07:25 22/06/2010

“Đức, Pháp đã mở đường cho khủng hoảng châu Âu”

Dương Lâm

Chủ tịch ECB nói Đức và Pháp đã làm tổn hại Hiệp ước Ổn định và Phát triển trong vấn đề chi tiêu ngân sách

Châu Âu đang đương đầu với khủng hoảng nợ công.
Châu Âu đang đương đầu với khủng hoảng nợ công.
Phát biểu trên tờ Welt am Sonntag của Đức hồi cuối tuần qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet chỉ trích, chính Pháp và Đức đã mở đường cho cuộc khủng hoảng nợ hiện nay ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Hãng tin AFP dẫn lời Chủ tịch ECB cho hay, hai nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) đã làm tổn hại Hiệp ước Ổn định và Phát triển trong vấn đề chi tiêu ngân sách.

Chính điều này đã đã dẫn tới hành động chưa có tiền lệ của ECB trong tháng 5 vừa qua là mua trái phiếu chính phủ của các nước, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công đầu cơ và ổn định thị trường.

Ông Trichet lưu ý rằng, cả Đức và Pháp đều đã không thực hiện đúng những quy định mà họ đã đấu tranh để áp dụng trong EU, khi yêu cầu giảm bớt những hình phạt nghiêm khắc đã đề ra trong Hiệp ước đối với những nước có nợ công quá cao.

Tuy nhiên, ông bác bỏ khả năng vỡ nợ của các nước nặng nợ trong Eurozone như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. “Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra”, ông khẳng định.

Trong khi đó, hôm 14/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã khẳng định lập trường chung trong việc thúc đẩy các biện pháp tăng cường bình ổn các thị trường tài chính và duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của EU.

Hai nhà lãnh đạo cho biết sẽ gửi thông điệp chung tới lãnh đạo các nước G20, kêu gọi nhanh chóng chấn chỉnh các thị trường quốc tế, trong đó có việc áp đặt quy định mới về đánh thuế đối với các giao dịch tài chính quốc tế, coi đó là một trong những biện pháp quan trọng giúp bình ổn thị trường tài chính.

Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp cho biết, hai bên còn thảo luận một loạt đề nghị chung về chiến lược tăng trưởng để đưa ra trước hội nghị EU nhằm tiến tới những thay đổi, trong đó có đề nghị xem xét sửa đổi một số hiệp ước nhằm tăng cường ổn định khu vực đồng euro.

Cũng trong bài phát biểu trên tờ Welt am Sonntag, Chủ tịch ECB đã khuyến cáo việc các ngân hàng trả lương và thưởng quá mức, dựa trên lợi nhuận ngắn hạn có thể làm tăng gánh nặng về tài chính cho họ.

Hôm 17/6, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí đánh thuế đối với các ngân hàng có thể nhận được cứu trợ sau cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu, và xúc tiến một loại thuế toàn cầu đối với các giao dịch tài chính tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới.