Du lịch Việt Nam tiến thêm một bước trên hành trình giảm rác thải nhựa
Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam trong hai năm 2023-2024 đã đạt được hiệu quả cao nhờ sự đồng lòng, chung tay của tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp một cách tự nguyện và rất hiệu quả...
Ngày 6/8, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) phối hợp với UNDP tổ chức Hội thảo về kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch.
DỰ ÁN GIẢM THIỂU RÁC THẢI NHỰA DU LỊCH ĐÃ ĐI ĐƯỢC NHỮNG BƯỚC DÀI
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Thế Bình Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, cho biết nhận thức được yêu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của đất nước, VITA đã tích cực, chủ động, hành động mạnh mẽ thực hiện mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch.
Ông Bình chia sẻ từ năm 2018, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động phong trào "Du lịch Việt Nam - Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa” và được các doanh nghiệp du lịch cả nước hưởng ứng tích cực. Nhiều doanh nghiệp, địa phương đã đạt được thành tích cao trong giảm thiểu rác thải nhựa.
Từ đề xuất của Hiệp hội du lịch Việt Nam, Chương trình Tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP/GEF-SGP) đã phê duyệt thực hiện Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" trong hai năm 2023-2024.
Sau 2 năm triển khai thí điểm tại Quảng Nam và Ninh Bình, đến nay Dự án đã kết thúc với nhiều thành quả thu được cụ thể và thiết thực.
Đó là việc xây dựng và hoàn thiện Bộ Tiêu chí đánh giá xếp hạng doanh nghiệp du lịch Việt Nam, một app về rác thải nhựa và các khóa tập huấn nâng cao kỹ năng nhận thức cho doanh nghiệp, người dân địa phương về giảm rác thải nhựa.
Trong khuôn khổ triển khai Dự án, một Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch sẽ được VITA xây dựng và ban hành làm cơ sở để các thành viên của VITA thực hiện các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa một cách bài bản, hiệu quả cao, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu đặt ra trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường và Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Đánh giá về hiệu quả của Dự án, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, điều phối viên Chương trình Tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP/GEF-SGP), nhận định Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" bắt đầu triển khai cách đây khoảng 17 tháng nhưng đã đạt được những kết quả rất tích cực.
“Đến nay, tất những gì chúng tôi thiết kế đã hình thành và Dự án đã tạo được một số công cụ hướng dẫn cách làm như Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa và Ứng dụng (App) quản lý rác thải nhựa. Đặc biệt 2 địa phương tham gia chương trình thí điểm là Ninh Bình và Quảng Nam, các doanh nghiệp du lịch tiên phong đăng ký tham gia thí điểm áp dụng Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa và Ứng dụng (App) quản lý rác thải nhựa đã đạt được hiệu quả qua thực tế triển khai”, bà Huyền nói.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Booking.com đã liên hệ với dự án để căn cứ Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa trong việc đánh giá sao với các cơ sở dịch vụ trên trang này.
Đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Hà Văn Siêu nhận xét những nội dung của dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" đã đi được những bước dài, Cục Du lịch Quốc gia đánh giá cao những kết quả của dự án đã đạt được.
Quá trình thực hiện Dự án này cho thấy Hiệp hội du lịch Việt Nam và các đơn vị thành viên của ngành du lịch đã cùng nhìn về một hướng, cùng đi trên một con đường để đồng lòng phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Dự án đã tạo nên sự lan toả lớn về giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch, đồng thời đã góp phần định hướng sâu du lịch Việt Nam vào xanh, du lịch bền vững với quan điểm xuyên suốt từ đầu vào đến đầu ra và thực hiện cho cả hệ sinh thái du lịch.
Và để kéo dài, phát huy kết quả, thành tựu của dự án, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng cần phải có mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể, có “KPI” rõ ràng như bao nhiêu người được tập huấn để làm du lịch xanh; bao nhiêu điểm đến, khách sạn, resort đạt chỉ số xanh…
Là một trong 2 địa phương thụ hưởng dự án, bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình, cho biết qua hơn 1 năm thực hiện, Ninh Bình đã đạt nhiều kết quả, hình ảnh Ninh Bình thay đổi tích cực, du lịch Ninh Bình luôn được đánh giá chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch tốt. Đến nay, Ninh Bình đã thực hiện gần hết Kế hoạch và triển khai nội dung tập huấn của dự án tới các doanh nghiệp, cộng đồng du lịch của tỉnh một cách sâu rộng.
Mục tiêu đến năm 2030, tại tỉnh Ninh Bình 100% ko sử dụng rác thải nhựa trong du lịch. Ninh Bình triển khai tập huấn không sử dụng rác thải nhựa trong du lịch liên tục, ngoài doanh nghiệp còn có cộng đồng dân cư tham gia tập huấn tại cơ sở, trung tâm đón khách. Theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Ninh Bình, kinh nghiệm của Ninh Bình là đi từ cộng đồng dân cư, nếu không đi từ cơ sở thì không thực hiện được, môi trường không được giữ gìn thì không thể làm du lịch bền vững, từ đó nhận thức của cộng đồng dân cư được nâng cao rõ rệt.
6 HÀNH ĐỘNG TRỌNG TÂM GIẢM RÁC THẢI NHỰA DU LỊCH
Nói về hành động của công cuộc “ngành du lịch nói không với rác thải nhựa” trong thời gian tới, theo ông Vũ Thế Bình, một Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch sẽ được VITA xây dựng và ban hành làm cơ sở để các thành viên của VITA thực hiện các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa một cách bài bản, hiệu quả cao, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu đặt ra trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường và Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
VITA kỳ vọng thông qua các hoạt động của Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” có thể truyền đi thông điệp mạnh mẽ, kêu gọi sự nỗ lực, chung tay góp sức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng và du khách vì mục tiêu: Du lịch không rác thải nhựa ở Việt Nam.
Để đảm bảo tính thực tiễn, khả thi cho các hoạt động giảm rác thải nhựa sẽ triển khai trong thời gian tới, Hiệp hội du lịch Việt Nam đã mời các Hiệp hội du lịch của Ninh Bình, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bắc Giang, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn tới để lấy ý kiến đóng góp từ đó hoàn thiện Kế hoạch hành động về giảm Rác thải nhựa.
Nhận xét về 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu nhận định đây là những việc ưu tiên phải làm trước mắt, làm một việc nhưng giải quyết được nhiều việc. "Có những nhóm nhiệm vụ mang tính khơi dậy, truyền cảm hứng làm du lịch xanh để cùng thực hiện. Cần hình thành nên những nhiệm vụ rõ ràng, để các địa phương, điểm đến cùng tham gia,”
Cho rằng Kế hoạch hành động này cũng cần phải gắn với các hoạt động của Chính phủ, của ngành môi trường, ông Siêu khẳng định “Cục Du lịch Quốc gia sẽ tiếp tục cùng với VITA đưa những kết quả của Dự án vào cuộc sống, đồng hành để triển khai từng hợp phần của dự án và kêu gọi các địa phương, điểm đến triển khai có hiệu quả dự án này”.
Ông Vũ Thế Bình cho biết VITA sẽ hoàn thiện và ban hành Kế hoạch này ngay trong tháng 8 để nhanh chóng triển khai tới các Hiệp hội địa phương và hơn 20.000 thành viên của VITA.
Dự kiến Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch có 6 nhiệm vụ trọng tâm:
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa;
- Tham gia xây dựng, phổ biến, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch;
- Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch xanh, không rác thải nhựa;
- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch gắn với giảm thiểu rác thải nhựa;
- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về giảm thiểu rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ của các đơn vị thành viên Hiệp hội;
- Huy động nguồn lực quốc tế để thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa.