18:32 07/05/2024

Nhiều yếu tố đang chống lại đồng yên

An Huy

Nhiều nhà phân tích dự báo đồng yên lại đứng trước khả năng giảm giá về mức 160 yên đổi 1 USD sau khi phục hồi trong tuần vừa rồi...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Đồng yên Nhật Bản suy yếu sau khi phía Mỹ lên tiếng kêu gọi thận trọng trong việc can thiệp vào thị trường ngoại hối. Lời kêu gọi này làm gia tăng kỳ vọng của thị trường rằng đồng yên sẽ tiếp tục đương đầu với áp lực giảm giá do chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ và Nhật Bản.

Ngoài ra, nhiều yếu tố khác cũng đang cản trở khả năng phục hồi của tỷ giá đồng yên.

Nhiều nhà phân tích dự báo đồng yên lại đứng trước khả năng giảm giá về mức 160 yên đổi 1 USD sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nhắc lại rằng Mỹ mong muốn “các cuộc can thiệp vào thị trường ngoại hối là hiếm khi xảy ra và nên có sự tham vấn”.

ĐỒNG YÊN VẪN YẾU NHẤT TRONG NHÓM G10

Phiên giao dịch ngày 7/5 tại thị trường Tokyo, đồng yên có lúc giảm giá còn 154,65 yên đổi 1 USD. Hôm thứ Sáu, đồng yên tăng giá tới mức 151,86 yên đổi 1 USD, cao nhất kể từ hôm 10/4, do số liệu việc làm xấu hơn dự báo của Mỹ đặt áp lực mất giá lên đồng bạc xanh. Ngoài ra, đồng yên trước đó đã hồi giá mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bị nghi đã bán ra khoảng 58 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.

Cuộc can thiệp được cho là đã có này diễn ra sau khi đồng yên giảm giá quá mức 160 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất 34 năm, vào đầu tuần trước.

Đến hiện tại, Bộ Tài chính Nhật Bản vẫn chưa đưa ra bất kỳ một tuyên bố nào nhằm khẳng định hay phủ định thông tin có sự can thiệp vào thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, quan chức cấp cao nhất phụ trách vấn đề tỷ giá của Bộ Tài chính Nhật, ông Masato Kanda, ngày 7/5 nhắc lại quan điểm rằng Chính phủ nước này “sẽ tiếp tục phương pháp tiếp cận chắc chắn” đối với biến động quá mức của tỷ giá đồng yên. Đồng thời, ông Kanda thừa nhận rằng một thị trường ngoại hối vận hành trật tự sẽ không đòi hỏi Chính phủ Nhật Bản phải can thiệp.

“Việc ông Kanda nói rằng không cần phải can thiệp khi thị trường vận hành ổn định là một hàm ý rằng thị trường đang vận hành không ổn định”, nhà kinh tế cấp cao Colin Asher của ngân hàng Mizuho nhận định.

Hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) đối với đồng yên vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, trong bối cảnh Fed không vội hạ lãi suất và BOJ thận trọng với việc thắt chặt sau đợt tăng lãi suất lần đầu tiên trong 17 năm vào tháng 3 vừa qua. Sự trái chiều chính sách tiền tệ này dẫn tới mức chênh lệch lợi suất lên tới 3,6 điểm phần trăm giữa trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài của Mỹ và Nhật Bản.

Một phân tích của ngân hàng đầu tư DBS ước tính rằng thậm chí sau đợt phục hồi vào tuần trước, yên vẫn đang là đồng tiền yếu nhất trong nhóm G10 và đồng yên vẫn đang được “định giá rất cao so với giá trị thật”. “Chúng tôi cho rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục chống lại sự giảm giá quá mức của đồng yên”, báo cáo viết.

“LẦN NÀY, MỌI VIỆC CÓ VẺ KHÓ HƠN”

Lần gần đây nhất Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ là vào tháng 9/2022 - đợt can thiệp đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ. Sau đợt can thiệp đó, đồng yên đã tăng giá ở mức 2 con số so với đồng USD cho tới giữa tháng 1/2023.

Nhưng sau đợt can thiệp bị nghi đã được tiến hành vào tuần trước, một số tổ chức dự báo như RBC Capital Markets và Bank of America đều cho rằng đồng yên sẽ sớm giảm trở lại mức 160 yên/USD vì khoảng cách lợi suất và thâm hụt thương mại sẽ tiếp tục gây sức ép mất giá lên đồng nội tệ của Nhật Bản.

“Sau cuộc can thiệp vào năm 2022, đồng yên đã hồi phục êm ái. Nhưng lần này, mọi việc có vẻ khó hơn”, ông Marito Ueda - trưởng nghiên cứu của công ty SBI Liquidity Market - nhận xét với hãng tin Bloomberg. “Trong đợt can thiệp trước, thị trường đang đồn đoán Mỹ sắp chấm dứt việc tăng lãi suất và triển vọng chính sách tiền tệ không thiếu rõ ràng như bây giờ”.

Cũng theo vị chuyên gia, rất có khả năng mốc 160 yên/USD sẽ bị thử thách thêm lần nữa.

Ông Alvin Tan, trưởng chiến lược ngoại hối châu Á của RBC Capital Markets tại Singapore, nhất trí rằng đồng yên có thể sẽ giảm trở lại mốc 160 do khoảng cách lãi suất lớn, và “ảnh hưởng của việc can thiệp sẽ biến mất tương đối nhanh nếu lãi suất Mỹ không giảm.

Bank of America dự báo Fed sẽ có đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 12 năm nay. “Xét tới việc Fed khó giảm lãi suất vào tháng 9, áp lực mất giá đối với đồng yên sẽ tiếp diễn trong hơn 1 quý nữa”, trưởng chiến lược ngoại hối của BofA Securities Japan, ông Shusuke Yamada, nói với Bloomberg. Ông dự báo đồng yên sẽ lại giảm về 160 yên/USD trong năm nay.

Việc Nhật Bản có mức độ phụ thuộc lớn vào năng lượng nhập khẩu sẽ là một nguồn sức ép mất giá khác đối với đồng yên nếu giá dầu thô tăng, vì khi đó, thâm hụt thương mại có thể tăng lên. Cán cân thương mại điều chỉnh theo các yếu tố mùa vụ của Nhật Bản đã ở trong tình trạng thâm hụt trong khoảng 3 năm liên tiếp.

Trước đây, đồng yên đã có nhiều đợt tăng giá nhờ phát huy vai trò kênh đầu tư an toàn trong các cuộc khủng hoảng, nhưng điều này đã không xảy ra trong năm nay giữa lúc căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông. Thay vào đó, giá dầu tăng do “chảo lửa” Trung Đông nóng lên đang gây sức ép mất giá đối với đồng yên.