16:20 05/06/2024

Du khách châu Á hưởng ứng mạnh mẽ xu hướng "Coolcation"

Quỳnh Chi

Khi nhiệt độ đang nóng lên trên toàn cầu, rất nhiều du khách châu Á đang tránh những bãi biển và đảo nhiệt đới để đến với những địa điểm có khí hậu mát mẻ, từ Scandinavia cho đến vùng núi phía Bắc của Việt Nam.

Sa Pa của Việt Nam là một điểm đến coolcation được yêu thích.
Sa Pa của Việt Nam là một điểm đến coolcation được yêu thích.

Biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng cao đang khiến mùa hè ngày càng khó chịu. Vì vậy, du khách đang tìm kiếm sự giải tỏa khỏi cái nóng và cơ hội trải nghiệm một mùa hè khác biệt hơn, thú vị hơn. Dữ liệu từ Google Xu hướng cho thấy lượt tìm kiếm của cụm từ “kỳ nghỉ mát mẻ hơn” đã tăng lên 100% trên toàn cầu trong hơn 12 tháng, tính đến ngày 8/5 năm nay.

Booking.com, một trang web du lịch, cũng cho rằng 2024 là năm của việc du lịch tới những nơi có khí hậu lạnh hơn, trong khi Mạng lưới du lịch hạng sang Virtuoso có trụ sở tại Hoa Kỳ lưu ý rằng 82% khách hàng của họ đang cân nhắc những điểm đến mát mẻ hơn trong năm 2024.

Được gọi là “coolcation” trong ngành công nghiệp du lịch, xu hướng du lịch mới mẻ này có nghĩa là đi nghỉ mát để tránh cái nóng ngạt thở. Thay vì đến với những bãi biển nhiệt đới như Phuket - Thái Lan hoặc Bali - Indonesia, rất nhiều khách du lịch đang di chuyển tới những nơi mát mẻ như Alaska, Norway và Canada.

Những địa điểm này còn cung cấp cho du khách châu Á những trải nghiệm du lịch độc đáo, mới mẻ như trượt xe tuyết, trượt tuyết hay ngắm cá voi. Còn tại khu vực Đông Nam Á, theo Nikkei Asia, các du khách Thái Lan là một trong những du khách Đông Nam Á đang đổ xô tới vùng núi cao của Nhật Bản, ở khu vực đảo phía Bắc Hokkaido.

Được gọi là “coolcation” trong ngành công nghiệp du lịch, xu hướng du lịch mới mẻ này có nghĩa là đi nghỉ mát để tránh cái nóng ngạt thở.
Được gọi là “coolcation” trong ngành công nghiệp du lịch, xu hướng du lịch mới mẻ này có nghĩa là đi nghỉ mát để tránh cái nóng ngạt thở.

Nhiều điểm đến ở Bắc bán cầu như Iceland, Na Uy vốn nổi tiếng thế giới là địa điểm du lịch mùa đông. Nhưng điều thú vị là những "xứ sở mùa đông" này cũng có những ngày hè dài. Điểm hấp dẫn của du lịch mùa hè ở đây chính là mặt trời lặn lâu hơn, thời gian ban ngày khá dài - ví dụ như thủ đô Oslo của Na Uy có tới 19 giờ ban ngày vào tháng 7, mang lại nhiều thời gian cho các trải nghiệm du lịch như tham quan các địa điểm và hoạt động ngoài trời.

Đối với du khách châu Á chưa từng thấy núi phủ tuyết, sông băng và hồ trên cao, những địa điểm nghỉ dưỡng yêu thích hiện đang nổi lên bao gồm Banff ở Canada, nằm gọn trong dãy Rocky Mountains, Queenstown ở Đảo Nam New Zealand và Na Uy với những ngọn núi hùng vĩ và vịnh hẹp đẹp mê hồn. Leo núi, chèo thuyền kayak, đi tuyết và ngắm động vật hoang dã đang trở thành hoạt động nghỉ dưỡng của nhiều người châu Á, trong khi một số địa điểm còn cung cấp các hoạt động dưới nước như bơi trong những dòng sông, vịnh hoang dã và tắm hồ lạnh.

Du khách châu Á hưởng ứng mạnh mẽ xu hướng "Coolcation" - Ảnh 1

Greenland với những tảng băng trôi khổng lồ và vùng đất thưa dân, Lapland của Phần Lan với trải nghiệm đi xe được tuần lộc hay thậm chí là chó kéo, phòng tắm hơi ấm cúng, khách sạn băng và Làng Santa Claus, hay Iceland với những thác nước đóng băng, suối nước nóng địa nhiệt, sông băng, cánh đồng dung nham và hang động băng cũng là những địa điểm du lịch coolcation được du khách châu Á yêu thích.

Bên cạnh những điểm đến mát mẻ ở Bắc bán cầu, nhiều du khách châu Á, đặc biệt là những người có ngân sách hạn chế, đang tập trung vào các địa điểm du lịch có khí hậu mát mẻ trong khu vực. Theo Nikkei Asia, Sa Pa, vùng núi phía Bắc Việt Nam, là một điểm đến trekking hàng đầu, thu hút du khách bởi khung cảnh thiên nhiên tươi tốt, khí hậu mát mẻ quanh năm và khách du lịch có nhiều cơ hội  gặp gỡ, giao lưu đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.

Các điểm đến coolcation khác trong khu vực châu Á có thể kể đến gồm Tagaytay, thành phố Philippines cách Manila chỉ vài giờ lái xe, và Cameron Highlands ở Malaysia, một khu vực cao nguyên cách Kuala Lumpur khoảng 200 km về phía Bắc, nổi tiếng với các trang trại hữu cơ và đồi chè.

Mohan Das, một nhân viên IT tại Ấn Độ chia sẻ: “Tôi rất thích đi du lịch tới các địa điểm mát mẻ cùng gia đình để tránh cái nóng… Chúng tôi đã từng đi du lịch Iceland, Canada và Thụy Sĩ. Được đi chuyến tàu Glacier Express để ngắm cảnh đẹp hùng vĩ tại Thụy Sĩ, ngắm cực quang tại Iceland, tận mắt được chứng kiến gấu hoang dã ở Canada, tất cả đều là những trải nghiệm tuyệt vời mà chúng tôi vô cùng trân trọng. Thời tiết lạnh cũng làm chúng tôi năng động và nhiều năng lượng hơn, và chúng tôi có thể liên tục trải nghiệm các hoạt động, không như thời tiết nóng làm chúng tôi uể oải và cạn năng lượng”.

Cực quang tại Iceland.
Cực quang tại Iceland.

Tất nhiên, có những cách tiết kiệm chi phí hơn để du khách châu Á tránh nóng so với việc đi du lịch châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Một lựa chọn phổ biến cho du khách đi cùng trẻ em là tìm kiếm khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng có hệ thống điều hòa hiệu quả. Ví dụ, Venetian Macao, một resort nghỉ dưỡng tại Đặc khu Hành chính Macao của Trung Quốc, có hơn 3.100 phòng suite sang trọng, sòng bạc, hệ thống kênh đào, nhà hát và trung tâm thương mại, tất cả đều có điều hòa mát mẻ. Khu Marina Bay Sands ở Singapore cũng mang đến trải nghiệm giải trí, mua sắm và ăn uống dưới một mái nhà có điều hòa.

Một lựa chọn khác là các kỳ nghỉ tập trung vào hoạt động vào buổi tối. Ví dụ, tập đoàn khách sạn và khu nghỉ dưỡng Hyatt đã điều hành chương trình "Du lịch sau hoàng hôn" (Tourism After Dark) tại Mỹ, cung cấp các trải nghiệm đêm thú vị như ngắm sao, chụp ảnh trên tháp thiên văn, tham quan các địa điểm rùng rợn và tham quan triển lãm nghệ thuật. Ngày càng nhiều công ty cung cấp các chuyến tham quan vùng cực với hành trình khám phá những điểm đến xa xôi như Svalbard ở Na Uy và đảo Baffin của Canada.

Sự phổ biến ngày càng tăng của các kỳ nghỉ coolcation có khả năng mang lại cú hích kinh tế cho những vùng xa xôi này, nhưng mặt khác cũng có thể gây ra tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái hoang dã và mong manh. Để đảm bảo tương lai bền vững cho cả du lịch và môi trường, việc lên kế hoạch cẩn thận và thực hành du lịch có trách nhiệm là vô cùng quan trọng. Bằng cách tìm ra sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, những điểm đến này có thể vừa phát triển mạnh mẽ, vừa đồng thời bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên vốn có, mang lại lợi ích cho cả du khách và môi trường trong nhiều năm tới.