13:09 30/03/2024

Du lịch Việt lấy lại đà tăng trưởng: Châu Á là thị trường chủ lực

Tường Bách

Tháng 3, gần 1,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đánh dấu lượng khách cao nhất trong ba tháng đầu năm. Lượng khách 3 tháng qua đều đạt trên 1,5 triệu lượt và có xu hướng tăng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong tháng 3, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 78,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung ba tháng đầu năm, lượng khách đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,2% so với cùng kỳ 2019 – năm “hoàng kim” của du lịch Việt. Đây là số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố.

Trong tổng số hơn 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 1/2024,  lượng khách đến bằng đường hàng không chiếm 83,6%, đường bộ  chiếm 13,5% và đường biển chiếm 2,9%. Việc ngành du lịch đón một lượng lớn khách quốc tế trong quý 1/2024 đã khiến doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý 1/2024 ước đạt 174.800 tỷ đồng, du lịch lữ hành ước đạt 14.100 tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước.

Du lịch Việt lấy lại đà tăng trưởng: Châu Á là thị trường chủ lực - Ảnh 1

Một số địa phương đạt doanh thu dịch vụ lưu trú quý 1/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng khá mạnh, như Quảng Ninh tăng 23,2%; Đà Nẵng tăng 19,8%; Hải Phòng tăng 13,5%; Hà Nội tăng 12,7%; TP.HCM tăng 12,2%; Cần Thơ tăng 9,1%... Trong khi đó, doanh thu dịch vụ lữ hành quý 1/2024 của một số địa phương cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Đà Nẵng tăng 69%; TP.HCM tăng 59%; Cần Thơ tăng 57,7%; Hà Nội tăng 47,6%; Quảng Ninh tăng 18,5%; Lâm Đồng tăng 13,3%...

Báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia cho thấy, hiện Châu Á vẫn là nguồn khách lớn nhất tới Việt Nam, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc khi đã có hơn 1,2 triệu lượt lượt khách tới Việt Nam, bằng 150% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 10% so với cùng kỳ 2019. Đứng thứ hai là Trung Quốc với gần 890.000 lượt, gấp 6,4 lần so với cùng kỳ 2023. Top 10 thị trường quốc tế lớn nhất trong Quý 1 còn có Nhật Bản (179.000 lượt), Malaysia (144.000 lượt), Australia (133.000 lượt), Thái Lan (119.000 lượt), Ấn Độ (116.000 lượt), Campuchia (114.000 lượt).

Du lịch Việt lấy lại đà tăng trưởng: Châu Á là thị trường chủ lực - Ảnh 2

Nhìn chung tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào quý 1/2024 đã vượt mức cùng kỳ 2019. Lượng khách từ châu Úc tăng trưởng 120% so với cùng kỳ năm 2019; châu Á đạt mức 104%, châu Mỹ đạt mức 103% và châu Âu gần như phục hồi hoàn toàn, đạt mức 97%. Thị trường Trung Quốc phục hồi 69% so với cùng kỳ 2019. Thị trường Ấn Độ đạt hơn 300% so với trước Covid-10, Campuchia đạt 335%, Indonesia đạt mức 188%, Singapore đạt mức 122%. Ở Châu Âu, Tây Ban Nha đạt mức 123%, Đức đạt mức 108%, Anh đạt mức 102%. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ vượt mức năm 2019 (106%), Australia (122%).

Lý giải nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ, lượng khách quốc tế  phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách visa thị thực thuận lợi, chương trình kích cầu xúc tiến du lịch đã dần phát huy hiệu quả. Thời gian tới để tiếp tục thu hút du khách quốc tế chọn Việt Nam làm điểm đến đòi hỏi toàn ngành cần thực hiện tốt việc truyền thông, xúc tiến quảng bá trong tình hình mới, trong đó cần xác định rõ thị trường mục tiêu, tăng cường tiếp cận trực tiếp khách hàng để cung cấp thông tin điểm đến.

Du lịch Việt lấy lại đà tăng trưởng: Châu Á là thị trường chủ lực - Ảnh 3

Hiện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đang nghiên cứu, tham mưu Bộ VHTT&DL trình cấp có thẩm quyền để chỉnh sửa các quy định liên quan đến hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển du lịch. Đồng thời, cần đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường nguồn lực để xúc tiến quảng bá tầm quốc gia, quốc tế. 

Ngoài quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách đến, hiện các chuyên gia du lịch nhấn mạnh đến giải pháp nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ để giữ chân du khách ở lại và tiêu tiền nhiều hơn trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với các điểm đến trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia… Điển hình là Thái Lan vừa tuyên bố tại Hội chợ du lịch quốc tế ITE Berlin 2024 rằng ngành du lịch nước này đặt mục tiêu thu hút 40 triệu khách du lịch nước ngoài trong năm nay và dự kiến thu về hơn 65 tỉ USD.

Với chính sách visa, dù hiện tại Việt Nam đã áp dụng lại chính sách visa thông thoáng như trước Covid-19 nhưng các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị mở rộng thêm một số thị trường trọng điểm có khách chi tiêu cao, du lịch dài ngày… Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới có quy định xuất nhập cảnh rất khắt khe nhưng tùy mục đích, mục tiêu trong từng giai đoạn lại có chính sách điều chỉnh và áp dụng một cách mềm dẻo. Việt Nam cũng cần tiếp tục nỗ lực trong việc điều chỉnh và cải thiện chính sách này.

Nhìn chung tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào quý 1/2024 đã vượt mức cùng kỳ 2019.
Nhìn chung tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào quý 1/2024 đã vượt mức cùng kỳ 2019.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch thu hút khách quốc tế trong năm 2024, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15.2.2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Công an nghiên cứu đề xuất chính sách mở rộng miễn thị thực cho công dân một số nước phù hợp với tình hình mới và quan hệ hợp tác song phương.

Bộ Ngoại giao có trách nhiệm khẩn trương tổng kết, đánh giá việc áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân của 13 nước thời gian qua. Đồng thời, chủ động phối hợp với Bộ Công an đề xuất mở rộng các nước có công dân được đơn phương miễn thị thực Việt Nam. Cùng với đó, ngành VHTTDL cần tăng cường công tác quản lý điểm đến, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người dân...

 

Ở chiều ngược lại, số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong tháng 3/2024 là 537.4 ngàn lượt người, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 1/2024, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 1.2 triệu lượt người, tăng 11.5% so với cùng kỳ năm trước.