12:12 02/12/2021

Dòng tiền “teo tóp”, chỉ số “bập bênh” với cổ phiếu trụ

Kim Phong

Giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay đã tụt xuống mức thấp kỷ lục mới trong vòng 6 tuần, lần đầu tiên dưới ngưỡng 15 ngàn tỷ đồng. VN-Index trồi lên sụt xuống cả buổi do các cổ phiếu vốn hóa lớn thay nhau “đánh võng”...

Vn30-Index đánh võng liên tục vì giá các cổ phiếu trong rổ rất thiếu ổn định do có thanh khoản thấp.
Vn30-Index đánh võng liên tục vì giá các cổ phiếu trong rổ rất thiếu ổn định do có thanh khoản thấp.

Giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay đã tụt xuống mức thấp kỷ lục mới trong vòng 6 tuần, lần đầu tiên dưới ngưỡng 15 ngàn tỷ đồng. VN-Index trồi lên sụt xuống cả buổi do các cổ phiếu vốn hóa lớn thay nhau “đánh võng”.

Thanh khoản giảm một phần đến từ sự bất ổn chung khi chứng khoán thế giới đêm qua lại có thêm một phiên đảo chiều chóng mặt, từ tăng mạnh thành giảm sâu. Sáng nay các hợp đồng tương lai chỉ số đã phục hồi, nhưng sự trồi sụt này đã khiến sự nhiệt tình giao dịch giảm đi đáng kể.

Tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX sáng nay chỉ đạt 14.907 tỷ đồng, giảm 9% so với sáng hôm qua và thấp nhất trong 6 tuần. HoSE giảm giao dịch tới 11%, chỉ còn gần 12.952 tỷ đồng. Dòng tiền nguội lạnh ở tất cả các nhóm cổ phiếu, dù HoSE vẫn có 12 mã kịch trần, HNX cũng 12 mã và UpCOM có 14 mã.

Hiện tượng giảm giao dịch cũng xuất hiện ở các nhóm ngành “hot” nhất. Giao dịch dẫn đầu các thị trường là SSI cũng chỉ đạt 698,6 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu chứng khoán phần lớn giảm giá, chỉ có 6 mã trên cả 3 sàn tăng hơn 1%, VIG và APG kịch trần. VCI tăng 1,02% còn SSI và VND tăng quá nhẹ.

Nhóm ngân hàng thanh khoản “khủng” nhất là TCB, chỉ đạt 260,5 tỷ đồng. Mã thanh khoản thứ hai trong nhóm là VPB, giao dịch 226,8 tỷ đồng. Đây là nhóm cổ phiếu gây bất ngờ chiều qua và sáng nay hầu hết cũng tăng. Tuy nhiên TPB tăng 1,55%, VCB tăng 1,31% là duy nhất đáng kể.

Mặt bằng thanh khoản quá thấp khiến cho biến động giá cổ phiếu diễn ra liên tục sáng nay. VN-Index có tới 2 nhịp lao dốc về sát tham chiếu, gần như trùng khớp với biến động giật cục ở VCB. Cổ phiếu này xanh đỏ rất thất thường, đôi khi chỉ với vài ngàn cổ phiếu trong một lệnh mua bán. Chẳng hạn mức tăng chốt phiên sáng 1,31% của VCB chỉ là kết quả của một giao dịch 500 cổ phiếu mua lên dư bán gần nhất là 100.300 đồng, trong khi dư mua gần nhất là mức tham chiếu 99.000 đồng. Vì vậy nếu có nhà đầu tư nào “lỡ tay” bán ra 100 cổ thì VCB sẽ lại tụt về tham chiếu bất kỳ lúc nào, thậm chí bán hơn 3.300 cổ thì giá còn đỏ.

MSN cũng là cổ phiếu đang chi phối VN-Index với mức tăng 1,4%, nhưng thực tế cung chỉ nhờ 1 giao dịch 900 cổ quét qua các bước giá từ 150.300 đồng lên 152.000 đồng.

Giá chốt của nhóm blue-chips cũng không kém, nhưng bước giá chênh lệch rộng nên thiếu độ tin cậy.
Giá chốt của nhóm blue-chips cũng không kém, nhưng bước giá chênh lệch rộng nên thiếu độ tin cậy.

VN30-Index yếu hơn đáng kể so với VN-Index, sáng nay còn có 2 nhịp giảm hẳn xuống dưới tham chiếu. Chỉ số này chốt phiên tăng không đáng kể 0,04%, dù có 18 mã tăng/10 mã giảm. Các cổ phiếu tăng giá hầu hết trong tình trạng giao dịch cuối cùng với khối lượng rất nhỏ, đại đa số là vài trăm cổ một lệnh. VN-Index tăng khá hơn với 0,25% do tác động tốt từ VCB, MSB, SAB, trong khi ảnh hưởng của VPB lại thấp.

Độ rộng sàn HoSE cuối phiên sáng vẫn cân bằng với 212 mã tăng/237 mã giảm. Tuy nhiên với mức thanh khoản chung quá thấp và nhất là các lệnh mua bán làm tăng giá có khối lượng quá nhỏ, khoảng cách giữa các bước giá rộng, tình trạng giá có thể thay đổi bất kỳ lúc nào chỉ với một giao dịch tối thiểu.

Thanh khoản sụt giảm rất nhanh gần đây chủ yếu phản ánh tâm lý thận trọng. Chỉ trong vài ngày, hàng chục ngàn tỷ đồng không thể “bốc hơi” được mà vẫn nằm trong tài khoản bình thường, chỉ là nhà đầu tư không muốn “xuống tiền”.

Tình trạng giảm giao dịch xuất hiện ở tất cả các nhóm nhà đầu tư. Khối ngoại sáng nay giải ngân 471,2 tỷ đồng trên HoSE, chỉ chiếm 3,5% tổng thanh khoản sàn này. Mức bán ra khoảng 955 tỷ đồng, chiếm 7,2%. Giá trị bán ròng tương đương hơn 484 tỷ đồng. HPG bị bán ròng lớn nhất với 65,7 tỷ, DXG -61 tỷ, KBC -43 tỷ, CII -39 tỷ, MSN -36 tỷ. Các mã SSI, HCM, VCB và chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng quanh 20 tỷ đồng. Phía mua ròng lớn nhất là VHM cũng chỉ có hơn 11 tỷ đồng.