Đồng Rupee mệnh giá “khủng” ngừng lưu hành, dân Ấn Độ đổ xô mua vàng
Ấn Độ mới đây tuyên bố rút đồng tiền có mệnh giá lớn nhất khỏi lưu thông, và động thái này được cho là có thể khiến một bộ phận dân chúng nước này đổ xô mua vàng...
Ấn Độ mới đây tuyên bố rút đồng tiền có mệnh giá lớn nhất khỏi lưu thông, và động thái này được cho là có thể khiến một bộ phận dân chúng nước này đổ xô mua vàng và bất động sản, tạo ra một cú huých tạm thời cho nền kinh tế lớn thứ ba châu Á.
Giới phân tích cho rằng trong nỗ lực tiêu nhanh những đồng 2.000 Rupee (24 USD) - đồng tiền hiện có mệnh giá lớn nhất ở Ấn Độ và sẽ được rút khỏi lưu thông trong vòng 4 tháng tới - người Ấn Độ có thể đổ đi mua vàng, bất động sản và những món đồ gia dụng như tủ lạnh hay điều hoà - theo hãng tin Bloomberg.
Điều này sẽ trái ngược với những gì xảy ra vào năm 2016, khi quyết định của Chính phủ Ấn Độ rút một lượng lớn tiền mặt khỏi lưu thông đã dẫn tới việc người dân nước này xếp hàng dài ngoài các ngân hàng và máy ATM để rút tiền mặt.
Việc người dân mua mạnh tài sản “có thể giúp hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế vì tiêu dùng tăng lên”, nhà kinh tế Ankita Pathak thuộc DSP Investment Managers nhận định trong một cuộc trao đổi với Bloomberg TV. “Nhưng nhìn chung, nếu nhìn vào môi trường vĩ mô, thì việc người dân tăng cường tiêu dùng có thể liên quan nhiều hơn tới các yếu tố nền tảng trong nền kinh tế”.
Hôm thứ Sáu, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) cho người dân thời hạn đến ngày 30/9 để gửi tiền mệnh giá 2.000 Rupee vào ngân hàng hoặc đổi sang tiền mệnh giá khác. Lý do được đưa ra cho động thái này là “chính sách đồng tiền sạch” của RBI - một sáng kiến nhằm giữ cho mỗi đồng tiền mặt trong lưu thông đều ở trong trạng thái sạch sẽ và có thể sử dụng.
Ngày thứ Hai, Thống đốc RBI Shktikanta Das nhắc lại lập trường trên, nói rằng động thái của RBI là một phần trong chính sách quản lý tiền tệ của ngân hàng trung ương. “Mọi người thường ngại tờ 2.000 Rupee. Có thể là sau thông báo mới nhất, mọi người càng ngại hơn”, ông Das nói với phóng viên tại một cuộc họp báo ở New Delhi.
Lượng tiền được rút khỏi lưu thông trong đợt đổi tiền này sẽ chiếm khoảng 10,6% tổng số tờ tiền mặt đang được lưu thông ở Ấn Độ, nên ảnh hưởng được cho là sẽ không lớn. Hồi năm 2016, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai chiến dịch phi tiền mặt hoá nền kinh tế, rút 86% tiền mặt khỏi hệ thống, gây ra một hệ quả là nền kinh tế sụt tốc mạnh.
“Với đồng mệnh giá 2.000 Rupee vẫn là một phương tiện thanh toán hợp pháp, nên động thái này có thể thúc đẩy tiêu dùng, không giống như việc phi tiền mặt hoá”, một báo cáo của ngân hàng Kotak Mahindra Bank nhận định. “Những đồng 2.000 Rupee mà người sở hữu không gửi vào ngân hàng có thể được dùng để mua những thứ giá trị cao như vàng, trang sức, thiết bị gia dụng và bất động sản”.
Truyền thông Ấn Độ đã đưa tin về việc người dân đổ xô đi mua vàng ở New Delhi vào cuối tuần vừa rồi, và các tiệm trang sức đưa ra mức giá cao hơn. Khách mua có thể được giao hàng chậm vì lượng đơn hàng tăng mạnh.
Việc người dân bấy lâu nay ngại tiết lộ lượng tiền mặt mà họ nắm giữ có thể dẫn tới “tình trạng tăng vọt ban đầu của hoạt động chi tiêu” sau động thái của RBI - theo nhà kinh tế Samiran Chakraborty của Standard Chartered Bank.
Tuy nhiên, việc giá vàng tăng sau khi Ấn Độ quyết định rút đồng tiền mệnh giá lớn nhất khỏi lưu thông hiện mới chỉ xảy ra ở nước này. Trong khi đó, giá vàng thế giới vẫn đang trong xu hướng giảm từ tuần trước, trong bối cảnh đồng USD tăng giá vì giới đầu tư quốc tế giảm đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Sáng nay (23/5), giá vàng thế giới giảm về vùng 1.960 USD/oz, mất khoảng 100 USD/oz so với đỉnh giá của 1 năm thiết lập cách đây ít tuần.
Giá vàng ở Ấn Độ vào ngày thứ Hai lập kỷ lục 62.000 Rupee/10 gram, phá vỡ kỷ lục cũ là mức 61.845 Rupee/10 gram thiết lập cách đây chưa lâu. Một số điểm giao dịch thậm chí áp mức giá 65.000 Rupee/10 gram đối với những giao dịch mà bên mua trả bằng đồng 2.000 Rupee.
Giá vàng bán lẻ ở Ấn Độ đang cao hơn khoảng 3 USD/oz so với giá vàng chính thức (tính bằng giá quốc tế cộng thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ), từ chỗ thấp hơn 5 USD/oz trong tuần trước. Tuy nhiên, chênh lệch này vẫn còn thấp nếu so với hồi năm 2016.
“Hiện vẫn chưa xảy ra cơn sốt mua vàng như đợt đổi tiền hồi năm 2016”, một nhà kinh doanh vàng ở Mumbai nói với hãng tin Reuters.