Đông Nam Á đối mặt nguy cơ chủ nghĩa khủng bố gia đình
Cả gia đình cùng thực hiện hành vi khủng bố đang trở thành một xu hướng mới đáng lo ngại ở khu vực
Cả gia đình cùng thực hiện hành vi khủng bố đang trở thành một xu hướng mới đáng lo ngại ở khu vực Đông Nam Á.
Theo hãng tin CNBC, cảnh báo này được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước Đông Nam Á đưa ra tại Đối thoại Shangri-la, một diễn đàn an ninh khu vực, diễn ra tại Singapore vào cuối tuần vừa rồi.
Đề cập đến loạt vụ đánh bom ở thành phố Surabaya của Indonesia vào tháng trước, do ba gia đình, trong đó có cả trẻ em, gây ra, các quan chức nhấn mạnh sự cấp bách phải ngăn các ông bố bà mẹ cực đoan truyền nhiễm tư tưởng này cho con cái.
"Sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố gia đình", trong đó cả bố mẹ và con cái cùng sẵn sàng đánh bom tự sát là "một diễn biến mới ở Đông Nam Á, một điều mà những kẻ khủng bố trong khu vực chưa từng làm trước đây", Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana, nói ngày 3/6.
Trước đó, vào hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu nói rằng thật "lạ lùng" khi các ông bố bà mẹ kêu gọi con cái của họ tự sát.
Ít nhất 13 người đã thiệt mạng và 40 người khác bị thương khi một gia đình 6 người, trong đó có hai trẻ em, một 9 tuổi và một 12 tuổi, đánh bom tự sát liên hoàn tại 3 nhà thờ ở Surabaya vào hôm 13/5. Cùng ngày hôm đó, một người mẹ và con gái 17 tuổi thiệt mạng tại khu ngoại ô gần đó, khi người cha kích nổ sớm hơn dự kiến một quả bom mà gia đình này dự định dùng để đánh bom tự sát.
Ngày hôm sau, một gia đình khác gồm 5 người kích nổ một quả bom ngay tại lối vào một trụ sở cảnh sát ở Surabaya.
Những vụ đánh bom liên tiếp đã gây sốc lớn tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Nước này từ lâu đã phải chống chọi với sự nổi lên của chủ nghĩa cực đoan trong nước, nhưng vẫn còn chưa quen với việc trẻ em được sử du gj cho các vụ tấn công khủng bố.
Ông Ryacudu gọi hiện tượng này là "chủ nghĩa khủng bố thế hệ thứ ba", trong đó tổ chức khủng bố khét tiếng IS reo giắc tư tưởng từ Trung Đông sang châu Âu và châu Á thông qua truyền thông xã hội, các kênh phi chính thức và chiến binh khủng bố nước ngoài. Vị Bộ trưởng cho rằng cần phải có một chiến lược chắc chắn và có hệ thống để chống lại hiện tượng này, đồng thời cho biết Indonesia đang triển khai nhiều phương pháp để phi cực đoan hóa, giám sát và ngăn ngừa sớm.
Trong khi đó, ông Lorenzana nhấn mạnh những khuynh hướng mới trong hoạt động chiêu mộ binh sỹ của các tổ chức khủng bố thân IS. "Những chiến binh mới là những người trẻ, có giáo dục, thuộc tầng lới trung lưu", sử dụng nhiều các mạng truyền thông kỹ thuật số, ông Lorenzana nói.
Ông cảnh báo những công nghệ mới như tiền ảo và các trang web đen cho phép những kẻ khủng bố giữ được mức độ nặc danh cao và chịu sự giám sát tối thiểu của cơ quan chức năng. Lấy Philippines làm ví dụ, ông Lorenzana nói rằng các tổ chức khủng bố ở nước này như Abu Sayyaf và Maute sử dụng các giao dịch điện tử để chuyển số tiền khoảng 1,5 triệu USD phục vụ cho việc chúng chiếm giữ thành phố Malawi vào năm 2017.
Có nhiều ý kiến lo ngại rằng Myanmar, quốc gia đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng tị nạn của người Rohingya, có thể trở thành điểm nóng khủng bố mới ở Đông Nam Á.
"Chúng ta cần chú ý đặc biệt đến vấn đề người Rohingya ở Myanmar, bởi vì nếu không được quản lý tốt, những người tị nạn có thể bị các nhóm khủng bố chiêu mộ", ông Ryacudu cảnh báo.