00:26 03/10/2011

Đồng loạt rút lãi suất huy động các kỳ hạn cực ngắn

Thùy Duyên

Các ngân hàng thương mại đồng loạt rút lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn cực ngắn, đảm bảo yêu cầu thực hiện chính sách mới

Với việc Thông tư số 30 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/10 này, lãi suất huy động VND các kỳ hạn cực ngắn trên thị trường đã giảm mạnh, nhưng cơ cấu các kỳ hạn chia theo ngày vẫn không có nhiều thay đổi.
Với việc Thông tư số 30 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/10 này, lãi suất huy động VND các kỳ hạn cực ngắn trên thị trường đã giảm mạnh, nhưng cơ cấu các kỳ hạn chia theo ngày vẫn không có nhiều thay đổi.
Các ngân hàng thương mại đồng loạt rút lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn cực ngắn, đảm bảo yêu cầu thực hiện chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước.

Cuối tuần qua, nhiều ngân hàng thương mại đều đã đồng loạt áp biểu lãi suất huy động mới, thực hiện theo nội dung Thông tư số 30/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam.

Theo đó, lãi suất huy động VND không kỳ hạn và tại các kỳ hạn cực ngắn dưới 1 tháng được rút về tối đa 6%/năm.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB), ở sản phẩm tiền gửi không kỳ hạn, mức cao nhất 9,6%/năm trước đó đã rút về tối đa 6%/năm đối với số dư cuối ngày từ 1 tỷ đồng trở lên.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), trên biểu lãi suất áp dụng tại Hội sở, các kỳ hạn cực ngắn theo ngày hay theo tuần trước đó đã bị gỡ bỏ. Tuy nhiên, SCB cũng đã có sản phẩm mới để áp dụng cho các khách hàng tham gia hưởng lãi suất không kỳ hạn tối đa 6%/năm áp cho số dư cuối ngày.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Tây (Western Bank), sản phẩm “Tiền gửi linh hoạt ngày” với kỳ hạn 1, 2, 3, 4, 5 và 6 ngày vẫn giữ nguyên, nhưng lãi suất đã rút về 6%/năm thay vì áp đồng loạt 14%/năm như trước đó.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải (Maritime Bank), ngày 30/9 cũng đã có cuộc họp để triển khai thực hiện chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước. Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Maritime Bank cho rằng: “Việc áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 6%/năm, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 14%/năm là cần thiết. Theo đó các tổ chức tín dụng sẽ có một sân chơi công bằng hơn”.

Ông Tuấn cũng nói thêm: “Là thành viên trong nhóm G12, nhóm 12 ngân hàng lớn, chi phối 85% thị phần trong toàn hệ thống ngân hàng, Maritime Bank là ngân hàng tiên phong đi đầu thực hiện nghiêm túc và chấp hành các chính sách của Ngân hàng Nhà nước góp phần hiện thực hóa những kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước trong việc đảm bảo thị trường tiền tệ hoạt động minh bạch lành mạnh”.

Với việc Thông tư số 30 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/10 này, lãi suất huy động VND các kỳ hạn cực ngắn trên thị trường đã giảm mạnh, nhưng cơ cấu các kỳ hạn chia theo ngày vẫn không có nhiều thay đổi.

Trước đó, khi ban hành Thông tư số 30 với mức trần mới 6%/năm cho lãi suất huy động VND không kỳ hạn và các kỳ hạn dưới 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng một số tổ chức tín dụng huy động kỳ hạn rất ngắn (24 giờ, 2 ngày, 1 tuần, 2 tuần) với mức lãi suất tối đa 14%/năm thời gian qua ảnh hưởng không tốt tới việc thực hiện Chỉ thị số 02/CT-NHNN, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản cho tổ chức tín dụng huy động vốn và hệ thống ngân hàng.