07:31 10/02/2009

Dow Jones mất điểm vì khối năng lượng

Duy Cường

Ngày 9/2, chỉ số Dow Jones đã giảm điểm trong ngày đầu tuần trước diễn biến giao dịch thận trọng trên thị trường Mỹ

Trong ngày, giới đầu tư đã đổ dồn sự tập trung vào kết quả cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện, chính vì vậy diễn biến của thị trường đã không tạo nên những đột phá thường thấy trước đó - Ảnh: Reuters.
Trong ngày, giới đầu tư đã đổ dồn sự tập trung vào kết quả cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện, chính vì vậy diễn biến của thị trường đã không tạo nên những đột phá thường thấy trước đó - Ảnh: Reuters.
Ngày 9/2, chỉ số Dow Jones đã giảm điểm trong ngày đầu tuần trước diễn biến giao dịch thận trọng trên thị trường Mỹ.

Hôm thứ Hai, kế hoạch mới giải cứu khối ngân hàng đã không được công bố như thông báo trước đó, do Chính phủ Mỹ muốn tập trung vào cuộc bỏ phiếu của Thượng viện về kế hoạch kích thích kinh tế.

Trong ngày, giới đầu tư đã đổ dồn sự tập trung vào kết quả cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện, chính vì vậy diễn biến của thị trường đã không tạo nên những đột phá thường thấy trước đó.

Và khi thị trường kết thúc ngày giao dịch, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu mở đường cho việc thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 827 tỷ USD với 61 phiếu thuận và 36 phiếu chống.

Trước đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói kích thích kinh tế này trị giá 819 tỷ USD, sau nhiều lần thương lượng, các thượng nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Thượng viện đã đạt được thỏa thuận với mức tăng ngân sách lên cao hơn ở Hạ viện, đồng thời đối tượng được nhận hỗ trợ cũng như số tiền đã có những điều chỉnh so với phiên bản được Hạ viện thông qua.

Dù kết quả 61 phiếu thuận này chỉ vượt tối thiểu 1 phiếu so với mức yêu cầu nhưng nó cũng đã mở đường cho thành công bước đầu đối với chính quyền của Tổng thống Obama. Dự kiến, tổng thống Mỹ sẽ ký quyết định thông qua gói kích thích kinh tế vào trung tuần tháng này, nếu kế hoạch này được Thượng viện bỏ phiếu chính thức thông qua.

Giao dịch thận trọng

Liên quan đến kết quả kinh doanh của hãng điều hành thị trường chứng khoán New York, NYSE Euronext vừa cho biết trong quý 4/2008, hãng đã bị thua lỗ 1,34 tỷ USD, tương đương 5,06 USD/cổ phiếu. Quý 4/2007, NYSE Euronext đã thu về 173 triệu USD, tương đương 65 cent/cổ phiếu.

Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu của NYSE Euronext (NYX-NYSE) đã giảm 5,2% xuống 21,71 USD/cổ phiếu.

Một ngày trước khi kế hoạch mới về gói giải cứu khối tài chính được công bố, cổ phiếu khối ngân hàng đã tăng 2,57%. Thực tế, nguồn chi trong gói này chính là khoản tiền 350 tỷ còn lại trong “Chương trình giải trừ các tài sản xấu – TARP”, điểm khác biệt lần này chính là phương thức và đối tượng mở rộng có thể được nhận gói hỗ trợ này.

Cổ phiếu Bank of America đã tăng 12,7% lên 6,91 USD/cổ phiếu, cổ phiếu Citigroup lên 4,1%, cổ phiếu.

Chỉ số Dow Jones và Nasdaq đã mất điểm trong ngày giao dịch đầu tuần trong khi chỉ số S&P 500 tăng điểm với biên độ không đáng kể. Biên độ dao động trong khoảng +/-0,8% cho thấy tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước thời điểm bỏ phiếu ở Thượng viện.

Kết thúc phiên giao dịch, các chỉ số đã không có nhiều biến chuyển so với phiên trước đó dù đà tăng giảm đã bị phân hóa ở các chỉ số.

Chỉ số Dow Jones phiên này bị mất điểm do ảnh hưởng từ sự giảm điểm của cổ phiếu khối năng lượng và cổ phiếu Coca-Cola (-2,9%) - bất chấp phiên tăng điểm của cổ phiếu khối tài chính.

Trong phiên đầu tuần, giá dầu đã giảm xuống dưới 40 USD/cổ phiếu nên đã kéo cổ phiếu ExxonMobil hạ 1,1% xuống 79,48 USD/cổ phiếu, cổ phiếu Chevron đã mất 0,64%.
Dow Jones mất điểm vì khối năng lượng - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến ba chỉ số chứng khoán chính ở Mỹ trong ngày 9/2 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 9/2: chỉ số Dow Jones giảm 9,72 điểm, tương đương -0,12%, chốt ở mức 8.270,87.

Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 0,15 điểm, tương đương -0,01%, chốt ở mức 1.159,56.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 lên 1,29 điểm, tương đương 0,15%, đóng cửa ở mức 869,89.

Chứng khoán châu Âu tăng phiên thứ 4 trong 5 phiên

Ngày 9/2, ngân hàng lớn thứ ba của Anh (xét về mặt tài sản) Barclays công bố lợi nhuận ròng trong 6 tháng kết thúc vào ngày 31/12/2008 đạt 2,66 tỷ Bảng, tương đương 31,3  pence /cổ phiếu - tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh này đã vượt mức dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó.

Chứng khoán châu Âu đã tăng điểm phiến thứ tư trong năm phiên qua, với sự dẫn dắt của cổ phiếu Barclays, cổ phiếu khối ngành bảo hiểm và năng lượng.

Với kết quả kinh doanh vượt mong đợi, cổ phiếu Barclays đã tăng 10,9%; cổ phiếu Deutsche Bank lên 6,1%, cổ phiếu Commerzbank tiến thêm 8,5%. Các cổ phiếu của nhiều hãng bảo hiểm như Allianz, AXA, Prudential và Zurich Financial tăng từ 4,1-5,7%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 15,74 điểm, tương đương 0,37%, chốt ở mức 4.307,61.

Chỉ số CAC 40 của Pháp lên 0,39%, trong khi chỉ số DAX của Đức tiến thêm 0,48%.

Chứng khoán châu Á: Nửa xanh, nửa đỏ

Hai nửa đối lập là diễn biến của thị trường chứng khoán châu Á trước thời điểm Thượng viện Mỹ sắp bỏ phiếu về gói kích thích kinh tế cũng như việc lùi thời điểm thông qua gói giải cứu mới khối ngân hàng.

Thông tin mới nhất từ Mỹ cho hay, chính quyền của Tổng thống Obama vừa thông báo về việc hoãn công bố kế hoạch giải cứu khối ngân hàng Mỹ sang ngày thứ Ba, thay vì thứ Hai như đã thông báo.

Thông tin này ngay lập tức đã tác động tiêu cực tới nhiều thị trường chứng khoán khu vực, khiến sắc đỏ bao phủ thị trường Nhật, Hàn Quốc, Singapore.

Trong khi đó, các thị trường khác như Đài Loan, Australia, Trung Quốc vẫn duy trì sắc xanh khi kết thúc ngày giao dịch nhờ gói kích thích kinh tế của trị giá 780 tỷ USD sắp đượng thông qua ở Mỹ.

Riêng thị trường Hồng Kông đã bất ngờ có phiên đảo chiều lên điểm trong hai giờ cuối ngày giao dịch.

Như vậy có thể thấy, các thị trường châu Á đã có sự phân hóa rõ ràng trước những thông tin tốt và xấu từ một thị trường.

Chứng khoán Nhật đã mất điểm phiên đầu tuần do đồng Yên lên giá đẩy cổ phiếu nhiều hãng xuất khẩu giảm điểm, trong khi đó thông tin hoãn thông qua kế hoạch giải cứu khối ngân hàng ở Mỹ đã tác động mạnh tới khối tài chính Nhật.

Cổ phiếu Nomura Holdings đã giảm 14,3% sau khi hãng thông báo về việc tăng vốn thêm 3,3 tỷ USD thông qua việc phát hành cổ phiếu, cũng góp phần đẩy thị trường đi xuống.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của Sumitomo Mitsui Financial Group hạ 3,7%, cổ phiếu Mizuho Financial Group trượt 3,1%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 107,59 điểm, tương đương 1,33%, chốt ở mức 7.969,03. Khối lượng giao dịch đạt 1,9 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 5 mã giảm điểm thì có 1 mã lên điểm.

Chuyển qua thị trường khác, cơ quan thống kê Ấn Độ vừa đưa ra dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 7,1% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 31/3/2009 - mức thấp nhất kể từ năm 2003. Trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 31/3/2008, kinh tế Ấn Độ đã tăng 9,3%.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số BSE 30 đã tăng 225,54 điểm, tương đương 2,42%, chốt ở mức 9.526,4. 

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan lên 0,52%. Chỉ số Straits Times của Singapore mất 1,63%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc hạ 0,63%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến thêm 0,84%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc lên 1,99%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 8.280,59 8.270,87  Down    9,72  Down0,12
Nasdaq 1.591,71 1.591,56  Down    0,15 Down0,01
S&P 500 868,60 869,89 Up    1,29 Up0,15
Anh FTSE 100 4.291,87 4.307,61  Up  15,74 Up0,37
Đức DAX 4.644,63 4.666,82  Up  22,19 Up0,48
Pháp CAC 40 3.122,79 3.134,87  Up  12,08 Up0,39
Đài Loan Taiwan Weighted 4.471,25 4.494,59 Up  23,34 Up0,52
Nhật Nikkei 225 8.076,62 7.969,03 Down107,59 Down1,33
Hồng Kông Hang Seng 13.655,00 13.769,06 Up114,02 Up0,84
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.210,26 1.202,69 Down    7,57 Down0,63
Singapore Straits Times 1.711,42 1.687,45  Down  27,90 Down1,63
Trung Quốc Shanghai Composite 2.181,24 2.224,71 Up  43,47 Up1,99
Ấn Độ BSE 30 9.274,35 9.526,40  Up225,54 Up2,42
Australia ASX 3.407,50 3.445,80 Up  38,30 Up1,12
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg