09:08 16/06/2009

Dự án bauxite Nhân Cơ: Chưa thăm dò, khai quật khảo cổ học

Hải Hà

Đại biểu Quốc hội lo ngại về các giải pháp giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc Tây Nguyên

Một góc rừng Tây Nguyên.
Một góc rừng Tây Nguyên.
Tại khu vực dự kiến thăm dò quặng bauxite tại xã Nhân Cơ (Đắc Nông), nhân dân địa phương đã phát hiện nhiều di vật thời tiền sử. Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng đã khảo sát và phát hiện di chỉ khảo cổ. Nhưng hiện việc triển khai, thăm dò khảo cổ học ở đây chưa được thực hiện.

Thông tin này được khẳng đinh tại văn bản Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phạm Ý Nhi, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Trong chất vấn, đại biểu Nhi bày tỏ sự lo ngại, vì trong báo cáo của Chính phủ về các dự án bauxite gửi các đại biểu Quốc hội  đã đề cập khá sâu, kỹ về các giải pháp công nghệ, hạ tầng cơ sở, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường… Nhưng riêng về vấn đề giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc Tây Nguyên thì lại quá mỏng.

Theo đại biểu Nhi, giải pháp đối với vấn đề này mới dừng lại ở mức độ chung chung, thiếu tính cụ thể như: “đặt một quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển phong tục, tập quán và giữ gìn bản sắc của đồng bào dân tộc trong quá trình tái định cư”. Trong khi đó Chính phủ đã thừa nhận “sẽ tác động đến đời sống kinh tế, phong tục, tập quán và văn hoá xã hội của một bộ phận nhỏ người dân bản địa”.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã, đang và sẽ triển khai những giải pháp cụ thể gì để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc Tây Nguyên; để giảm thiểu tối đa sự tác động của các dự án đến không gian, cảnh quan văn hoá nơi diễn ra các dự án? Và theo Bộ trưởng có cần tiến hành một cuộc khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tác động của các dự án bauxite đến việc giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc Tây Nguyên, từ đó đề xuất các giải pháp hữu hiệu?”, nữ đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời, năm 2006, theo đề nghị của hai bộ Công nghiệp và Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa và Thông tin (trước đây) đã góp ý cho đề án “Quy hoạch phân vùng điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2025”.

Trong đó nêu rõ, về cơ bản nhất trí tán thành với các nội dung về quan điểm định hướng và mục tiêu phát triển; qui hoạch điều tra thăm dò, khai thác, chế biến và giải pháp thực hiện mà đề án nêu ra. Tuy nhiên cũng lưu ý: đối với việc khai thác quặng bauxite ở từng dự án cụ thể vẫn cần thiết có sự thỏa thuận của ngành văn hóa - thông tin nhằm hạn chế việc phá hủy các di tích, địa điểm khảo cổ có thể còn chưa được biết tới hoặc đang bị vùi lấp trong lòng đất.

Ngoài ra, Bộ cũng đã có một số văn bản thỏa thuận địa điểm thăm dò mỏ bauxite tại phường Lộc Phát, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, với diện tích 163 ha; tại xã Lộc Quảng, Lộc Tân, huyện Bảo Lâm và Đambri, phường Lộc Phát, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, với diện tích 50 km2; tại Kon Hà Nừng thuộc các xã Sơn Lang, Đắc Rông, huyện K' Bang, tỉnh Gia Lai, với diện tích 206 km2; tại xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm và phường Lộc Phát, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, với diện tích 3,31 km2.

Trước khi thỏa thuận các dự án này, Bộ đều yêu cầu và được các sở báo cáo về khu vực dự án không ảnh hưởng đến di sản văn hóa.

Riêng việc triển khai dự án tổ hợp bauxite nhôm tại Tân Rai (Lâm Đồng) thì “cho đến nay Bộ chưa nhận được bất cứ văn bản đề nghị góp ý, thỏa thuận nào từ địa phương hoặc chủ đầu tư dự án”, Bộ trưởng trả lời.

Bộ trưởng cũng cho biết, về dự án khai thác bauxite và sản xuất alumin Nhân Cơ, ngày 29/3/2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Nông có công văn đề nghị Bộ có ý kiến về khu vực thăm dò quặng bauxite tại huyện Đắc R’lấp, tỉnh Đắc Nông, với diện tích 510km2, kèm theo bản đồ vị trí khu vực thăm dò bauxitet Nhân Cơ. Và Bộ đã có văn bản đề nghị Sở Văn hóa và Thông tin Đắc Nông khảo sát khu vực trên.

Theo báo cáo của sở vào ngày 11/6/2007, tại khu vực dự kiến thăm dò quặng bauxite tại xã Nhân Cơ, nhân dân địa phương đã phát hiện nhiều di vật thời tiền sử và Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng đã khảo sát và phát hiện di chỉ khảo cổ tại thôn 17, xã Nhân Cơ và thôn 6, xã Đăk Wer và đề nghị được hỗ trợ kinh phí, nhân sự để phối hợp thực hiện khảo sát, điều tra khai quật khảo cổ.

Trên cơ sở đó, ngày 5/7/2007, Bộ đã có văn bản đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắc Nông thông báo cho chủ đầu tư phối hợp với Sở Văn hóa và Thông tin Đắc Nông tiến hành điều tra, thăm dò khảo cổ học tại khu vực nêu trên. Sau khi có kết quả điều tra, thăm dò khảo cổ học và báo cáo của Sở Văn hóa và Thông tin về việc trên, Bộ Văn hóa và Thông tin xem xét, quyết định việc thỏa thuận khu vực thăm dò bauxite.

“Tuy nhiên, từ đó tới nay theo Bảo tàng Đắc Nông cho biết thì chưa có hoạt động gì tiếp theo để triển khai việc thăm dò, khai quật khảo cổ học ở đây”, báo cáo nêu rõ.

Cũng theo trả lời của Bộ trưởng, Tây Nguyên là địa bàn chứa đựng nhiều di sản văn hóa quý, như: các di tích, di vật khảo cổ học thời tiền sử hiện còn đang ẩn chứa trong lòng đất cần tiếp tục được nghiên cứu, cồng chiêng Tây Nguyên, nền văn hóa cổ truyền, phong tục tập quán khá đa dạng của nhiều dân tộc đậm nét truyền thống và bản sắc riêng…

Do đó, việc khai thác tài nguyên khoáng sản cũng như xây dựng các dự án phát triển kinh tế - xã hội cần chú trọng đến việc bảo tồn di sản văn hóa nơi đây.

“Trong các dự án này cần đề xuất các biện pháp cụ thể để bảo tồn di sản văn hóa, báo cáo đánh giá tác động môi trường cần có nội dung đánh giá tác động ảnh hưởng đến di sản văn hóa. Do tính chất, qui mô của các dự án khai thác và tầm quan trọng của Tây Nguyên, việc tổ chức khai thác tài nguyên ở Tây Nguyên cần bám sát và thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Bộ Chính trị trong lĩnh vực này, cần sớm có một qui hoạch toàn diện để quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên”, báo cáo viết.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 12, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch nhận được chất vấn của 8 đại biểu Quốc hội với 9 nội dung. Đến ngày 9/6 văn bản trả lời  đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội có chất vấn.