20:27 22/03/2011

Dự luật Thủ đô: Tranh cãi đến phút chót

Nguyên Hà

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô với không ít ý kiến trái chiều

Đại biểu Trần Du Lịch: Dự thảo luật chưa đạt yêu cầu - Ảnh: CTV.
Đại biểu Trần Du Lịch: Dự thảo luật chưa đạt yêu cầu - Ảnh: CTV.
Đều thống nhất cao là cần có Luật Thủ đô, song bên cạnh các ý kiến đề nghị cần phải thông qua càng sớm càng tốt cũng còn không ít quan điểm cho rằng nên lùi lại để đảm bảo chất lượng của dự án luật vốn được cho là rất khó này.

Phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Thủ đô chiều 22/3 tưởng rằng sẽ kết thúc nhanh chóng khi danh sách đại biểu đăng ký phát biểu đầu giờ chưa đến con số 10. Song toàn bộ thời gian buổi chiều đã được sử dụng hết, với 18 ý kiến tranh luận sôi nổi.

Mặc dù đánh giá dự án luật trình Quốc hội lần này đã được tiếp thu, chỉnh sửa khá nhiều, song đa số các ý kiến phát biểu đều tỏ ra băn khoăn.

Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) dự án luật đã lược bỏ những quy định mà trước đây một số đại biểu cho rằng vượt quá thẩm quyền, quy định của Hiến pháp.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng từ nội dung đến câu chữ vẫn còn rất “ngổn ngang”.

Tán thành giao cho Thủ đô những cơ chế đặc thù về tài chính,  song đại biểu Thuyết đề nghị cần quy định thật cụ thể. Ví dụ Thủ đô được hưởng mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các địa phương khác, vậy cao hơn như thế nào?. Hay Thủ đô thì được ưu tiên phân bổ vốn ODA, vậy ưu tiên theo nguyên tắc nào.

“Nếu chúng ta không quy định cụ thể thì dễ dẫn đến cơ chế xin cho, quy định một điều như thế này thì về sau các đồng chí lãnh đạo Hà Nội đi chạy xin các bộ, xin Trung ương là rất mệt”, ông Thuyết nói.

Với những ví dụ rất cụ thể, đại biểu Thuyết lưu ý, trước khi làm luật liên quan đến một địa phương cần nhìn rộng ra các địa phương khác.

Liên quan đến vấn đề gây nhiều tranh cãi là cơ chế đặc thù để quản lý dân cư, ông Thuyết cho rằng quy định như dự thảo luật là không giải quyết được vấn đề.

“Tôi cho là dự thảo luật lần này chưa đạt yêu cầu” đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM) phát biểu.

Dẫn 7 nội dung mục tiêu xây dựng, phát triển thủ đô, ông Lịch nhận xét,  cứ thay chữ "Thủ đô" thành chữ "đô thị" thì 7 đặc trưng mục tiêu này đều giống nhau.

“Tôi ví dụ bây giờ xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nếp sống văn minh, thanh lịch, hướng phát triển bền vững… thì đô thị nào cũng phải như vậy đâu phải chỉ Thủ đô, như vậy thì chỗ nào là mục tiêu?”, đại biểu Lịch đặt câu hỏi.

Một trong những điểm không ổn, theo đại biểu Lịch là tất cả những quy định của một đô thị đặc thù, đủ điều kiện mà đang cho làm thì được đưa cả vào Luật Thủ đô.

Do vậy, ông Lịch cho rằng “ban hành Luật Thủ đô như thế này e rằng chưa giúp được gì, ngoại trừ quy định liên quan đến ưu tiên vốn đầu tư”.

Được mời phát biểu, Trưởng ban soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường giải thích một số vấn đề mà đại biểu Thuyết và đại biểu Lịch còn băn khoăn cũng đã được nêu rõ trong luật.

“Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội rồi là dự án luật này trình để quy định về cơ chế đặc thù cho Thủ đô, còn nhận thức Thủ đô thế nào, trách nhiệm của Trung ương, của cả nước với Thủ đô như thế nào thì Quốc hội đã thảo luận nhiều lần thống nhất cao, cho nên không thể nói những quy định của luật này lại áp dụng cho các đô thị khác như đại biểu Lịch nói” ông Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Du Lịch tiếp tục đứng dậy phát biểu “tôi không tranh luận gì hết mà tôi chỉ nói một câu là tôi không thông”.

Ngay sau đó, đại biểu Lịch thể hiện rõ quan điểm với một nội dung đang gây nhiều tranh cãi, liên quan đến vấn đề quản lý nhập cư bằng hộ khẩu. Theo ông, hộ khẩu là để quản lý trị an, tăng nhập cư hay không đó là vấn đề quy hoạch xây dựng và đặc biệt là động lực kinh tế.

“Nếu chỗ nào cũng phát triển kinh tế vỉa hè thì không thể nào tăng chất lượng dân cư lao động”, ông Lịch nói.

Cũng theo quan điểm của vị đại biểu này thì “không nên biến những người dân cư trú hợp pháp có việc làm vì không đăng ký hộ khẩu được trở thành công dân loại 2, đó là bất bình đẳng”.

Sốt ruột vì lẽ ra dự án luật đã phải được thông qua từ năm ngoái, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhấn mạnh “đã đến lúc không nên chỉ vì nặng về câu chữ mà chúng ta lại đẩy sang lần sau mới thông qua”. Theo bà Khánh thì các ý kiến phát biểu trước đều chỉ băn khoăn về câu chữ chứ không phải về vấn đề lớn.

Ngay sau đó, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đề nghị Quốc hội cho phép chậm lại và tiếp thu đầy đủ ý kiến mà các đại biểu Quốc hội đã tham gia, cộng với tham khảo thêm để có một Luật Thủ đô đầy đủ và trách nhiệm cao hơn.

Đồng tình với đại biểu Hải, đại biểu Thuyết nhấn mạnh “nếu luật ra mà mình làm chưa kỹ, nó không có tác dụng thì theo tôi chưa nên thông qua”.

Theo đại biểu Thuyết thì vấn đề chính của luật này không phải là câu chữ mà là vấn đề cơ bản mục đích chúng ta đặt ra luật này không giải quyết được.

Thêm một ý kiến tỏ rõ sự sốt ruột của một đại biểu Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Sơn đề nghị Quốc hội trước mắt thông qua Luật Thủ đô để giải quyết đời sống bức xúc cho dân sinh, cho cử tri Thủ đô. Sau đó quá trình thực hiện nếu còn vấn đề gì thì vẫn còn có thể sửa luật được như bao nhiêu luật khác. Vì không phải Luật Thủ đô ra đời một lần là mãi mãi không sửa.

Tiếp tục đứng dậy, đại biểu Vũ Quang Hải lại tiếp tục chỉ ra không ít những điều mà ông cho là chưa chặt chẽ tại dự luật để củng cố thêm đề nghị chưa vội thông qua dự án luật này.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, kể cả kỹ thuật lập pháp, kể cả câu chữ cho chặt chẽ và thể hiện thật tốt để báo cáo lại Quốc hội.

“Nếu Quốc hội thấy rằng với cách tiếp thu, giải trình như vậy được thì đề nghị Quốc hội sẽ xem xét quyết định tại phiên cuối’, ông Lưu kết luận.