13:27 22/04/2024

Lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800 nghìn tấn vào năm 2030

Đỗ Phong

Năm 2023, thương mại điện tử sử dụng khoảng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn. Với tốc độ tăng trưởng phát triển mạnh trên 25%, ước tính đến năm 2030, quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ gấp trên 4,7 lần hiện tại. Khi đó, lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800 nghìn tấn/năm...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực trạng này được nêu trong báo cáo chất thải nhựa bao bì thương mại điện tử tại Việt Nam 2023 của WWF Việt Nam do Nhóm tác giả Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam thực hiện vừa công bố. Trong khuôn khổ dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam", nhóm nghiên cứu đã thực hiện một khảo sát về chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam nhằm xây dựng báo cáo với số liệu định lượng về việc sử dụng bao bì nhựa phát sinh từ thương mại điện tử tại Việt Nam, từ đó có thể tìm kiếm các cơ hội và biện pháp can thiệp hướng đến mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa thất thoát ra môi trường.

TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VIỆT NAM LUÔN Ở MỨC 16-30%

Những năm gần đây, thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng nhanh. Bán lẻ trực tuyến sử dụng nhiều bao bì đặc biệt là vật liệu và dụng cụ nhựa. Tuy nhiên, đến nay chưa có một nghiên cứu nào ở Việt Nam đưa ra đánh giá định lượng quy mô bao bì, vật liệu, dụng cụ nhựa phát sinh từ kinh doanh trực tuyến.

Trên phạm vi toàn cầu, sau một thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ, kể cả 2 năm trải qua đại dịch Covid-19, từ năm 2022, tốc độ tăng trưởng của bán lẻ trực tuyến trên phạm vi toàn thế giới đã chậm lại. Tuy nhiên, xu hướng trong giai đoạn từ 2023-2026, tốc độ tăng trưởng của bán lẻ trực tuyến vẫn cao hơn gấp đôi so với bán lẻ truyền thống.

Ước tính doanh thu bán lẻ trực tuyến toàn cầu năm 2023 đạt 2,6 nghìn tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 11% và chiếm 28% so với bán lẻ truyền thống.

Dự kiến tới năm 2025, quy mô thương mại điện tử toàn cầu có thể đạt 7,4 nghìn tỷ USD và băng 31% so với bán lẻ truyền thống.

Lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800 nghìn tấn vào năm 2030 - Ảnh 1

Khu vực Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng bá lẻ trực tuyến nhanh nhất so với các khu vực khác trên thế giới. Quy mô chung của thương mại điện tử khu vực năm 2023 vượt 200 tỷ USD và có thể đạt gần 300 tỷ USD vào năm 2025.

Tại Việt Nam, trong suốt 7 năm qua, thương mại điện tử luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn đưa ra dự đoán rằng mức tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025.

Còn theo báo cáo của e-Conomy SEA, quy mô thương mại điện tử năm 2023 của Việt Nam đạt 30 tỷ USD và sẽ tăng lên 43 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng trưởng 11% và đạt 16 tỷ USD năm 2023, tiếp tục tăng trưởng 22% và đạt 24 tỷ USD vào năm 2025. Năm 2023, dịch vụ gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng trưởng 10%, đạt doanh số trên 3 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 16%, đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Xét riêng dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ, doanh số năm 2023 đạt khoảng 2 tỷ USD và sẽ đạt trên 4 tỷ USD vào năm 2025.

RÁC THẢI NHỰA TỪ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ SẼ LÊN ĐẾN 800 NGHÌN TẤN/NĂM

Đi cùng với đó, là sự gia tăng nhanh chóng trong việc sản xuất, tiêu thụ các loại bao bì, bao gồm bao bì sử dụng trong đóng gói và vận chuyển. Tuy nhiên, song song với các lợi ích mang lại như rẻ, bền, đa dạng cho nhiều mục địch sử dụng khác nhau, sản phẩm cuối của quá trình sử dụng các sản phẩm nhựa là các loại chất thải nhựa.

Việc sản xuất và tiêu dùng bao bì nhựa ngày một nhiều hơn, trong khi hệ thống thu hồi, xử lý, và giảm thiểu chất thải nhựa vẫn còn nhiều bất cập, đang là một thách thức trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam.

Nhằm tìm hiểu về việc sử dụng bao bì nhựa phát sinh từ thương mại điện tử tại Việt Nam, Dự án "Giảm rác thải nhựa đại dương" đã thực hiện một khảo sát về chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam và xây dựng Báo cáo chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam 2023.

Lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800 nghìn tấn vào năm 2030 - Ảnh 2

Theo nghiên cứu này, quy mô thị trường bán lẻ hàng hoá trực tuyến năm 2023 của Việt Nam ước tính khoảng 17,3 tỷ USD với tổng số gói, kiện hàng hoá là 1,84 tỷ. Đồng thời, quy mô của dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ ước đạt trên 1,4 tỷ USD.

Bao bì phổ biến cho các gói, kiện hàng hoá trong bán lẻ trực tuyến là hộp carton, túi giấy hoặc túi nilon. Vật liệu phụ dùng để chèn, lót, bọc bao gồm băng keo nhựa hoặc băng keo giấy, xốp nilon bong bóng khí hoặc giấy hay thùng carton cắt sợi để chèn hàng hoá, mút xốp hoặc giấy cố định sản phẩm, màng bọc nilon, màng bọc hay nhựa sinh học có khả năng tự phân huỷ quấn quanh hàng hoá.

Trên cơ sở tính toán quy mô bán lẻ trực tuyến và các dữ liệu về số đơn hàng, phân bổ khối lượng đơn hàng, giá trị trung bình của đơn hàng theo các kênh mua bán, mức độ sử dụng bao bì, vật liệu nhựa, có thể thấy năm 2023 thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn.

Theo tính toán của nhóm chuyên gia tư vấn từ Hiệp hội Thương mại điện tử, với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm có thể tới năm 2030 quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ gấp trên 4,7 lần hiện tại, khi đó lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800 nghìn tấn/năm.

Phần lớn hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam tập trung ở các địa phương ven biển hoặc bên sông đổ trực tiếp ra biển như Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Nha Trang.

Do hầu hết rác thải nhựa từ thương mại điện tử bị bỏ lẫn với rác thải sinh hoạt nên chưa được thu gom, phân loại, tái chế hoặc xử lý thân thiện với môi trường nên tỷ lệ cao rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ đổ ra biển.

Như vậy, quy mô sử dụng bao bì với thành phần vật liệu, dụng cụ nhựa trong đóng gói rất cao. Nguyên nhân chính được nhóm chuyên gia tư vấn chỉ ra là do việc đóng gói bằng hộp carton vừa tăng chi phí bao bì, vừa tăng chi phí vận chuyển. Trong khi đó, các loại vật liệu nhựa sử dụng trong đóng gói rất rẻ và nhẹ nên tiết kiệm chi phí chuyển phát.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát từ một số thương nhân bán hàng, hộp carton và túi nilon là loại bao bì phổ biến được sử dụng để đóng gói đơn hàng khi kinh doanh trên các nền tảng online. Đặc biệt là ngành hàng quần áo, thời trang, phụ kiện có đến 90% thương nhân sử dụng loại bao bì này để đóng hàng. Đa số thương nhân (65%) sử dụng mút xốp hoặc xốp nilon bong bóng khí để chèn sản phẩm. 80% thương nhân thường xuyên sử dụng băng keo nhựa.

Khảo sát theo các kênh bán hàng trực tuyến cho thấy, túi nylon được sử dụng trên mọi nền tảng online, không phân biệt là kênh website, sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội. Khi bán hàng đa kênh, số lượng nilon dùng trong đóng gói chiếm tỷ lệ rất cao và vượt trội so với bán hàng đơn kênh. Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân do sự tiện lợi và giá rẻ nên túi nilon được ưa chuộng khi kinh doanh đa kênh online.

Nhằm giảm thiểu tác động xấu tới môi trường của rác thải nhựa từ thương mại điện tử, nhóm chuyên gia tư vấn đưa ra một đề xuất khuyến nghị. Theo đó cần thống kê chính thức bao bì và vật liệu, dụng cụ nhựa trong thương mại điện tử; ban hành chính sách pháp luật, tiêu chuẩn đóng gói thân thiện môi trường;

Đồng thời, phổ biến tuyên truyền về tác động tiêu cực của rác thải nhựa tới người tiêu dùng trực tuyến; khuyến khích người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử xanh; vận động và tư vấn thương nhân, doanh nghiệp cung cấp nền tảng thương mại điện tử và dịch vụ logistics có các hành động cụ thể giảm rác thải nhựa.

 
Hàng năm, trên thế giới, có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, phần lớn trong số đó là có túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nylon/tháng. Hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần…