Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm, đội vốn: Xử lý trách nhiệm thế nào?
Đại biểu Quốc hội "đòi" địa chỉ trách nhiệm khi dự án đường sắt Cát Linh - Hà Nội đã đội vốn 18.001,597 tỷ đồng và chậm tiến độ nhiều năm
Sáng 5/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến xử lý trách nhiệm khi dự án đường sắt Cát Linh - Hà Nội đã đội vốn 18.001,597 tỷ đồng và chậm tiến độ nhiều năm nhưng vẫn đang đứng trước nguy cơ chậm tiếp.
Báo cáo của Bộ trưởng trưởng trước phiên chất vấn đã nói khá chi tiết về dự án này, nhưng đại biểu chưa hài lòng.
Dẫn báo cáo của chính Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tp.HCM) nói, nguyên nhân đội vốn hai dự án đường sắt đô thị của Hà Nội là kinh nghiệm lập dự án ban đầu của tư vấn trong nước còn hạn chế, bộ máy quản lý dự án năng lực hạn chế, tổng thầu chưa phải đơn vị chuyên nghiệp, không đầy đủ kinh nghiệm.
Vậy đề nghị Bộ trưởng cho biết ứng xử của Bộ trưởng với những con người nằm trong hai bộ phận này như thế nào? Giải pháp ra sao? đại biểu Đức chất vấn.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đặt vấn đề: dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư và phê duyệt từ năm 2009, vốn ban đầu là 8.769 tỷ, năm 2016 lên 18 nghìn tỷ đồng và dự kiến đưa vào vận hành là năm 2013 đến nay dự án vẫn chưa đưa vào vận hành thương mại được.
Xin hỏi Bộ trưởng lý do gì mà đến nay qua chạy thử rồi đã 99% phần thi công hoàn thành mà vẫn chưa đưa vào vận hành thương mại? Có xem xét đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đội vốn kéo dài dự án này không.
Bộ trưởng Thể cho biết, dự án đại biểu nêu liên quan đến tổng thầu. Khi ký hiệp định vay với Trung Quốc, bên Trung Quốc đã chỉ định tổng thầu chứ không phải Việt Nam chọn mà đã nằm trong hiệp định.
"Khi thực hiện chúng tôi thấy tổng thầu này xây dựng đường sắt rất tốt, nhưng vận hành đường sắt thiếu kinh nghiệm. Bởi vì, khi thi công đường sắt với vận hành các tàu đường sắt đô thị khác nhau. Chúng tôi đánh giá là tổng thầu này còn thiếu kinh nghiệm. Do đó, chúng tôi làm việc với các bên của Trung Quốc, với Đại sứ quán, với các cơ quan Bộ Giao thông của Trung Quốc rất nhiều lần để làm sao cải thiện tình hình, cố gắng đưa dự án sớm đi vào vận hành", Bộ trưởng nói.
Về nguyên nhân dự án chậm, Bộ trưởng nhấn mạnh đến yếu tố đặc biệt là phải chứng minh được an toàn hệ thống.
Ông Thể cho biết đã thuê một tư vấn nước ngoài đánh giá an toàn hệ thống, nếu cung cấp thông tin của tổng thầu không chuẩn thì tư vấn sẽ không thông qua được phương án an toàn của hệ thống.
"Hiện nay chúng tôi cùng với tổng thầu, cùng với các cơ quan có liên quan, kể cả cơ quan thẩm định cố gắng làm sao kết thúc 1% và khi 1% này xong, có nghĩa là chứng nhận được tất cả các thiết bị đảm bảo an toàn hệ thống thì chúng ta mới có thể vận hành thương mại. Đây là quy định của pháp luật", Bộ trưởng nói.
Chuyển sang trả lời chất vấn của đại biểu Xuyền, Bộ trưởng trình bày, dự án Cát Linh - Hà Đông tăng tổng mức từ 8.679 tỷ lên 18.001 tỷ do được phê duyệt năm 2009 và 2010, 2011, 2012 là những năm trượt giá khoảng 49%, biến động rất lớn về ổn định kinh tế vĩ mô. Rồi trong quá trình triển khai phát sinh công tác giải phóng mặt bằng.
"Tôi nghĩ con số này sắp tới các cơ quan như thanh tra, kiểm toán, thậm chí cơ quan điều tra của Bộ Công an sẽ vào cuộc để làm sáng tỏ các vấn đề phát sinh đúng sai. Nếu những đơn vị nào làm sai, chủ quan thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", Bộ trưởng khẳng định.
Chưa yên tâm, đại biểu Quách Thế Tản (Hoà Bình) tiếp tục "truy": xin Bộ trưởng cho biết khi nào dự án này sẽ đưa vào sử dụng và khai thác thương mại? Dự án này đã lỡ hẹn 7, 8 lần rồi.
"Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi rất mong muốn đưa dự án Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành thương mại", Bộ trưởng Thể trả lời.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đây là dự án đường sắt đầu tiên của quốc gia liên quan đến sinh mệnh của hành khách. Do đó, để có thể vận hành thương mại thì tư vấn phải chứng nhận được an toàn hệ thống. Muốn chứng nhận được an toàn hệ thống thì phải được nghiệm thu, phải được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến các thiết bị, linh kiện.
Bộ trưởng cho biết, việc này tư vấn đang làm cùng với Bộ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công ty đường sắt Hà Nội đào tạo khoảng 800 người sử dụng các phương tiện này. Hiện nay đang vận hành thử không tải và đang phối hợp để điều chỉnh các số liệu cũng như đội ngũ 800 cán bộ phải am hiểu thì mới vận hành thương mại, nếu vận hành thương mại xảy ra sự cố thì rất nghiêm trọng.
Về thời gian, Bộ trưởng cho hay đã làm việc với tổng thầu, yêu cầu thay đổi người quản lý, làm việc với đại sứ quán, các cơ quan chức năng để phía bạn cung cấp đầy đủ thông tin, quy trình vận hành, quy trình sửa chữa an toàn để dự án đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Vì "chúng ta còn rất nhiều dự án đường sắt đô thị, nếu dự án này có vấn đề thì những dự án khác sẽ gặp khó khăn. Chúng tôi xin cam kết với đại biểu sẽ cố gắng tối đa, nếu chúng tôi không làm hết trách nhiệm thì Chính phủ, cơ quan chức năng liên quan xử lý theo quy định của pháp luật", Bộ trưởng hồi âm đại biểu Tản.