13:54 09/01/2023

Đông Sơn sẵn sàng cho hành trình mới

Thiên Anh

Lãnh đạo huyện Đông Sơn chia sẻ nhiều kết quả hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của địa phương trước thềm năm mới 2023, năm mà Đông Sơn sẽ chính sáp nhập vào thành phố Thanh Hóa...

Các tuyến đường giao thông nông thôn tại Đông Sơn được đầu tư khang trang
Các tuyến đường giao thông nông thôn tại Đông Sơn được đầu tư khang trang

Đông Sơn là huyện cửa ngõ phía Tây thành phố Thanh Hóa. Theo kế hoạch năm 2023, Đông Sơn sẽ nhập vào thành phố Thanh Hóa. Trước khi địa phương này được "xóa sổ", lãnh đạo huyện Đông Sơn đã chia sẻ nhiều thông tin tích cực với các cơ quan thông tấn, báo chí trong buổi gặp gỡ cuối năm. 

Ông Lê Trọng Thụ, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Đông Sơn
Ông Lê Trọng Thụ, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Đông Sơn

Năm 2022, huyện Đông Sơn đã hoàn thành 30/30 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị theo Nghị quyết năm 2022, trong đó có 22 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức, 1 chỉ tiêu đúng hướng, 7 chỉ tiêu đạt kế hoạch, một số chỉ tiêu đứng trong tốp đầu toàn tỉnh.

Phong trào xây dựng nông thôn mới nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị kiểu mẫu đạt nhiều kết quả tích cực, tạo sự lan toả rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Năm 2022, toàn huyện có thêm 19 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; các xã: Đông Ninh, Đông Quang đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Đông Khê đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Ông Lê Trọng Thụ, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Đông Sơn, cho biết huyện đã thu ngân sách trong năm hơn 2700 tỷ đồng, đạt 424% kế hoạch tỉnh giao. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản được quan tâm chỉ đạo. Trong năm đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng 24 dự án, khởi công 69 dự án, tiếp tục hoàn thành thủ tục đầu tư và tiến hành lựa chọn nhà thầu đối với 89 dự án. Các dự án đang triển khai được tập trung chỉ đạo, đảm bảo đúng tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch.

Người đứng đầu Đảng bộ huyện Đông Sơn gọi những nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong huyện trong thời gian qua là “cuộc cách mạng cuối cùng”. Bởi vì trong năm 2023, Đông Sơn sẽ nhập vào thành phố Thanh Hóa.

Ông Thụ cho biết nổi bật trong số đó là cuộc cách mạng về hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã. Trước đây, các tuyến đường giao thông này thường rất nhỏ, lòng đường chỉ rộng vài mét. Tuy nhiên, hiện nay, sau một quá trình dài vận động người dân hiến đất làm đường, các tuyến đường đều rộng trên 6m, cán nhựa, đổ bê tông khang trang sạch sẽ.

“Cách làm của chúng tôi là đặc biệt kiên trì, mưa dầm thấm đất, lấy chính người dân để vận động người dân. Ví dụ như tại xã Đông Tiến, người dân ủng hộ đến đâu chúng tôi làm đường ngay tới đó. Có nhiều hộ chưa thông, chúng tôi để lại. Sau khi đường mới hình thành, những hộ dân đó thấy được hàng xóm nhà mình có đường lớn chạy qua, sạch sẽ, khang trang trong khi đoạn đường qua nhà mình vẫn là nút cổ chai, trời mưa lầy lội, nhếch nhác thì họ tự nguyện hiến đất để chính quyền làm đường. Chính những người dân, những người hàng xóm, láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau vận động sẽ hiệu quả hơn nhiều so với cán bộ tuyên truyền.

Với cách làm kiên trì, thấu lý đạt tình như vậy, chỉ trong vài năm huyện Đông Sơn đã hoàn thành cuộc cách mạng về hạ tầng giao thông nông thôn. Nhiều xã đã đủ tiêu chí lên phường”, ông Thụ chia sẻ.

Năm 2023, huyện Đông Sơn sẽ nhập vào thành phố Thanh Hóa. Chưa rõ, thành phố mới sẽ có tên gọi là gì. Tuy nhiên, nếu như danh xưng Đông Sơn mất đi cũng sẽ làm nhiều người tiếc nuối. Bởi vì đó là cái nôi của một nền văn hóa rực rỡ thời kì đồ đồng đã được cả thế giới công nhận.

Văn hóa Đông Sơn là biểu tượng của nền văn minh sông Mã, phát triển rực rỡ tạo nên sự nhà đời của nhà nước văn minh đầu tiên của người Việt cổ. Đặc biệt những đồ đồng thuộc trung tâm Đông Sơn mà đỉnh cao là kỹ thuật đúc trống đồng là tiêu chí để nhận biết cho đồ đồng thuộc các loại hình địa phương khác hay để phân biệt giữa Đông Sơn với những nền văn minh kim khí khác.