09:37 08/01/2014

“Dự án Tây Hồ Tây chậm do nguồn lực chủ đầu tư giảm sút”

Từ Nguyên

Chủ tịch Hà Nội nêu nguyên nhân dự án khu đô thị Tây Hồ Tây bị chậm tiến độ so với kế hoạch

Dự án khu đô thị Tây Hồ Tây được Hà Nội lập quy hoạch từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn chưa thể chính thức khởi công.<br>
Dự án khu đô thị Tây Hồ Tây được Hà Nội lập quy hoạch từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn chưa thể chính thức khởi công.<br>
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa có kết luận về kiểm điểm tiến độ triển khai dự án khu đô thị Tây Hồ Tây.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, dự án Tây Hồ Tây được thành phố Hà Nội lập quy hoạch 1/2000 từ năm 2002 và phê duyệt quy hoạch 1/500 vào năm 2007 với chức năng là một khu đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ văn hoá mới và khu nhà ở cao cấp. Dự án này do đối tác Hàn Quốc và dự kiến tặng cho Hà Nội một trường quốc tế.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án nói trên đã gặp một số khó khăn trong thời gian qua, làm chậm tiến độ dự án và đặc biệt là gây ảnh hưởng về nhận thức chưa đúng đối với môi trường đầu tư của Hà Nội.

Ngoài ra, việc chậm tiến độ còn có một số nguyên nhân quan trọng như điều chỉnh quy hoạch để xây dựng một số công trình, điều chỉnh quỹ đất xây trụ sở một số cơ quan Trung ương sau khi di dời từ nội thành…

Đặc biệt, việc tiến độ dự án chậm có ảnh hưởng từ việc thiếu nguồn lực đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng.

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, trong quá trình triển khai dự án, nguồn lực của nhà đầu tư đã giảm sút do khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do thiếu vốn và thiếu cơ chế chính sách đồng bộ, đặc biệt là việc thực hiện quy định của Chính phủ về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng lâu dài.

Thông báo của chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển T.H.T, cho biết, hiện doanh nghiệp này đã nhận được cam kết tín dụng của ngân hàng, sau khi thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể khu trung tâm tỷ lệ 1/500 hồi tháng 9/2013.

Với thực tế đó, để đẩy nhanh tiến độ dự án, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành và huyện Từ Liêm đẩy nhanh và hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao một phần quỹ “đất sạch” để chủ đầu tư triển khai giai đoạn 1 của dự án trong tháng 1/2014, trước Tết Giáp Ngọ 2014 tới. Phần còn lại của giai đoạn 1 phải bàn giao trong quý 1/2014.

Đối với một số kiến nghị của Công ty T.H.T, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết, thành phố chấp thuận việc khởi công giai đoạn 1 của dự án. Chủ đầu tư phối hợp với các sở, ngành chức năng chuẩn bị đủ mọi nguồn lực để khẩn trương khởi công dự án trong tháng 1/2014.

Về việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, nghiên cứu và làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên khi điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án khu đô thị Tây Hồ Tây, báo cáo UBND thành phố trong tháng 1/2014.

Thành phố cũng chấp thuận việc tách dự án Nhà hát Thăng Long và các công trình văn hoá thành dự án riêng độc lập, không thuộc ranh giới của dự án Tây Hồ Tây như quy hoạch đã duyệt; điều chỉnh thời gian hoạt động của dự án Tây Hồ Tây, bắt đầu tư 20/8/2012, tính từ thời điểm thành phố giao đất cho chủ đầu tư thuê để thực hiện dự án.

Được biết, dự án khu đô thị mới Tây Hồ Tây có tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD, được xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư từ tập đoàn Daewoo E&C và Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB), do Công ty TNHH Phát triển T.H.T đại diện làm chủ đầu tư.

Theo báo cáo của chủ đầu tư mới đây, hiện dự án vẫn còn hơn 26ha đất xen kẹt chưa giải phóng mặt bằng, và trong 7 tháng đầu năm 2013, khối lượng giải phóng mặt bằng chỉ đạt 0,5 ha. T.H.T khẳng định, sau hơn một năm có chỉ đạo của UBND thành phố về đẩy nhanh thực hiện dự án, tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án về cơ bản “không thay đổi”.

Mới đây, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) với tư cách là đại diện thu xếp vốn đã ký bản hợp đồng tín dụng trị giá 200 triệu USD cho chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án.