21:36 11/10/2021

Dự thảo thí điểm cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Nghệ An và Thừa Thiên Huế sẽ trình Quốc hội vào cuối tháng 10

Quang Trung

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế...

Với 100% Ủy viên tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất bổ sung 3 Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 - Ảnh: Quochoi.vn
Với 100% Ủy viên tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất bổ sung 3 Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 - Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày các Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày các Báo cáo tóm tắt thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày các Báo cáo tóm tắt thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cho rằng, đối với 3 địa phương nêu trên.

3 NHÓM NỘI DUNG THÍ ĐIỂM CỦA DỰ THẢO CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CHO HẢI PHÒNG, NGHỆ AN, THỪA THIÊN HUẾ

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, các hồ sơ Dự thảo Nghị quyết cơ bản bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hồ sơ dự thảo các Nghị quyết đã đủ điều kiện trình Quốc hội hay chưa, đồng thời cho ý kiến về việc bổ sung chương trình xây dựng pháp luật năm 2021 về 3 dự thảo Nghị quyết này.

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Về các nội dung cụ thể của 3 dự thảo Nghị quyết, nhóm thứ nhất đang thực hiện thí điểm như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. 

Ở nhóm này, các địa phương được tăng thêm mức dư nợ vay. Thừa Thiên Huế đề nghị tăng mức dư nợ vay không quá 40%, Hải Phòng không quá 60%, Nghệ An không quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Bên cạnh đó, các địa phương được hưởng một phần thu nguồn thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền với đất của các đơn vị trung ương quản lý. Đồng thời, được quy định thêm danh mục phí, lệ phí, nâng mức thu một số phí, lệ phí và ngân sách địa phương được hưởng 100% số thu phí và lệ phí của ngân sách tăng thêm.

Ngoài ra, các địa phương được quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa với quy mô dưới 500 hecta. Đồng thời, các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức, quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, các nhà khoa học, tài năng đặc biệt…

Ở nhóm thứ 2, các nội dung trước đây chưa áp dụng thí điểm ở các tỉnh, thành phố nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến để trình Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm đối với tỉnh Thanh Hóa gồm. Nhóm này gồm địa phương được tự chuyển đổi mục đích đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất; hàng năm được bổ sung một phần số tăng thu từ các khoản thu phân chia, từ hoạt động xuất nhập khẩu; và được điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các khu chức năng.

Ở nhóm thứ 3, các nội dung, các địa phương đề nghị thí điểm xuất phát từ nhu cầu địa phương và để đáp ứng yêu cầu phát triển theo chủ trương của Bộ Chính trị. Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực trùng tu, bảo tổn di sản văn hóa. Thành phố Hải Phòng đề nghị triển khai xây dựng Khu thương mại tự do.

Tại phiên họp, đa số các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

TRÌNH 3 DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT TẠI KỲ HỌP THỨ 2

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Tờ tình của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan khác cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Với tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội cho biết, mục tiêu của tỉnh là phấn đầu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã có từ rất lâu và báo cáo Bộ Chính trị. Tuy nhiên, do một số điều kiện về hạ tầng mà Thừa Thiên Huế chưa thể trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy địa phương đã nghiên cứu kỹ và trình lại Bộ Chính trị xem xét.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, với định hướng phát triển thành phố di sản, Thừa Thiên Huế cần đặt vấn đề nghiên cứu: thế nào là thành phố di sản, và để trở thành thành phố di sản, Thừa Thiên Huế cần làm gì? Do thí điểm thực hiện nên Chủ tịch Quốc hội cho rằng không cần chờ hết 5 năm, thực hiện đến đâu cần chắc đến đó, không nên lùi lại thời gian. Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để có thể trình Quốc hội.

Với thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW cho Hải Phòng, tầm nhìn để trở thành thành phố đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của khu vực, của cả nước, năng động, hiện đại với 3 trụ cột: kinh biển, du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo và logistics.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến việc thành lập Khu kinh tế thương mại tự do, xây dựng, phát triển Hải Phòng thành thành phố đi đầu cả nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cữu kỹ lưỡng vấn đề này, báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị xem xét, quyết về chủ trương trước, căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền.

Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, đa số đại biểu tập trung cho ý kiến về Khu thương mại tự do, và nhận thấy, đề xuất của Chính phủ thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Chính phủ và thành phố Hải Phòng.

Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, việc quy định hình thành Khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới góc độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Việc thành lập Khu thương mại tự do không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng.

Do vậy, đa số ý kiến đồng tình với Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và đề nghị trước mắt chưa quy định nội dung này trong Dự thảo Nghị quyết. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với thành phố Hải Phòng tiếp tục nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, xây dựng Đề án, có đề xuất nhằm bảo đảm tính cụ thể, đủ nội hàm chính sách. Trên cơ sở hoàn thiện Đề án, Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị. Căn cứ ý kiến Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền.

Để bảo đảm đúng thẩm quyền và kịp thời thực hiện các mục tiêu theo yêu cầu của Bộ Chính trị, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định trong Dự thảo Nghị quyết theo hướng giao Chính phủ lập Đề án, xác định rõ phạm vi địa lý, mô hình quản lý, cơ chế, chính sách đặc thù để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với tỉnh Nghệ An, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, về phân cấp thẩm quyền quản lý đất đai và quy hoạch, cơ bản nhất trí với Dự thảo Nghị quyết và cho rằng, đây là mức dư nợ vay hợp lý. Việc nâng mức trần vay từ 20% lên 40% sẽ góp phần tạo dư địa để tỉnh Nghệ An huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, trong điều hành vay nợ, có ý kiến đề nghị bảo đảm nguyên tắc phù hợp với khả năng trả nợ của ngân sách địa phương và phù hợp với tổng mức bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định hàng năm, không làm hạn chế dư địa vay đầu tư phát triển của các địa phương khác.

Căn cứ vào các nội dung tại Tờ trình, có ý kiến cho rằng, các chính sách được đề xuất về căn bản chưa thực sự mang tính đột phá; chưa có cơ chế thu hút đầu tư mạnh mẽ, huy động các nguồn lực tổng thể; thiếu các chính sách liên quan đến bộ máy, tổ chức, biên chế...

Vì vậy, các đại biểu đề nghị, về lâu dài, cần nghiên cứu toàn diện để có những đề xuất mang tính đột phá, sáng tạo, trong đó có chính sách về đầu tư, tổ chức bộ máy, biên chế, thủ tục hành chính… nhằm tạo tiền đề khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù, sớm đưa tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.

Với 100% Ủy viên tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 2 (dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới) và thống nhất bổ sung 3 Nghị quyết này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Nghị quyết dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022 và thực hiện trong 5 năm.