Dự trữ khí đốt châu Âu “về đích” sớm, mùa đông năm nay có an toàn?
Vào hôm 16/8, mức dự trữ khí đốt trong EU đã đạt 90,1% công suất...
Liên minh châu Âu (EU) đã đạt mục tiêu dự trữ khí đốt sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch, nhưng giới phân tích cảnh báo rằng một mùa đông lạnh hơn bình thường vẫn có thể khiến giá khí đốt biến động mạnh và các nước trong khu vực sẽ phải chật vật tìm kiếm nguồn cung.
Vào hôm 16/8, mức dự trữ khí đốt trong EU đã đạt 90,1% công suất - theo dữ liệu cập nhật vào hôm thứ Sáu vừa rồi bởi của nhà cung cấp số liệu Gas Infrastructure Europe (GIE).
Điều này có nghĩa là dự trữ khí đốt của châu Âu đã vượt ngưỡng 90% mà EU đặt mục tiêu phải đạt được vào ngày 1/11, trong bối cảnh khu vực này giảm mạnh sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga. Châu Âu cho rằng mức dự trữ như vậy là cần thiết đầu các nước thành viên vượt qua những tháng lạnh nhất trong mùa đông một cách an toàn.
Con số trên cũng là mức dự trữ khí đốt cao nhất của châu Âu ở thời điểm này hàng năm kể từ năm 2016 - khi dữ liệu bắt đầu được ghi lại, theo GIE.
“Mức dự trữ này sẽ giúp chúng ta vượt qua mùa đông an toàn. Cùng nhau, chúng ta đang ‘cai’ khí đốt Nga và song song với đó là nỗ lực đa dạng hoá nguồn cung năng lượng cho tương lai”, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen viết trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội X, tên mới của Twitter.
Hôm thứ Sáu vừa rồi, giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan, giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu, giảm 2,5% nhưng vẫn ở mức cao gần 38 Euro/megawatt giờ. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá khí đốt TTF đã tăng gần 43%. Dù vậy, nếu so với thời điểm đầu năm nay, giá khí đốt ở châu Âu đã giảm khoảng một nửa.
Giới phân tích cảnh báo rằng mức dự trữ khí đốt cao của châu Âu trong mùa hè sẽ nhanh chóng bị rút cạn trong những tháng lạnh của mùa đông. Họ cho rằng lượng khí đốt dự trữ sẽ không đủ để đáp ứng tất cả nhu cầu của châu Âu, và những rủi ro như nhiệt độ xuống thấp hơn so với bình thường và sự gián đoạn nguồn cung khí đốt toàn cầu có thể khiến châu Âu một lần nữa phải đi tìm nguồn cung khí đốt thay thế như trong năm ngoái.
Việc “cai” khí đốt Nga đồng nghĩa châu Âu đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào khí hoá lỏng (LNG) nhập khẩu. Giá khí đốt ở châu Âu tăng mạnh gần đây là do kế hoạch đình công của công nhân các nhà máy LNG lớn ở Australia. Dù châu Âu hiếm khi nhập khẩu LNG trực tiếp từ Australia, nhưng nếu nguồn cung từ Australia bị gián đoạn, các nước nhập khẩu nhiều LNG ở châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc sẽ tăng mua từ Mỹ hay Qatar - vốn đang là nguồn cung cấp LNG chính của châu Âu - dẫn tới sự cạnh tranh gia tăng.
“Châu Âu sẽ không dám bước vào mùa đông này với mức dự trữ khí đốt thấp, vì nguồn cung khí đốt Nga qua đường ống đã giảm nhiều so với trước chiến tranh và châu Âu sẽ phải giành giật những lô LNG trong mùa đông, cho dù mức dự trữ khí đốt hiện nay của họ có là bao nhiêu đi chăng nữa’, chuyên gia Sindre Knutsson của công ty Rystad Energy nhận định với tờ Financial Times.
Theo chuyên gia Glen Kurokawa của công ty tư vấn hàng hoá cơ bản CRU, việc rút khí đốt từ dự trữ chỉ có thể đáp ứng 15-20% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của châu Âu trong mùa đông, và nguồn cung từ LNG nhập khẩu sẽ đáp ứng một tỷ trọng lớn là khoảng 1/3.
Các cuộc đàm phán giữa công đoàn với hai hãng Chevron và Woodside - đơn vị vận hành các nhà máy LNG ở Australia mà công nhân đang lên kế hoạch đình công - sẽ tiếp diễn trong tuần này, nguồn thạo tin tiết lộ với Financial Times. Giá khí đốt ở châu Âu trong những ngày tới sẽ tuỳ thuộc không nhỏ vào kết quả của các cuộc đàm phán ở cách xa hàng nghìn dặm này.