Dow Jones tăng 6 phiên liên tiếp, giá dầu hồi phục sau dữ liệu của Mỹ
Sau đợt giảm trong tháng 4 vì nỗi lo Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, chứng khoán Mỹ đã khởi sắc trong tháng 5 này...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (8/5), với chỉ số Dow Jones ghi nhận chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp, trong bối cảnh nhà đầu tư nhen nhóm lại hy vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể giảm lãi suất trong năm nay. Giá dầu tăng sau dữ liệu thống kê cho thấy lượng dầu tồn trữ của Mỹ bất ngờ giảm.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 172,13 điểm, tương đương tăng 0,44%, đạt 39.056,39 điểm. Từ đầu năm đến nay, đây là chuỗ phiên tăng dài nhất của chỉ số blue-chip gồm 30 thành viên.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,03 điểm, đóng cửa trong trạng thái gần như đi ngang ở mức 5.187,67 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,18%, còn 16.302,76 điểm.
S&P 500 và Nasdaq đương đầu với áp lực giảm từ một số cổ phiếu công nghệ. Cổ phiếu Uber sụt 5,7% sau khi công ty taxi công nghệ này báo khoản lỗ gây bất ngờ và doanh thu yếu hơn dự báo từ mảng đặt xe. Cổ phiếu Intel giảm hơn 2% sau khi hãng chip giảm dự báo doanh thu quý 2.
Cổ phiếu Tesla giảm 1,7% sau khi hãng tin Reuters đưa tin cơ quan công tố Mỹ đang điều tra liệu hãng xe điện này có hành vi gian lận điện tín. Đây là một phần trong cuộc điều tra về hệ thống lái xe tự động Autopilot của Tesla.
“Vấn đề định giá luôn là một thách thức lớn đối với cổ phiếu công nghệ. Trước mùa báo cáo tài chính này, các công ty công nghệ đã đối mặt với kỳ vọng lớn của nhà đầu tư, xét đến cơn sốt AI và sự gia tăng mạnh mẽ về định giá cổ phiếu. Xu hướng tăng của cổ phiếu công nghệ đã chững lại gần đây, khiến nhóm này không còn giữ được vai trò dẫn dắt thị trường. Biến động của nhóm công nghệ đã tăng lên”, nhà phân tích Ross Mayfield của công ty Baird phát biểu.
Trong khi đó, Dow Jones hưởng lợi từ một số cổ phiếu thành viên trong phiên này. Cổ phiếu JPMorgan Chase - ngân hàng lớn nhất Mỹ về giá trị tài sản - tăng hơn 2%.
Sau đợt giảm trong tháng 4 vì nỗi lo Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, chứng khoán Mỹ đã khởi sắc trong tháng 5 này nhờ nhà đầu tư bắt đầu lấy lại được hy vọng rằng Fed rồi sẽ giảm lãi suất trong năm 2024.
Ông Mayfield nhận định thị trường đã trải qua “tất cả những dấu mốc của sự điều chỉnh lành mạnh và cần thiết”, xét đến các yếu tố nền tảng vẫn thuận lợi và sự vững vàng tiếp diễn của nền kinh tế Mỹ.
Phiên này, nhà đầu tư dành sự quan tâm cho phát biểu của một số quan chức Fed. Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, bà Susan Collins, nói lãi suất chính sách của Fed có thể sẽ phải duy trì ở mức hiện tại cho tới khi lạm phát giảm bền vững về mục tiêu 2% của Fed.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 6 tại New York tăng 0,61 USD/thùng, tương đương tăng 0,78%, chốt ở mức 78,99 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 7 tại London tăng 0,42 USD/thùng, tương đương tăng 0,51%, chốt ở 83,58 USD/thùng.
Giá dầu được hỗ trợ sau khi báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu thô tồn trữ thương mại của Mỹ giảm 1,4 triệu thùng trong tuần đầu tiên của tháng 5, thay vì tăng như dự báo trước đó.
Gần đây, giá dầu đương đầu với áp lực giảm vì lượng dầu tồn trữ của Mỹ có xu hướng tăng - một dấu hiệu của nhu cầu suy yếu - và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông dịu đi.
“Các chỉ báo của thị trường dầu đã trở nên yếu hơn trong những tuần gần đây và giá dầu vì thế đã tụt khỏi đỉnh. Thị trường dầu hiện không thắt chặt, nhưng chúng tôi nhận thấy sự khởi sắc mang tính chất mùa vụ trong những tháng tới”, một báo cáo của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley nhận định.
Kể từ mức đỉnh thiết lập vào tháng 4, giá dầu hiện đã giảm khoảng 7%, chủ yếu do phần bù rủi ro địa chính trị Trung Đông giảm bớt. Morgan Stanley đã cắt giảm 4 USD/thùng phần bù rủi ro khỏi dự báo giá dầu trong năm nay.
Tuy nhiên, triển vọng nhu cầu dầu trong mùa hè năm nay vẫn lớn và OPEC+ có thể duy trì việc cắt giảm sản lượng dầu cho tới cuối năm, theo Morgan Stanley. Điều này có thể dẫn tới mức thiếu hụt 2 triệu thùng dầu mỗi ngày trên thị trường dầu toàn cầu trong quý 3 năm nay và giá dầu Brent sẽ trở lại mốc 90 USD/thùng trong mùa hè.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Cuộc họp tiếp theo về sản lượng của nhóm sẽ diễn ra vào ngày 1/6. Hôm thứ Ba tuần này, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói hiện OPEC+ chưa bàn gì tới việc tăng sản lượng khai thác dầu.