Dự báo Trung Quốc sắp hạ lãi suất mạnh nhất trong một thập kỷ
Theo dự báo của nhiều ngân hàng đầu tư Mỹ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ thực hiện các đợt hạ lãi suất mạnh nhất trong một thập kỷ trở lại đây vào năm 2025...
Ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley là hai trong số nhiều nhà băng dự báo PBOC sẽ hạ lãi suất cơ bản 0,4 điểm phần trăm trong năm 2025. Nếu được thực hiện, đây sẽ là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2015 đến nay của cơ quan này, đưa lãi suất mua lại đảo ngược (repo) kỳ hạn 7 ngày xuống mức 1,1%.
Trong khi đó, mức dự báo bình quân của các nhà phân tích theo các khảo sát gần đây của hãng tin Bloomberg là mức giảm 0,3 điểm phần trăm.
Các dự báo này được đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách nước này đẩy mạnh nỗ lực vực dậy tăng trưởng, ngăn đà giảm phát của nền kinh tế.
CHẮC CHẮN PHẢI "MẠNH TAY"
Theo Bloomberg, các con số dự báo trên vẫn nhỏ hơn nhiều so với mức giảm lãi suất tại hầu hết các nền kinh tế lớn khác. Tuy nhiên, BPOC có lý do để cảnh giác. Lãi suất giảm sẽ khiến biên lãi ròng của các ngân hàng thương mại Trung Quốc vốn đã thấp sẽ giảm thêm nữa. Điều này có thể khiến các nhà băng mất đi “bộ đệm” để chuẩn bị cho các khoản lỗ trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản dai dẳng.
Giới phân tích cho rằng chỉ riêng các chính sách tiền tệ sẽ không đủ sức nặng để vực dậy nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh nhu cầu tín dụng đang ở mức thấp.
Tuy nhiên, Thống đốc Pan Gongsheng của PBOC gần đây phát tín hiệu về việc sẵn sàng có các biện pháp mạnh mẽ hơn để hồi sinh nền kinh tế trong bối cảnh thách thức bủa vây. Trung Quốc đang trải qua giai đoạn giảm phát dài nhất trong thế kỷ này, khiến lãi suất đi vay thực tế luôn ở mức cao dù PBOC đã vài lần nới lỏng chính sách. Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ mang theo mối đe dọa về một cuộc chiến tranh thương mại thứ hai có thể khiến tình hình ở Trung Quốc thêm tồi tệ.
“Các chính sách kích thích tài khóa sẽ phải gánh phần nặng hơn để tăng nhu cầu của nền kinh tế trong năm tới, song song với các chính sách tiền tệ”, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Hui Shan tại ngân hàng Goldman Sachs nhận xét. “Để đương đầu với những ‘cơn gió ngược’ mạnh, bao gồm cả nhu cầu nội địa yếu và rủi ro hàng rào thuế quan dâng cao ở Mỹ, chúng tôi cho rằng Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải triển khai các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay”.
Nhiều nhà kinh tế hiện kêu gọi Bắc Kinh có biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng trong nền kinh tế, đồng thời hành động mạnh mẽ hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài suốt nhiều năm qua.
Dự báo của các ngân hàng Phố Wall cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì môi trường lãi suất thấp – một xu hướng trở thành tâm điểm của thị trường trái phiếu thời gian gần đây. Lần đầu tiên trong lịch sử, lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đã sụt mạnh xuống dưới 2% trong tuần này. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm của nước này cũng giảm xuống thấp hơn loại tương tự của Nhật Bản.
BÓNG MA "GIẢM PHÁT"
Theo các nhà phân tích, mối đe dọa thuế quan từ Mỹ có thể khiến tình trạng giảm phát của Trung Quốc thêm trầm trọng, khi các nhà xuất khẩu của nước này khó tìm được khách hàng và phải chuyển sang tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa vốn đang ảm đạm.
Chỉ số giảm phát GDP – đo lường mức giá trung bình của tất cả hàng hóa và dịch vụ được tính vào GDP – của Trung Quốc đã giảm xuống mức dưới 0 kể từ đầu năm 2023. Điều này khiến lãi suất đi vay điều chỉnh theo lạm phát luôn ở mức cao. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể phần nào giải tỏa gánh nặng cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương tại Trung Quốc khi giúp họ dễ tái cơ cấu nợ hơn.
Tuy nhiên, một mối lo có thể khiến PBOC phải cân nhắc kỹ lưỡng bất kỳ động thái nới lỏng chính sách nào là nguy cơ xảy ra làn sóng rút vốn khỏi nền kinh tế khi chênh lệch lãi suất giữa Trung Quốc và các quốc gia khác tăng lên. Mối lo này có thể được giải tỏa ít nhiều nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục hạ lãi suất thời gian tới. Ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9, theo sau là một đợt vào tháng 11. Cơ quan này được dự báo sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất nữa trong tháng này.
“Trung Quốc đang đối mặt rủi ro giảm phát lớn hơn trước rất nhiều và PBOC cần phải phản ứng trước tính trạng này”, ông Larry Hu, giám đốc về kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group Ltd., nhận định. “Việc Fed đang trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ giúp PBOC có thêm dư địa để hạ lãi suất”.
Theo ông, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sụt giảm 0,5 điểm phần trăm do thuế quan tăng cao ở Mỹ trong năm tới và việc PBOC hạ lãi suất 0,4 điểm phần trăm có thể bù đắp cho điều này.
Thời gian qua, các quan chức PBOC khẳng định luôn sẵn sàng triển khai các biện pháp quyết đoán hơn để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế. Hồi tháng 9, cơ quan này hạ lãi suất repo kỳ hạn 7 ngày 0,2 điểm phần trăm – phá vỡ mô hình được hình thành kể từ năm 2022 là chỉ giảm lãi suất 0,1 điểm phần trăm mỗi lần.
Một số nhà phân tích cho rằng PBOC sẽ hành động nhanh và mạnh hơn nữa trong năm tới. Nhà kinh tế Serena Zhou của Mizuho Securities Asia Ltd., dự báo cơ quan này sẽ giảm lãi suất chính sách 0,6 điểm phần trăm.
“Chi phí tín dụng ở Trung Quốc đang mức cao một cách bất hợp lý. Lãi suất cho vay đang cao hơn tăng trưởng GDP danh nghĩa 5 quý liên tiếp, bóp nghẹt lợi nhuận của các doanh nghiệp nước này”, bà Zhou nhận xét.