13:00 01/08/2022

Dòng vốn đầu tư chảy vào thị trường Crypto

Phan Anh

Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có 1.120 thương vụ gọi vốn được công bố, với hơn 28,8 tỷ USD tổng giá trị các khoản đầu tư vào thị trường tiền điện tử Crypto (tiền kỹ thuật số) trên toàn cầu. Với những xu thế hiện nay, thị trường gọi vốn Crypto trong thời gian tới sẽ diễn biến theo chiều hướng nào? Đâu sẽ là những lĩnh vực sẽ hút dòng tiền từ các quỹ, nhà đầu tư?...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo số liệu từ website của Dovemetrics và team Coin98 Insights, 6 tháng đầu năm 2022 số thương vụ gọi vốn trên thị trường Crypto tính trung bình mỗi tháng là 186. Con số này tăng dần từ tháng 1 đến tháng 4 và đạt mức cao nhất là 219 thương vụ vào tháng 4. Vào tháng 5 và 6, con số này giảm dần xuống còn 214 và 182 thương vụ.

Cùng với số lượng thương vụ cao nhất, trong tháng 4, giá trị gọi vốn cũng đạt đỉnh cao nhất, đạt mức 6,8 tỷ USD. Tiếp theo là tháng 1 với giá trị gọi vốn 5,3 tỷ USD, tháng 2 là 4,7 tỷ USD. Đến tháng 6/2022, tổng giá trị gọi vốn của thị trường đạt 3,6 tỷ USD. Nhìn chung, trong khi số vòng đầu tư mỗi tháng đang tăng lên thì giá trị của mỗi vòng gọi vốn lại đang giảm dần.

BLOCKCHAIN, GAMEFI, NFT, METAVERSE HÚT NHÀ ĐẦU TƯ

Diễn biến xu hướng trên thị trường trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy mối tương quan giữa giá Bitcoin BTC và dòng tiền trên thị trường gọi vốn. Đại diện Coin98 nhận xét, dù thị trường Crypto đang bị ảnh hưởng chung từ kinh tế vĩ mô, dẫn đến giá trị các thương vụ đầu tư có phần giảm nhưng vẫn nhận thấy nhiều điểm tích cực thông qua số lượng các thương vụ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2021 (615 thương vụ) và giá trị các vòng gọi vốn gấp gần 3 lần (nửa đầu 2021 là 11 tỷ USD). Tổng số tiền được gọi vốn và số thương vụ trong 6 tháng đầu năm 2022 cao hơn khoảng 30% so với nửa cuối năm 2021.

 
Trong 6 tháng đầu năm 2022, số thương vụ ở danh mục GameFi, NFT và Metaverse là 309 (chiếm 27%), trong khi giá trị các lần gọi vốn là 5,4 tỷ USD (20% tổng giá trị thị trường gọi vốn). Vì vậy, các dự án tại Việt Nam nếu liên quan đến danh mục trên vẫn có thể kỳ vọng đón nhận được dòng vốn lành mạnh tương tự thị trường toàn cầu.

Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 4 là giai đoạn mà giá trị của các dự án có xu hướng giảm nhưng việc số thương vụ tăng đều, cao nhất là 219 thương vụ vào tháng 4 cho thấy các quỹ vẫn tiếp tục đồng hành và tin tưởng vào thị trường. Họ xem đây là cơ hội thay vì xem các chỉ báo giảm giá là tín hiệu tiêu cực. Đến tháng 5-6, do ảnh hưởng chung từ thị trường vĩ mô, nguồn vốn đầu tư có dấu hiệu chững lại nhưng không đáng kể khi số thương vụ vẫn đạt 214 (tháng 5) và 182 (tháng 6), đại diện Coin98 nói.

Tuy nhiên, chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/ VnEconomy, ông Trần Xuân Tiến, đại diện truyền thông Coin98, cho rằng đây không phải lĩnh vực mà các dự án tại Việt Nam tập trung hưởng lợi bởi số lượng Blockchain layer 1/layer 2 và cơ sở hạ tầng Blockchain trong nước chưa thật sự chiếm tỷ trọng cao.

Thay vào đó, các dự án tại Việt Nam đa phần là về NFT, Gaming… Danh mục đầu tư này được ghi nhận đã nhận được rất nhiều khoản đầu tư ở giai đoạn sớm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng các thương vụ ở trong danh mục GameFi, NFT và Metaverse là 309 thương vụ (chiếm 27% tổng số các thương vụ), trong khi giá trị của các lần gọi vốn đó là 5,4 tỷ USD (20% tổng giá trị thị trường gọi vốn). Vì vậy, theo ông Tiến, “các dự án tại Việt Nam nếu liên quan đến danh mục trên vẫn có thể kỳ vọng đón nhận được dòng vốn lành mạnh tương tự thị trường chung toàn cầu”.

Dòng vốn đầu tư chảy vào thị trường Crypto - Ảnh 1

Cùng với Blockchain, lĩnh vực GameFi, NFT và Metaverse nhận được nhiều khoản đầu tư ở giai đoạn sớm. Sáu tháng đầu năm 2022, số lượng các thương vụ ở trong danh mục GameFi, NFT và Metaverse là 309 thương vụ (chiếm 27% tổng số các thương vụ), trong khi giá trị của các lần gọi vốn đó là 5,4 tỷ USD (20% tổng giá trị thị trường gọi vốn). Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới, chỉ nhận được chú ý của cộng đồng từ sự thành công do Axie Infinity đem lại. Do đó, mặc dù số lượng nhiều nhưng chỉ có một số thương vụ lớn, còn lại hầu hết các thương vụ gọi vốn có giá trị thấp, ở giai đoạn đầu (trước Series A).

Đối với các dự án CeFi (tài chính tập trung), nửa đầu năm 2022 có 164 khoản đầu tư với tổng giá trị là 8,6 tỷ USD. Có 1 khoản đầu tư trị giá hơn 1 tỷ USD và 25 khoản đầu tư có giá trị cao hơn 100 triệu USD. Số lượng các dự án đã gọi vốn và giá trị mỗi vòng trong danh mục CeFi đang tăng lên. Theo các chuyên gia, CeFi là một danh mục nhận được nhiều sự quan tâm từ các quỹ và các nhà đầu tư lớn.

Trong khi đó, DeFi (tài chính phi tập trung) đang ít nhận được sự quan tâm và tiền từ các quỹ và các nhà đầu tư lớn, mặc dù đây là hạng mục thu hút nhất trong năm 2021. Quy mô trung bình của mỗi vòng đầu tư trong danh mục DeFi là khoảng 10 triệu USD, thấp hơn nhiều so với toàn thị trường nói chung (khoảng 25 triệu USD) và của CeFi nói riêng (50 triệu USD). Tổng giá trị gọi vốn ở danh mục DeFi là 2,4 tỷ USD, với 229 khoản đầu tư, lần lượt chiếm 9% và 20% tổng số thị trường gây quỹ.

DỰ BÁO SỐ THƯƠNG VỤ GỌI VỐN VÀ GIÁ TRỊ SẼ GIẢM

Qua các con số, dữ liệu được thu thập và phân tích, các chuyên gia nhận xét, dòng tiền vào thị trường trong nửa đầu năm 2022 đang giảm dần so với nửa cuối năm 2021 (chỉ có 842 thương vụ với tổng giá trị là 22,6 tỷ USD).

Về phía các quỹ đầu tư, quy mô trung bình mỗi vòng gọi vốn của quỹ là 500 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với nửa cuối năm 2021. Ngày càng có nhiều quỹ huy động vốn để đầu tư nhiều hơn vào thị trường Crypto đã cho thấy dấu hiệu dòng tiền không ngừng đổ vào thị trường tiền điện tử.

Dòng vốn đầu tư chảy vào thị trường Crypto - Ảnh 2

Dựa trên hiện trạng của thị trường, các chuyên gia dự đoán, trong 6 tháng cuối năm 2022, tổng số thương vụ gọi vốn và giá trị của chúng sẽ giảm do điều kiện thị trường. Lĩnh vực CeFi, Blockchain và cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Lĩnh vực DeFi sẽ giảm số lượng các vòng nhưng các dự án mới của GameFi và NFTs vẫn có thể thu hút các nhà đầu tư sớm đầu tư vào giai đoạn đầu (vòng hạt giống- Seed, tiền hạt giống- Pre-Seed) của dự án.

 
Dự báo 6 tháng cuối năm 2022, tổng số thương vụ gọi vốn và giá trị sẽ giảm do điều kiện thị trường. Lĩnh vực CeFi, Blockchain và cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Đối với các quỹ đầu tư, giai đoạn từ cuối 2021 đến nay, nhiều quỹ đầu tư lớn đã kêu gọi được nguồn vốn khủng. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, các quỹ sẽ đối diện với áp lực phải thực hiện các thương vụ đầu tư. Tần suất và chất lượng các thương vụ sẽ vẫn được đảm bảo; từ đó tạo giá trị tích cực chung cho toàn thị trường. Tuy vậy, những ảnh hưởng về kinh tế vĩ mô vẫn có thể tác động đến tình hình chung.

Chia sẻ vấn đề này, ông Cris D. Trần, Giám đốc điều hành Quỹ Khởi nghiệp quốc gia Việt Nam, Giám đốc chiến lược Tập đoàn Huobi Global tại Việt Nam, nhận định khi thị trường đang downtrend sẽ ảnh hưởng lớn tới các quỹ đầu tư bởi họ sẽ phải xem xét lại hệ thống danh mục đầu tư của mình, phải chắt chiu, lựa chọn dự án.

Riêng thị trường Việt Nam, ông Tiến cho rằng sẽ tiếp tục nằm trong ảnh hưởng chung của thị trường toàn cầu. Nguồn vốn toàn cầu đang chảy vào thị trường Crypto tập trung vào cơ sở hạ tầng. Đây là khoản đầu tư dài hạn bởi đội ngũ dự án rất cần thời gian để sử dụng vốn, phát triển sản phẩm. Mức độ lành mạnh của dòng vốn là rất tốt, phù hợp cho những dự án cần thời gian để hoàn thiện chỉn chu sản phẩm.

Trong khi đó, các lĩnh vực liên quan đến người dùng cuối là thế mạnh của Việt Nam như NFT, Gaming, Metaverse được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng mới nếu có ứng dụng được người dùng đón nhận. Tuy nhiên, khó khăn vẫn là việc tìm kiếm người dùng. Trong thị trường Uptrend, người dùng sẽ dễ dàng hơn khi quyết định tham gia đầu tư và trải nghiệm. Còn khi thị trường downtrend, người dùng sẽ khá thận trọng khi đưa ra các quyết định. Tuy vậy, các “trái ngọt từ DeFi Summer” hứa hẹn sẽ giúp thị trường nửa cuối năm 2022 trở nên sôi động và thu hút người dùng hơn, ông Tiến dự báo.