08:49 28/12/2017

Dự trữ ngoại hối 51,5 tỷ USD, ngày mua kỷ lục 3,6 tỷ USD

Minh Đức

Dự trữ ngoại hối Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới với lượng mua ròng lớn trong năm 2017

Tổng lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua ròng trong năm 2017 ước tính có thể lên tới 12 tỷ USD.
Tổng lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua ròng trong năm 2017 ước tính có thể lên tới 12 tỷ USD.

Con số quy mô dự trữ ngoại hối Việt Nam đến cuối 2017 chính thức được công bố tại phiên họp cuối năm đánh giá về công tác điều hành giá năm 2017, ngày 27/12.

Cụ thể, tại phiên họp trên, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2017 Ngân hàng Nhà nước đã nâng mức dự trữ ngoại hối lên kỷ lục mới, đạt tới 51,5 tỷ USD.

Như vậy, so với con số xấp xỉ 48 tỷ USD mà Thống đốc Lê Minh Hưng cập nhật một tuần trước, dự trữ ngoại hối đã có bước tăng rất mạnh chỉ trong vòng một tuần trở lại đây.

Quy mô 51,5 tỷ USD nói trên được Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết bao gồm cả mua lại số ngoại tệ từ kết quả thoái vốn Nhà nước tại Sabeco vừa qua.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, trong một tuần gần đây, Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào lượng lớn ngoại tệ; cao điểm có ngày mua vào tới khoảng 3,6 tỷ USD - điều chưa từng có trong lịch sử. Và tính chung, tổng lượng ngoại tệ mua ròng trong năm 2017 ước tính có thể lên tới 12 tỷ USD.

Gắn với diễn biến trên, giá USD giao dịch trên thị trường liên ngân hàng những ngày gần đây duy trì ở mức thấp, bám "sàn" 22.710 VND - mức giá mua vào tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Giá USD bán ra trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại cũng ổn định ở mức thấp, quanh 22.745 VND. Và giá USD trên thị trường tự do cũng liên tục giảm về sát với giá niêm yết của các ngân hàng thương mại.

Cũng tại phiên họp trên, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, 2017 là năm thứ hai Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bảo đảm kiểm soát chuỗi lạm phát mục tiêu và lạm phát thực tế sát với chỉ tiêu của Quốc hội. Cụ thể, năm 2016, lạm phát là 4,75%, bảo đảm chỉ tiêu dưới 5% và năm 2017 là 3,52% - dưới mức 4%.

Về tín dụng, năm nay ngành ngân hàng đã đưa tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm, hỗ trợ cho việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Và tính đến cuối năm, tín dụng đã tăng khoảng 19%.