13:10 25/05/2010

Dự luật về năng lượng: Phải chấp nhận chung chung?

Nguyên Hà

Theo nhận xét của nhiều vị đại biểu, dự thảo luật vẫn còn có nhiều nội dung thiếu cụ thể, khó khả thi

Đại biểu Trần Văn đề nghị cần có dự án luật về năng lượng tái tạo - Ảnh: TTXVN.
Đại biểu Trần Văn đề nghị cần có dự án luật về năng lượng tái tạo - Ảnh: TTXVN.
Nếu Quốc hội thông qua thì đành phải chấp nhận sự chung chung, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận phát biểu cuối phiên thảo luận về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sáng 25/5.

Cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu, nhiều vị đại biểu đã “phê” dự luật này còn nặng về hô hào, động viên, nhẹ chế tài và giải pháp.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật mới đã được bổ sung, chỉnh sửa nhiều nội dung và được bố cục lại nhằm bảo đảm tính toàn diện, cụ thể, rõ ràng hơn đối với việc cung ứng năng lượng một cách bền vững cũng như việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế và đời sống.

Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều vị đại biểu, dự luật vẫn còn có nhiều nội dung thiếu cụ thể, khó khả thi.

Đại biểu Vũ Quang Hải cho rằng còn thiếu khá nhiều yếu tố cần và đủ về chế tài để thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng. Đa số các quy định chỉ là khuyến khích chứ không quy định trách nhiệm.

Thêm một tổ chức kiểm toán năng lượng đặt ở đâu, bộ hay tỉnh, lộ trình thực hiện thế nào? chế độ kiểm toán bắt buộc năng lượng 3 năm cụ thể ra sao, lý do vì sao đưa mốc thời gian đó...hàng loạt câu hỏi được vị đại biểu này đặt ra.

Việc kiểm toán bắt buộc có thể áp dụng thực thi và hiệu quả nhưng chế tài thế nào nếu không thực hiện trong khi còn hàng nghìn doanh nghiệp đang làm thua lỗ, lãng phí hàng ngày hàng giờ, ông Hải nói.

Đại biểu Trần Văn cũng cho rằng nếu làm tốt dự án luật sẽ góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, đảm bảo chất lượng cuộc sống trước những tác động tiêu cực của môi trường do khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và hủy hoại môi trường của hàng loạt doanh nghiệp do chạy theo lợi nhuận bất chính.

Theo đại biểu Văn, cần thiết phải có một chương riêng về  về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo . Đồng thời cần quy định rõ ràng, minh bạch trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển năng lượng tái tạo vì lợi ích chung của quốc gia.

"Tôi sẽ chủ động đề xuất Quốc hội đưa dự án luật về năng lượng tái tạo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13",  ông Văn phát biểu.

Cùng có chung nhận xét dự luật còn nhiều điểm chung chung, khó thực hiện, đại biểu Trần Văn Kiệt đề nghị cần quy định rõ tiết kiệm năng lượng bao nhiêu phần trăm GDP là hợp lý.

Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với đại biểu Vi Trọng Lễ cho rằng không nên đưa sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thành chương trình mục tiêu Quốc gia, vì đây là việc làm dài hơi.

Thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu để hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp này.