Đưa thông tin bảo hiểm thất nghiệp kịp thời đến người lao động
Đồng hành cùng người lao động, hoạt động giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp được Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng thực hiện thông suốt, nhờ đó đã góp phần hỗ trợ người lao động thất nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn để ổn định cuộc sống…
Thông tin về tình hình thực hiện chế độ trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng cho biết, trong tháng 2/2023, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm là 1.150 người, tăng 49,76% so với tháng 1 (768 người).
Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 2 là 1.133 người, với tổng số tiền chi trợ cấp thất nghiệp là 24,29 tỷ đồng. Trong đó, 344 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian từ 7 – 12 tháng, chiếm 30,36% so với tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, 789 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian từ 3 – 6 tháng, chiếm 69,64%. Mức hưởng bình quân là 3,849 triệu đồng/người/tháng.
Trong tháng 2, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp với lí do mất việc làm do nguyên nhân khác chiếm 68,78%; người lao động thất nghiệp do doanh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu… chiếm 28,09%; do hết hạn hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc chiếm 2,09%; người lao động thất nghiệp do bị xử lí kỷ luật, sa thải chiếm 1,04%.
Trong số lao động thất nghiệp đã qua đào tạo, lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm 28%; cao đẳng chiếm 7,57%; trình độ trung cấp chiếm 4,43%, lao động có trình độ sơ cấp nghề và chứng chỉ nghề chiếm 34,78%.
Cũng trong tháng 2, ngành có người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cao là: nhựa – bao bì- in. Một số ngành có người nộp hồ sơ hưởng nhiều khác là: may, giày da, dệt, nhuộm, thiết kế thời trang; xây dựng, kiến trúc, gỗ, trang trí nội thất…
Tính đến 31/3, thẩm định và có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng cho 3.116 trường hợp, với số tiền chi trả gần 32,9 tỉ đồng.
Từ những phân tích, thu thập được về tình hình hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động trên địa bàn, Trung tâm sẽ lên kế hoạch để kết nối, hỗ trợ giới thiệu tạo việc làm phù hợp với từng nhóm đối tượng, giúp người lao động sớm tìm kiếm được công việc, ổn định cuộc sống.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, để có thêm dữ liệu phục vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, trung tâm cũng đẩy mạnh kết nối, liên hệ với doanh nghiệp để thu thập số liệu về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Trung tâm cũng phát hành các bản tin định kỳ nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, đảm bảo cung cấp thông tin về việc làm, học nghề, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn thành phố.
Thông qua đó, những thông tin về thị trường lao động, các chính sách thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp được đến với người lao động kịp thời nhất.
Song song đó, công tác tiếp nhận hồ sơ và lập thủ tục giải quyết kịp thời các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng luôn được đảm bảo, đáp ứng mọi quyền lợi của người lao động. Hiện nay, ngoài tiếp nhận trực tiếp, trung tâm còn triển khai tiếp nhận và giải quyết trợ cấp thất nghiệp trên cổng Dịch vụ công Quốc gia, phân công nhân sự, phối hợp trong giải quyết hồ sơ đảm bảo quyền lợi của người lao động và tuân thủ các quy định hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp.
Đơn vị này cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội để giải quyết mọi chế độ kịp thời, hiệu quả; quy trình giải quyết chế độ ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Ngoài thực hiện các thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm cũng đa dạng hóa công tác tuyên truyền và cung cấp thông tin bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng vào các hoạt động qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Website của trung tâm… đẩy mạnh tư vấn trực tiếp các chính sách về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và học nghề đến với người lao động.
Trong thời gian tới, đơn vị này cho biết, sẽ tiếp tục duy trì triển khai tốt công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động nắm rõ chính sách bảo hiểm thất nghiệp và những quy định về thủ tục làm hồ sơ thất nghiệp; tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp nhận hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo quy trình.
Mặt khác, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề với nhiều hình thức đa dạng; mở rộng các hình thức hỗ trợ đào tạo nghề, liên kết với các cơ sở dạy nghề có uy tín và chất lượng tổ chức hỗ trợ học nghề cho người lao động, qua đó giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm, nâng cao thu nhập.