Đứng vững trước áp lực chốt lời, VN-Index tăng phiên thứ 6 liên tiếp
Đà tăng khá hưng phấn trong phần lớn thời gian của phiên chiều nay chút nữa đã kết thúc trong hoảng hốt. Một đợt xả hàng khá mạnh đã đánh tụt VN-Index về sát tham chiếu cho tới tận phút chót của đợt khớp lệnh liên tục...
Đà tăng khá hưng phấn trong phần lớn thời gian của phiên chiều nay chút nữa đã kết thúc trong hoảng hốt. Một đợt xả hàng khá mạnh đã đánh tụt VN-Index về sát tham chiếu cho tới tận phút chót của đợt khớp lệnh liên tục.
Thị trường tăng lên cao hơn sẽ đối diện với nhu cầu chốt lời của nhà đầu tư bắt đáy. Đó là điều hết sức bình thường, đặc biệt khi thị trường vẫn chưa có gì chắc chắn là đã tạo đáy. Những phần trăm lợi nhuận nhỏ cũng đều đáng quý.
Đà tăng từ cuối phiên sáng đã giúp thị trường đi lên cao hơn nữa trong buổi chiều. VN-Index đạt đỉnh 1322.35 điểm lúc 1h47, trên tham chiếu 0,94%. Sàn HoSE giao dịch tưng bừng với 230 mã tăng/141 mã giảm thời điểm đó.
Hầu hết cổ phiếu cùng đạt đỉnh trong ngày với VN-Index trong phiên chiều. Một số mã tăng cực khỏe như BID tăng hơn 4,5%, GAS tăng 5,69%, MWG tăng 5,1%... Thậm chí các cổ phiếu ngân hàng vốn khá yếu trong phiên sáng cũng “đổi màu” thành công ở thời điểm này. CTG, ACB hồi lên sát tham chiếu, VCB còn tăng nhẹ 0,7%...
Tuy nhiên ngay sau đó ít phút, từ khoảng 2h chiều, áp lực bán bắt đầu gia tăng rất đáng kể. Các blue-chips quay đầu sụt giảm trở lại, đặc biệt các trụ ngân hàng. Nhóm blue-chips khác cũng hạ độ cao, nhiều mã trượt hẳn sang vùng giảm. VN-Index từ đỉnh cao 1322,35 điểm bổ nhào xuống 1311.24, tương đương rơi gần 1% cho tới tận phút cuối đợt khớp lệnh liên tục. VN-Index chỉ còn cách tham chiếu có 1,2 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tới 7/10 mã khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất hôm nay. Dẫn đầu là VCB đóng cửa giảm 1,02%, CTG giảm 1,89%, ACB giảm 1,66%, VPB giảm 0,98%.
SAB giảm 2,45% cũng là một cổ phiếu có ảnh hưởng xấu. Vừa qua vào lại rổ VN30 SAB đã trả lại hết mức tăng bất ngờ 1,3% cuối tuần trước do được các quỹ mua. VHM đóng cửa giảm 0,18%, VRE giảm 0,54% thực tế là cũng có cải thiện nhẹ so với phiên sáng. VIC cũng là cổ phiếu gây ảnh hưởng mạnh vì cuối phiên sáng tăng rất cao 1,68%. Nhịp rơi mạnh buổi chiều cổ phiếu này bị đánh tụt xuống tận tham chiếu, tức là mất sạch lực đỡ. Do đó VIC là tác nhân quan trọng kéo tụt VN-Index.
VN30-Index đóng cửa rất yếu, chỉ tăng nhẹ 0,07% so với tham chiếu. Nhịp giảm cuối buổi chiều thậm chí còn khiến chỉ số này giảm hơn 2 điểm trong khi VN-Index vẫn chưa chạm tham chiếu. Độ rộng chốt phiên của VN30 cũng kém với 16 mã tăng/17 mã giảm. Tuy vậy toàn sàn HoSE còn tốt, nhờ 209 mã tăng/167 mã giảm. VNSmallcap tiếp tục là rổ vượt trội với 103 mã tăng/64 mã giảm và chỉ số tăng tới 1,43%.
Trong 16 cổ phiếu tăng kịch trần ở sàn HoSE thì 11 mã nằm trong rổ VNAllshares. BCG, VOS, HAH, HAI, CSV, BFC, TSC là những cổ phiếu kịch trần với thanh khoản khá cao. Có thể thấy hầu hết nhóm này có tính đầu cơ truyền thống. Thanh khoản của VNSmallcap cũng tăng 29% so với phiên trước, đạt 2.342 tỷ đồng khớp lệnh. Trong khi đó VN30 sụt giảm 10% giá trị khớp lệnh, chỉ đạt 9.463 tỷ đồng.
Thanh khoản chung hai sàn chiều này khá yếu. Đây là điều bất ngờ vì phiên sáng giao dịch khá mạnh. Cả hai sàn buổi chiều chỉ khớp được 8.766,4 tỷ đồng, giảm 27% so với phiên sáng. Điều này đã dẫn đến biến động tăng không duy trì được lâu, khi nhà đầu tư bán ra nhiều hơn lập tức có thể ép giá xuống mạnh.
Dù vậy độ rộng tích cực duy trì đến hết phiên cũng thể hiện lực bán không gây xáo trộn lớn trên thị trường. Nhịp rơi tới gần 1% chỉ trong hơn 30 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục là khá mạnh. Nhịp này đã được chặn lại cuối phiên thành công.