08:52 22/01/2021

Dược phẩm và cơ hội đầu tư từ "Nhà thuốc của thế giới"

Mỹ Phương

Được mệnh danh là "Nhà thuốc của thế giới", Ấn Độ hiện là nhà sản xuất thuốc gốc lớn nhất thế giới và là nước cung cấp 60% sản phẩm vaccine trên toàn cầu

Việt Nam đang tập trung khuyến khích sản xuất thuốc và dược phẩm trong nước cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm.
Việt Nam đang tập trung khuyến khích sản xuất thuốc và dược phẩm trong nước cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm.

Các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết sẽ khuyến khích các công ty dược phẩm trong nước trở thành một phần của chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu với chất lượng cao hơn và cạnh tranh hơn.

Gần 200 đại biểu đến từ các cơ quan như: Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, Bộ Tài Chính và Bộ Công thương cùng đại diện nhiều doanh nghiệp dược phẩm Ấn Độ tại Việt Nam doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự Hội thảo Xúc tiến Thương mại và Đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm giữa Ấn Độ và Việt Nam, diễn ra ngày 21/01/ 2021. Sự kiện do Đại sứ quán Ấn Độ phối hợp cùng với Liên minh Xúc tiến Đầu tư (Invest Global), Hiệp hội các nhà Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Phòng Thương mại Ấn Độ tổ chức.

CƠ HỘI NÀO CHO CÁC DOANH NGHIỆP ẤN ĐỘ  

Với chủ đề "Cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam" và "Thúc đẩy thương mại đối với các sản phẩm dược phẩm Ấn Độ tại Việt Nam", hai phiên thảo luận đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Về phía Việt Nam, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Y tế đã thông tin về những cơ chế khuyến khích đầu tư của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm, đặc biệt đối với các dự án công nghệ cao.   

Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, trong những năm vừa qua, thị trường dược phẩm của Việt Nam đã phát triển rất nhanh với giá trị ước tính đạt 7 tỷ USD vào năm 2019. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường này dự kiến sẽ tiếp tục ở mức 8% cho đến năm 2024. Trong khi các nhà máy sản xuất dược phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu dược phẩm của thị trường. Thị trường Việt Nam cũng phải dựa vào nhập khẩu đến 60% nhu cầu thuốc thành phẩm và 90% hoạt dược và phần lớn các sản phẩm nguyên liệu đầu vào để phục vụ sản xuất dược. Con số này cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư đến từ "Nhà thuốc thế giới" nói riêng muốn mở rộng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm.

Ông Pranay Verma, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam cho hay: dược phẩm là một lĩnh vực quan trọng trong quan hệ thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam. Bởi Việt Nam là thị trường tiêu thụ dược phẩm chính của Ấn Độ với kim ngạch thương mại hàng năm trị giá 225 triệu USD, xếp thứ 19 trong số 25 thị trường xuất khẩu dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ.

"Các cơ hội mà ngành dược phẩm mang lại cho hai nước đã được ghi nhận trong Tuyên bố tầm nhìn chung Ấn Độ - Việt Nam về hòa bình, thịnh vượng và người dân được Thủ tướng hai nước thông qua tại Hội đàm Cấp cao trực tuyến vào ngày 21/12/2020. Tầm nhìn chung đã xác định tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực, trong đó chăm sóc y tế toàn diện, vaccine và dược phẩm là những yếu tố quan trọng trong quan hệ đối tác giữa hai nước trong những năm tới", ông Pranay Verma nhấn mạnh.

Ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ đứng thứ ba trên thế giới về sản lượng và đứng thứ mười về giá trị. Ấn Độ là nhà cung cấp thuốc gốc lớn nhất trên thế giới và cũng là một trong những nhà sản xuất vaccine lớn nhất trên thế giới. Tổng quy mô toàn ngành ước tính khoảng 43 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2020 và có khả năng đạt 55 tỷ USD vào năm 2022.

Ông Pranay Verma cho hay, trên thực tế, năng lực dược phẩm của Ấn Độ không chỉ phục vụ riêng cho Ấn Độ mà cả thế giới. Trên cơ sở đó, quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm vẫn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong quan hệ thương mại song phương.

"Nhiều bệnh viện, bác sĩ và người dân ở Việt Nam đã nói với chúng tôi về sự tin tưởng của họ đối với thuốc và vaccine của Ấn Độ, trong đó nhiều loại thuốc có thể cứu mạng nhiều bệnh nhân nhưng giá cả rất hợp lý. Chúng ta cần hỗ trợ những chuỗi cung ứng này vì đó cũng là chiếc phao cứu sinh với nhiều người thay vì làm gián đoạn chúng với những quy định hoặc thủ tục" - ông Pranay Verma nhấn mạnh.

Trước đó 1 tháng, một hội thảo trực tuyến có cùng chủ đề "Cơ hội hợp tác và đầu tư ngành dược phẩm tại Việt Nam" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp với Hội đồng xúc tiến Xuất khẩu Dược phẩm Ấn Độ (Pharmexcil) tổ chức cũng đã nhận được nhiều góp ý quan trọng cho ý tưởng hợp tác đầu tư.

Theo ông Murall Krishna, Giám đốc Pharmexcil, Việt Nam - Ấn Độ có nền tảng hợp tác tốt trên nhiều lĩnh vực, ngành dược phẩm cũng là lĩnh vực mà Chính phủ hai nước đều quan tâm đầu tư phát triển. Tuy nhiên, những kết quả hợp tác, thương mại sản phẩm dược phẩm và thiết bị y tế giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu thực tế.  

Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam, đại diện một doanh nghiệp Ấn Độ nhận xét: điều kiện đầu tư kinh doanh của Việt Nam thời gian qua được cải thiện một cách tích cực, năng suất lao động của người Việt Nam cũng tăng nhanh và hơn hết, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm phát triển y tế. Việt Nam cũng có nguồn dược liệu tự nhiên khá phong phú sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dược liệu khai thác, nâng cao năng lực cạnh tranh với dược phẩm của các quốc gia khác. Tuy nhiên, để việc đầu tư hiệu quả, doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam cần thiết lập nền tảng kết nối thông tin một cách thường xuyên và chặt chẽ hơn nữa.

HỢP TÁC SẢN XUẤT VACCINE COVID-19: TẠI SAO KHÔNG?

Được mệnh danh là "Nhà thuốc của thế giới", Ấn Độ hiện là nhà sản xuất thuốc gốc lớn nhất thế giới và là nước cung cấp 60% sản phẩm vaccine trên toàn cầu. Trên 80% thuốc kháng virus ARV được sử dụng trên toàn cầu trong cuộc chiến chống đại dịch HIV-AIDS là do các doanh nghiệp dược phẩm Ấn Độ sản xuất.  

Mới đây nhất, ngày 16/1/2021, Ấn Độ đã phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới từ trước đến nay với hai loại vaccine do Ấn Độ sản xuất để chống lại đại dịch COVID-19. Trong giai đoạn đầu, 300 triệu người được ưu tiên - bao gồm các nhân viên y tế và nhân viên vệ sinh, người lớn tuổi, những người mắc bệnh hiểm nghèo, những người dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch, sẽ được tiêm vaccine.

Phía Việt Nam đang tập trung khuyến khích sản xuất thuốc dược phẩm trong nước, cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm. Các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết sẽ khuyến khích các công ty dược phẩm trong nước trở thành một phần của chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu với chất lượng cao hơn và cạnh tranh hơn.

Trong khi đó, Ấn Độ với lợi thế xuất khẩu thuốc và dược phẩm chất lượng với giá cả rất cạnh tranh luôn trở thành một điểm đến đầu tư quan trọng. Thực tế nhiều năm qua, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra những cải cách quan trọng về đất đai, lao động, thanh khoản và luật pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong các lĩnh vực quan trọng như y tế và thu hút FDI. "Ấn Độ cũng đang xem xét Chính sách Dược phẩm Quốc gia mới để cải thiện chất lượng thuốc cho thị trường nội địa cũng như thị trường nước ngoài", Đại sứ Ấn độ tại Việt Nam cho hay. Theo đó, Ấn Độ đã cho phép đầu tư FDI lên đến 100% trong lĩnh vực dược phẩm thông qua lộ trình tự động đối với đầu tư GI và lên đến 74% đối với đầu tư BI. Quy trình phê duyệt FDI cũng đang được tinh giản để tránh trì trệ. Hiện tại, ngành dược là một trong số 8 ngành thu hút nhiều vốn FDI nhất của Ấn Độ trong giai đoạn 2019-2020.

Theo các diễn giả, chính những bước phát triển tích cực này ở cả hai quốc gia đã mang lại nhiều cơ hội cho các công ty dược phẩm hai nước để định hướng lại và thích ứng với tình hình mới. Để định hướng lại và thích ứng với tình hình mới, các chuyên gia cũng khuyến nghị các công ty cần tập trung vào chất lượng, hiệu quả, giá cả cạnh tranh của các sản phẩm dược, cũng như tìm hiểu các cơ hội đầu tư. Vấn đề còn lại là thời gian.