Du lịch hàng loạt tỉnh, thành đang "sống lại" sau Tết?
Tại thành phố du lịch Đà Lạt, hàng loạt cơ sở lưu trú đã không đủ sức đáp ứng nhu cầu của du khách, không ít người phải ngủ ngoài đường hoặc ngủ nhờ nhà dân. Tại Sapa, Lào Cai, du khách muốn đi cáp treo phải xếp hàng chờ 3, 4 tiếng...
Những ngày đầu năm mới ngành du lịch tại thị xã Sapa Lào Cai đã khởi động với những dấu hiệu rất lạc quan. Lượng khách kéo về khu du lịch này luôn ở mức cao. Khu vực cáp treo lên đỉnh Fansipan thường xuyên ùn tắc, có thời điểm du khách phải xếp hàng chờ từ 3 đến 4 tiếng mới tới lượt lên cabin cáp treo.
Mở cửa trở lại vào ngày 2/2, chỉ trong 3 ngày đầu tiên, tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan đón gần 10.000 lượt khách.
Trước đó, ngày 27/1, Phòng Văn hóa Thông tin Du lịch thị xã Sapa đã báo cáo, tỷ lệ khách đặt phòng từ trước Tết đã đạt 80%, phân khúc cao cấp đạt 95%. Thị xã Sapa có 522 cơ sở lưu trú với 5.076 phòng tương đương 8.480 giường, trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 4 khách sạn 4 sao, 10 khách sạn 3 sao, 263 homestay.
Chính quyền Sa Pa đã có chỉ đạo đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, yêu cầu các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch tại Sapa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như quét mã QR, đo thân nhiệt bằng máy cảm biến…
Tại khu vực phía Nam, do thời tiết nắng ấm nên các địa điểm du lịch nổi tiếng cũng luôn chật kín du khách. Tại Đà Lạt, chỉ trong ít ngày đầu năm, du lịch nơi đây đã thay đổi tới bất ngờ. Hàng loạt cơ sở lưu trú đã mở cửa những không đủ sức đáp ứng nhu cầu của du khách từ khắp nơi kéo về.
Đại diện phòng Văn hóa Thông tin Đà Lạt cho biết tổng khách tham quan nghỉ dưỡng Đà Lạt ba ngày Tết đạt 66.900 lượt khách, qua lưu trú là 58.300 lượt, tăng 139% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế đạt 1.700 lượt, qua lưu trú là 1.600 lượt, tăng 30,8%.
Đến tối mùng 5 Tết, dù một lượng khách không chịu nổi cảnh đông đúc đã rời khỏi Đà Lạt nhưng hiện tượng quá tải vẫn không giảm. Hiện tượng quá tải đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực trung tâm thành phố: quanh chợ Đà Lạt, hồ Xuân Hương và các tuyến đường nội ô như Phan Đình Phùng, Đinh Tiên Hoàng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo.
Do lượng người đổ về trung tâm Đà Lạt quá lớn nên nhiều du khách không tìm ra khách sạn, phòng nghỉ, phải cắm lều ngủ bên hồ Xuân Hương rét lạnh, hoặc ngủ trong xe ô tô…
Tại An Giang ở những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh này như khu du lịch Núi Sam thành phố Châu Đốc, khu du lịch Núi Cấm huyện Tịnh Biên, điểm tham quan Hồ Ông Thoại huyện Thoại Sơn và các điểm tham quan cụm hồ ở huyện Tri Tôn... số lượng khách tới thăm quan, nghỉ ngơi trong 3 ngày Tết cũng rất lớn.
Ông Đào Sĩ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch An Giang, cho biết lượng khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, điểm tham quan, giải trí trên địa bàn tỉnh trong mấy ngày qua ước có 316.000 lượt, tăng 58% so với dịp Tết Nguyên Đán năm 2021.
Nguồn thu từ vé tham quan và kinh doanh dịch vụ mua sắm, ăn uống tại các địa điểm tham quan ước đạt 20 tỉ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Lượt khách tăng cao đã tạo nên một tín hiệu tích cực, đặc biệt còn gỡ khó cho nhiều doanh nghiệp đã trải qua một năm sóng gió vì dịch bệnh.