trong thập niên 1970 và 1990.

Fitch đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Anh trong việc cố gắng giảm thâm hụt ngân sách, bằng việc thông báo giảm chi tiêu 6 tỷ Bảng. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng, Chính phủ Anh cần mạnh tay hơn nữa để đưa thâm hụt ngân sách xuống mức 8,5% GDP vào năm tài khóa 2011 - 2012 và xuống 5,2% vào năm tài khóa 2013 - 2014.