Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Vẫn còn những quy định chồng chéo
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dù phần lớn các quy định về nền tảng số, dịch vụ số đã được loại bỏ, song vẫn giữ lại một số quy định về nghĩa vụ của các nền tảng số dựa trên quy mô chưa thực sự phù hợp...
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vẫn còn những quy định chưa phù hợp như: Trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ internet, viễn thông còn chung chung; quy định về nghĩa vụ của chủ thể cung cấp dịch vụ phải công khai các thuật toán có thể tạo ra những hạn chế và rủi ro cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động dịch vụ thúc đẩy giao dịch điện tử...
Thông tin được các chuyên gia cho biết tại Hội thảo góp ý Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 14/7.
Theo các chuyên gia, dự thảo gần đây nhất của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã có những cải thiện đáng kể so với các dự thảo trước đó, song vẫn có những quy định chưa phù hợp với phạm vi và mục tiêu chung của luật, tạo nên sự trùng lặp, chồng chéo với một số quy định pháp luật khác.
Ông Trần Mạnh Hùng, Luật sư điều hành, Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế BMVN cho rằng, các dịch vụ như dịch vụ internet, dịch vụ viễn thông, dịch vụ điện toán đám mây hay dịch vụ nền tảng số hiện đang được điều chỉnh bởi những luật có liên quan như: Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ, các nghị định về quản lý hoạt động internet, thương mại điện tử...
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố và lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ. Dự kiến Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ và đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới.
Vì vậy, việc quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ này một cách chung chung như trong chương V của dự thảo là không cần thiết và không có ý nghĩa trong việc quản lý hay thúc đẩy các giao dịch điện tử. Những quy định này cũng không phù hợp với các thông lệ quốc tế hay các luật khung về giao dịch điện tử của các tổ chức quốc tế.
Phần lớn Luật Giao dịch điện tử của các quốc gia khác trên thế giới chỉ tập trung vào quản lý tính pháp lý của các phương tiện hoặc yếu tố điện tử của các giao dịch như chữ ký số, chứng thư điện tử, hợp đồng điện tử... chứ không quản lý các dịch vụ số hoặc nền tảng liên quan.
Ngoài ra, một số ý kiến khác cũng cho rằng, những biện pháp các cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện nhằm hạn chế và bảo vệ giao dịch điện tử trong dự thảo mới nhất là quá chặt chẽ, có thể dẫn tới sự lạm quyền hoặc lợi ích nhóm. Với nội dung này, quy định trong dự thảo trước đây lại được đánh giá là hợp lý hơn khi các biện pháp giải quyết tranh chấp chỉ được áp dụng khi các bên có liên quan yêu cầu.
Một nội dung gây tranh cãi khác là những quy định về nghĩa vụ của các chủ thể cung cấp dịch vụ như phải cung cấp dịch vụ 24/7, phải công khai các thuật toán, hay phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông về danh sách nhân viên tuân thủ.
Các ý kiến cho rằng, những quy định này có thể ảnh hưởng đến quyền hoạt động kinh doanh, quyền sở hữu trí tuệ, tính bảo mật và sự an toàn của hệ thống thông tin mà các chủ thể cung cấp dịch vụ sử dụng. Các quy định này có thể tạo ra những hạn chế và rủi ro cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động dịch vụ thúc đẩy giao dịch điện tử.
Một số ý kiến cũng cho rằng các khái niệm chưa được đề cập đến trong dự thảo hoặc được quy định quá chung chung, nên có thể gây ra những bất cập trong quá trình thực hiện sau này. Ví dụ như khái niệm “dữ liệu” trong dự thảo rất rộng và hiện không có định nghĩa về “bên xử lý dữ liệu”.
Vì vậy, các quy định đối với bên xử lý dữ liệu trong dự thảo này không phù hợp với các thông lệ quốc tế, đồng thời chồng chéo với các luật và quy định. Một số luật giao dịch điện tử của các quốc gia khác chỉ có các quy định về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, chứ không điều chỉnh các dữ liệu không gắn với cá nhân cụ thể.
Nguyên nhân là do các luật về quyền riêng tư được xây dựng nhằm bảo vệ các cá nhân khỏi tác hại của việc xâm phạm các thông tin mà có thể định danh từng người. Nguy cơ này không phát sinh khi các dữ liệu được ẩn danh hay tổng hợp và không còn gắn liền với một cá nhân cụ thể.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thường sử dụng hoặc tổng hợp dữ liệu ẩn danh để thúc đẩy sự đổi mới và tính hiệu quả, nhằm cải thiện các sản phẩm, dịch vụ của họ và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.