Giá khí đốt ở châu Âu tăng 40% một phiên vì tin đình công ở Australia
Diễn biến này cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vẫn chưa thực sự kết thúc...
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng gần 40% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (9/8), khi nguồn cung khí đốt hoá lỏng (LNG) từ Australia có nguy cơ gián đoạn gây tâm lý hoảng loạn cho các nhà giao dịch vốn đặt cược vào sự mất giá sâu hơn của khí đốt.
Giá khí đốt trên sàn TTF, giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu, tăng lên mức hơn 43 Euro/megawatt giờ, từ mức khoảng 30 Euro/megawatt giờ trong phiên ngày thứ Ba. Đây là mức giá cao nhất kể từ trung tuần tháng 6.
Chất xúc tác cho cú tăng này là thông tin rằng công nhân tại các nhà máy LNG quan trọng ở Australia đang có kế hoạch đình công đòi tăng lương và chế độ phúc lợi tốt hơn. Mức độ biến động của giá khí đốt được đẩy cao thêm khi một số nhà giao dịch đóng trạng thái bán khống - đặt cược vào sự giảm giá khí đốt - mà họ theo đuổi trước đó.
Diễn biến này cho thấy dù dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đang gần đầy, cuộc khủng hoảng năng lượng vốn đã khiến khu vực này điêu đứng trong gần 2 năm đến hiện tại vẫn chưa thực sự kết thúc, và thị trường vẫn còn bất an về tính chất dễ thương tổn của nguồn cung.
Australia hiếm khi cung cấp LNG trực tiếp cho châu Âu, nhưng Eu ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung LNG vận chuyển đường biển trên thị trường toàn cầu để thay thế cho khí đốt Nga - nguồn cung đã bị cắt giảm gần hết sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra.
Giới phân tích nói rằng thị trường vẫn lo sợ về nguy cơ xảy ra sự gián đoạn nguồn cung, dù giá khí đốt bây giờ đã thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục thiết lập vào mùa hè năm ngoái - thời điểm mà sự gián đoạn nguồn cung từ Nga đã đẩy giá khí đốt ở châu Âu vượt mốc 340 Euro/megawatt giờ.
“Ngay cả khi dự trữ khí đốt đã đầy, điều đó cũng không thể đảm bảo chắc chắn là mọi thứ đều ổn”, trưởng bộ phận hàng hoá cơ bản của Investec, ông Callum Macpherson, nói với tờ báo Financial Times. “Câu chuyện sẽ phụ thuộc vào mùa đông sắp tới, chẳng ai đoán biết được điều gì sẽ xảy ra cả”, ông Macpherson phát biểu, nói thêm rằng vẫn còn đó “những rủi ro lớn” về tình hình khí đốt ở châu Âu.
Năm ngoái, EU đã trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới vì phải tăng cường mua LNG để thay thế khí đốt Nga vận chuyển bằng đường ống. Trước chiến tranh, Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU.
Trong khi đó, Australia là một nhà cung cấp khí đốt quan trọng của châu Á, nên bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung khí đốt nào từ Australia đều có thể dẫn tới cuộc cạnh tranh nhằm giành giật các lô khí đốt giữa châu Á và châu Âu. “Nguồn cung LNG từ Australia giảm có thể đồng nghĩa với việc các nhà nhập khẩu châu Á tìm mua từ các nhà cung cấp khác như Mỹ và Qatar”, một báo cáo của công ty tư vấn ICIS nhận định.
Năm nay, giá khí đốt ở châu Âu đã có những phiên tăng đột biến như vừa rồi, nhưng sau đó giá khí đốt lại giảm nhanh trong những phiên sau đó. Tuy nhiên, phiên tăng giá này của khí đốt ở châu Âu diễn ra khi giá dầu Brent giao sau tại thị trường London - giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt toàn cầu - đạt mức cao nhất kể từ tháng 1 là 87,65 USD/thùng trong phiên cùng ngày.
Giá năng lượng tăng có thể làm gia tăng thách thức đối với các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lạm phát, nhất là khi nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu dưới áp lực của lãi suất tăng cao.
Dự trữ khí đốt của EU - nguồn cung quan trọng trong những tháng mùa đông - hiện đã đạt gần mức 90%, mức dự trữ mà EC phấn đấu đạt được vào đầu tháng 11 hàng năm. Giới giao dịch hiện dự báo dự trữ sẽ đầy vào tháng 9.
Dù vậy, các nhà phân tích của ngân hàng Mỹ Citigroup cho rằng nếu xảy ra đình công tại các nhà máy khí đốt ở Australia và đình công kéo dài trong mùa đông, đến tháng 1/2023, giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng gấp đôi, đạt 62 Euro/megawatt giờ.